Sợ quản lý thị trường kiểm tra, tiểu thương chợ An Đông đồng loạt đóng sạp

19/06/2024 - 15:48

PNO - Sáng 19/6, khoảng 30% quầy sạp thuộc các ngành may mặc và kinh doanh vàng tại chợ An Đông đã đồng loạt đóng cửa khi nghe thông tin quản lý thị trường kiểm tra.

Sáng ngày 19/6 khi nghe thông tin lực lượng quản lý thị trường TPHCM sẽ kiểm tra việc chấp hành kinh doanh, buôn bán tại chợ, khoảng 30% tiểu thương thuộc ngành hàng may mặc và vàng bạc tại chợ An Đông (quận 5, TPHCM) đã đồng loạt đóng cửa.

Tiểu thương chợ An Đông đóng cửa sạp, tập trung tại cổng chợ khi nghe tin sẽ có kiểm tra. Ảnh CTV
Tiểu thương chợ An Đông đóng cửa sạp, tập trung tại cổng chợ khi nghe tin sẽ có kiểm tra - Ảnh: CTV

Chia sẻ với Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Hữu Hùng - chủ sạp 27 - kinh doanh các mặt hàng vàng nữ trang tại chợ này cho biết: Sạp của ông mặc dù chưa bị lực lượng quản lý thị trường lập biên bản xử phạt nhưng vẫn đóng cửa. “Trước đây những tiệm vàng trong chợ thoải mái trưng các mẫu để khách coi, giờ phải giảm bớt, không dám trưng nhiều. Vì cửa hàng trưng ra nếu quản lý thị trường vào kiểm tra chắc chắn sẽ vi phạm”- ông Hùng nói.

Một quầy
Một sạp kinh doanh vàng đóng cửa trong sáng 19/6

Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, đối với mặt hàng nữ trang, các cửa hàng chủ yếu là mua lại từ khách vãng lai và có thể họ từ nước ngoài về. Hoặc có những khách mua vàng mua từ 10, 20 năm trước và bán lại cho cửa hàng, cửa hàng lại bán cho những cơ sở gia công mẫu mới. Như vậy nếu cơ quan quản lý yêu cầu hóa đơn điện tử để chứng minh đầu vào thì tiểu thương khó có thể chứng minh được.

“Nếu yêu cầu các Công ty SJC, PNJ... họ làm được vì là những công ty lớn, có nhiều công nhân mới có thể đáp ứng được, còn những tiểu thương nhỏ tại chợ chỉ có 1 chủ, 1 nhân viên thì không làm được”- ông Hùng lo lắng.

Các sạp kinh doanh hàng may mặc
Các sạp kinh doanh hàng may mặc cũng đồng loạt "sập cửa"

Giống như ông Hùng, bà Trần Thị Hiệp - chủ sạp kinh doanh áo dài tại chợ An Đông - thông tin: Sáng nay khi tới chợ thấy các quầy sạp đóng cửa hết nên cũng đóng theo.

Về nguyên nhân, bà Hiệp cho biết, thứ nhất là do quản lý thị trường kiểm tra nhiều quá khiến tiểu thương không dám mở cửa vì đa số quần áo ở chợ đều không có hóa đơn đầu vào. Hầu hết hàng hóa này được tiểu thương mua vải rồi thuê thợ may sau đó mang tới bán.

Thứ hai, áo dài là mặt hàng khá đặc thù, khi lên phom phải có cườm, có thêu, có vẽ... mới bán được. Tuy vậy khi quản lý thị trường hỏi xuất xứ cườm, hóa đơn gia công, hóa đơn thuê, vẽ... thì tiểu thương lại không có để xuất trình.

Mỹ phẩm cũng là một trong những mặt hàng
Không chỉ vàng bạc, thời trang mà nhiều sạp kinh doanh mỹ phẩm cũng nghỉ bán

Ông Đinh Hồ Duy Ngọc - Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ An Đông - cho biết: Ngay khi xảy ra vụ việc, BQL chợ đã gặp gỡ, lắng nghe những bức xúc, khó khăn của tiểu thương. Các tiểu thương lo lắng nếu bị kiểm tra sẽ có những lỗi thuộc ngành dọc khó tránh khỏi như: Hóa đơn đầu vào, cách ghi hóa đơn… “Hiện Ban quản lý chợ đã tập hợp những lỗi này lại và hướng dẫn cho bà con để đáp ứng. Bên cạnh đó, Ban quản lý chợ cũng sẽ có báo cáo lên cấp chính quyền địa phương”- ông Ngọc cho biết thêm.

Khu vực kinh doanh hàng may mặc có rất đông tiểu thương tập trung
Khu vực kinh doanh hàng may mặc có rất đông tiểu thương tập trung

Ngoài ra, để tránh việc xáo trộn kinh doanh, nhiều tiểu thương cho rằng cơ quan chức năng cần cử đại diện xuống chợ trao đổi cùng tiểu thương về những trình tự giúp họ tiếp nhận thông tin. Đặc biệt, do đặc thù các mặt hàng kinh doanh tại chợ An Đông có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc do vậy lực lượng chức năng phải kiểm soát và quản lý chặt từ gốc.

Chợ An Đông là nơi chuyên bỏ sỉ quần áo, phụ kiện với những gian hàng xếp san sát nhau. Bên cạnh hàng hóa trong nước, khu chợ này còn tập trung nhiều hàng hóa xuất xứ từ nhiều nước khác nhau chẳng hạn như hàng hóa đến từ Quảng Châu (Trung Quốc), Thái Lan hoặc Nhật Bản. Trong chợ có gần 4.000 tiểu thương và nhân viên làm việc, kinh doanh, bán hàng trong hơn 2.700 quầy sạp.

Mai Ca - Hà Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI