Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM: "Sai lầm trong xây dựng ngầm sẽ trả giá rất đắt"

05/01/2021 - 14:04

PNO - Quy hoạch không gian ngầm đô thị TPHCM cần được thực hiện chặt chẽ từng giai đoạn theo quy định.

Ngày 22/1/2007, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020 thì đã đề cập đến quy hoạch mạng lưới tàu điện ngầm (đường sắt đô thị). Cũng từ đây, quy hoạch không gian ngầm cũng được manh nha, những cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn nước ngoài đã nghĩ tới việc phát triển không gian ngầm.

Ông Nguyễn Tất Thắng – Phó trưởng phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch - kiến trúc TPHCM trao đổi về việc phát triển không gian ngầm đô thị
Ông Nguyễn Tất Thắng - Phó trưởng phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM trao đổi về việc phát triển không gian ngầm đô thị

Cũng trong năm 2007, TPHCM bắt đầu nghiên cứu đề án Quy hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 làm cơ sở để từng bước ngầm hóa các hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố một cách hiệu quả, đồng bộ; một trong những công trình đầu tiên được thực hiện ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật trước đó là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi vẫn tồn tại bất cập, thiếu đồng bộ giữa lưới điện và viễn thông.

Ngoài định hướng ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ quan quản lý còn hướng đến giao thông ngầm, không gian công cộng ngầm (thương mại dịch vụ…). Do đó, đến cuối năm 2008, TPHCM đã có chủ trương tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch không gian ngầm để làm cơ sở quản lý và khai thác; tuy nhiên, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 27/11/ 2006) đã cơ bản hoàn thành nội dung nghiên cứu và không có nhiệm vụ nghiên cứu về không gian xây dựng ngầm nên không thể thực hiện lồng ghép trong đồ án này để đảm bảo nghiên cứu đồng bộ không gian bên trên và bên dưới mặt đất.

Hiện tại, quy hoạch không gian ngầm TPHCM chỉ mới đang ở giai đoạn lập quy hoạch. Trước đây, TPHCM có dự kiến nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch 2 khu vực có nhu cầu xây dựng ngầm cao, gồm khu trung tâm TPHCM hiện hữu mở rộng (930ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (657ha) để kịp thời đáp ứng nhu cầu xây dựng ngầm ngày càng cao tại khu vực này.

Một số bãi xe của các cao ốc, trung tâm thương mại dần được ngầm hóa
Một số bãi xe của các cao ốc, trung tâm thương mại dần được ngầm hóa

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cũng từng dự thảo nhiệm vụ đầu bài để tổ chức lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm 2 khu vực vừa nêu và gửi báo cáo Bộ Xây dựng xin ý kiến hướng dẫn để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, quy hoạch có tính tầng bậc, bắt đầu từ quy hoạch chung mới đến quy hoạch cấp thấp hơn (quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết).

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 cũng không có phần quy hoạch không gian xây dựng ngầm. Do đó, theo ý kiến Bộ Xây dựng, cần lập quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm cho toàn thành phố hoặc tích hợp quy hoạch trong đợt điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM sắp tới.

Hiện nay, TPHCM đang rà soát, thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Theo ý kiến Bộ Xây dựng, cần thể hiện trong đồ án quy hoạch chung này hoặc lập riêng đồ án quy hoạch chung không gian ngầm thì mới có cơ sở để tiến hành các bước lập quy hoạch cụ thể hơn. Do đó, việc triển khai chi tiết quy hoạch 2 khu vực có nhu cầu xây dựng ngầm cao nêu trên đến nay tạm hoãn lại và Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM dự kiến đề xuất UBND TPHCM xin thi tuyển ý tưởng.

Hiện tại, TPHCM đang trong bối cảnh đô thị hóa và gia tăng dân số, cũng như nhu cầu sử dụng đất ngày càng cao. Do đó, việc khan hiếm diện tích trên mặt đất khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực xây dựng ngầm.

Tuyến đường sắt số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang trong giai đoạn khẩn trương hoàn thiện công tác xây lắp, chuẩn bị đưa vào khai thác trong tương lai. Tuyến này có 3 ga ngầm Bến Thành, Nhà hát TPHCM, Ba Son. Nhu cầu xây dựng ngầm sẽ tập trung xung quanh khu vực các nhà ga metro rất lớn. Giao thông thuận lợi là cơ hội phát triển xây dựng không gian công cộng, thương mại dịch vụ ngầm xung quanh khu vực đó.

Dự án metro số 1 sắp hoàn thành sẽ tạo điều kiện phát triển không gian ngầm xung quanh
Dự án metro số 1 sắp hoàn thành sẽ tạo điều kiện phát triển không gian ngầm xung quanh

Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình quy hoạch không gian ngầm đến từ các vấn đề pháp lý. Công cụ pháp lý hiện nay chưa hoàn chỉnh, chỉ mới có Nghị định 39/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 hướng dẫn Luật quy hoạch đô thị về không gian ngầm. Các quy định, quy chuẩn cũng chưa đầy đủ, chỉ mới có quy chuẩn về gara ô tô ngầm và tàu điện ngầm.

Một khó khăn khác là cơ sở dữ liệu về hiện trạng xây dựng, điều kiện tự nhiên thủy văn địa chất chưa được thu thập đầy đủ.

Hiện tại, không gian ngầm bên dưới đang có những phần ngầm của các công trình cao tầng, hạ tầng kỹ thuật ngầm... Chúng ta phải xác định được những vị trí đó để tránh xung đột. Không gian ngầm một khi đã quy hoạch xây dựng, rất khó cải tạo, sửa chữa.

Kể ra những khó khăn như vậy không phải để chúng ta không làm, mà phải làm và làm một cách quyết liệt nhưng vẫn phải đáp ứng được sự thận trọng cần thiết. Sai lầm trong xây dựng ngầm sẽ trả giá rất đắt.

Nhiều người cho rằng việc quy hoạch không gian ngầm đang chậm khi tuyến metro đã sắp hoàn thành. Theo tôi, đánh giá này có phần mang tính phiến diện. Việc quy hoạch không gian xây dựng ngầm không phải vấn đề đơn giản. Nước ta chưa có đội ngũ kỹ thuật chuyên sâu, chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển không gian xây dựng ngầm. Đội ngũ tư vấn thiết kế, quản lý cũng không có kinh nghiệm.

Đã vậy, quy định quản lý cũng chưa có, mà như ai cũng biết làm quản lý Nhà nước mà sai quy định hoặc vượt rào là không được. Trước đây, Sở đã soạn nhiệm vụ đầu bài, cũng tìm hiểu tài liệu nước ngoài… nhưng chưa có quy định khung pháp lý nên không dám trình, phải gửi ý kiến hỏi Bộ Xây dựng. Sau đó, Bộ Xây dựng trả lời phải chờ quy hoạch chung.

Và phải thừa nhận, người ta nhận định việc quy hoạch không gian ngầm chậm cũng có phần đúng. TPHCM có metro, có nhà ga ngầm nghĩa là nhu cầu phát triển không gian ngầm khu vực đó rất lớn, giá trị sử dụng đất ở khu vực đó tăng rất nhiều nhưng chúng ta không theo kịp, không nắm bắt sẽ lỡ cơ hội và có thể gây ra một số bất cập trong quản lý khi chưa có công cụ quản lý để quản lý và tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch cho việc đầu tư phát triển các khu vực này.

Việc phát triển các công trình thương mại - dịch vụ ngầm giúp TPHCM có thêm nguồn thu tái đầu tư
Việc phát triển các công trình thương mại - dịch vụ ngầm giúp TPHCM có thêm nguồn thu tái đầu tư

Không gian ngầm đô thị có 3 nhóm chính: Hạ tầng kỹ thuật, giao thông (hầm đường bộ, metro, nhà ga ngầm…), không gian công cộng (thương mại, dịch vụ…). Việc phát triển nhóm công trình ngầm nào cũng quyết định rất nhiều đến sự phát triển bền vững đô thị. Hiện nay, Thành phố đang chú trọng cải thiện hệ thống giao thông công cộng, trong đó có việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị (vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn). Tuy nhiên, nó không thể tồn tại độc lập, phải kết hợp với xe buýt, các loại phương tiện giao thông công cộng và các tiện ích khác; nhà ga tàu điện ngầm sẽ phát huy hiệu quả tốt nếu được kết nối tốt với xung quanh.

Dĩ nhiên, việc phát triển và bảo tồn phải song hành, ổn định, chứ không phải phát triển không gian ngầm là thay đổi toàn bộ thành phố.

Lâm Ngọc (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI