So sánh con mình với con người ta của phụ huynh làm học sinh mất hạnh phúc

20/10/2023 - 19:41

PNO - Tại Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 20/10, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, việc so sánh con của mình với con người ta của phụ huynh làm mất đi hạnh phúc của học sinh rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, xây dựng trường học hạnh phúc không phải là học sinh học ít đi mà là học theo năng lực, phát huy tối đa năng lực. Mỗi học sinh có thiên hướng riêng, nhà trường, phụ huynh đừng so sánh với “con người ta”. Khái niệm “con người ta” đã làm mất đi hạnh phúc của học sinh rất nhiều. 

 

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu

“Mỗi lần thi tuyển sinh, phụ huynh hay nói “con người ta” đậu vào trường kia, sao con mình chỉ đậu trường này. Chính cha mẹ đã làm mất đi niềm vui, hạnh phúc học tập của con cái. Tôi mong mỗi nhà trường phải làm sao cho phụ huynh chia sẻ được về xây dựng trường học hạnh phúc. Ngoài thầy cô, học sinh trực tiếp tham gia thì phụ huynh cũng là đối tượng mà nhà nhà trường phải đưa vào ban tổ chức".  - ông Hiếu nhấn mạnh. 

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, trong kế hoạch xây dựng trường học hạnh phúc, TPHCM không hành chính hóa mà mong tự thân mỗi trường học muốn trường mình hạnh phúc, người dạy và học có môi trường được chia sẻ, trách nhiệm, thương yêu nhau. Học sinh, giáo viên được tôn trọng, lắng nghe... 

Sở sẽ không kiểm tra xem trường đạt bao nhiêu tiêu chí, bao nhiêu phần trăm học sinh được hạnh phúc, bởi đây không phải là xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trường học hạnh phúc là hành trình lâu dài, tự thân nhà trường phải tạo điều kiện để cải thiện chỉ số hạnh phúc, cải thiện dần những điều kiện nhà trường đang có để làm tốt hơn, làm sao mối quan hệ giữa nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh là mối quan hệ tốt đẹp, tin tưởng nhau. 

 

So sánh con người ta làm học sinh bớt hạnh phúc
Việc bị so sánh với con người ta làm học sinh bớt hạnh phúc

“Hiệu trưởng không phải là “một ông quan giáo dục”. Quan trọng nhất là hiệu trưởng phải chia sẻ, lắng nghe giáo viên, giáo viên có đổi mới thì học trò mới hạnh phúc, làm sao việc chỉ đạo được đồng bộ, từ thực hiện chương trình, kiểm tra đánh giá, từ chia sẻ, quan hệ tốt đẹp trong nhà trường thì mới hạnh phúc” - ông Hiếu nêu rõ. 

Tuy vậy, theo ông, sẽ có hình thức lượng hóa bằng tự đánh giá của người trong cuộc về trường học hạnh phúc. Ông đề nghị Phòng Chính trị tư tưởng lấy ý kiến qua đường link về mức độ hài lòng, vừa làm, vừa lắng nghe, điều chỉnh. Đề nghị trung tâm thông tin, văn phòng sở xây dựng một diễn đàn xây dựng trường học hạnh phúc tại TPHCM trên trang web sở, mở rộng lấy ý kiến chuyên gia khắp thế giới, tạo điều kiện cho trường chia sẻ kinh nghiệm.

"Khó khăn hiện nay của TPHCM là sĩ số học sinh mỗi lớp còn cao, vượt từ 30-35% so với điều kiện chuẩn, điều này gây áp lực lớn cho giáo viên. Ở nhiều quận, huyện, sĩ số tiểu học lên đến 45-50 học sinh/lớp...". 

Bình tĩnh, không nóng vội khi xây dựng trường học hạnh phúc

Sau nhiều lần lấy ý kiến góp ý về xây dựng, hiện tại, Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc của TPHCM gồm 18 tiêu chí, với 3 nhóm tiêu chuẩn: Con người (6 tiêu chí), Dạy học và hoạt động giáo dục (8 tiêu chí), Môi trường (4 tiêu chí). Năm học 2023-2024, TPHCM sẽ triển khai xây dựng trường học hạnh phúc tại hơn 2.000 cơ sở giáo dục trên toàn thành phố.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao sự chủ động của TPHCM khi là địa phương tiên phong triển khai bài bản trường học hạnh phúc. TPHCM xây dựng trường học hạnh phúc sẽ là điển hình trong đổi mới giáo dục. Dù vậy, ông đề nghị TPHCM không hình thức, không hành chính hóa, không đưa vào bất kỳ tiêu chí thi đua nào bởi Bộ GD-ĐT cũng chưa có văn bản nào.

Theo ông, xây dựng trường học hạnh phúc không phải là phong trào mà là quá trình lâu dài để học sinh trở thành công dân hạnh phúc. Việc triển khai phải mang tính tự nguyện, thầy cô tự đánh giá, so sánh. Hạnh phúc là năm sau tốt hơn năm trước. "Nói rằng trường học hạnh phúc mà học sinh mặt mày căng thẳng, thầy cô thì ưu tư thì không phải là hạnh phúc" - ông nói. 

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đề nghị TPHCM phải bình tĩnh, không nóng vội khi xây dựng trường học hạnh phúc. Trong quá trình triển khai cần tiếp tục điều chỉnh bộ tiêu chí, xem cái gì thiết thực nhất, phù hợp với đặc thù thành phố, từng nhà trường. Sở GD-ĐT nên thiết lập thêm một trang web, hình thành diễn đàn, để thầy cô, nhà trường chia sẻ cách làm hay. Sở cũng nên xây dựng cẩm nang học hỏi địa phương khác, kinh nghiệm thế giới, chuyên gia. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI