Chiều trôi dần xuống trời Tây. Những lúc tiêu điều xơ xác nhất của một ngày ấy, tôi lại hay nghĩ ngợi. Những con phố chật chội, người tứ phương đang lặng lẽ lê thân về tổ ấm của họ sau một ngày chật vật mưu sinh.
Tôi có hẹn với anh, nhưng đường sá kiểu này, chắc chắn anh đến muộn. Đã lâu rồi chúng tôi chưa gặp nhau. Tôi ngồi im lặng bên tách cà phê, đếm thời gian trôi, nhớ lại những ngày mình còn là thằng nhóc hàng xóm của anh.
Nhà anh nghèo, phải thuộc hàng nhất nhì cái xóm nghèo của tôi. Mà xóm tôi lại thuộc hàng nhất nhì cái làng chài hẻo lánh nép bên bờ biển miền Trung này. Dân chài sống chết với biển, nhà anh cũng vậy. Anh là anh cả của bốn đứa em nheo nhóc, sống trong một mái tranh lụp xụp chẳng đủ che mưa nắng.
Tôi hơn anh chút đỉnh, nhà chỉ có hai chị em, tôi là thằng em nên lại được cưng thêm chút đỉnh. Hai cái chút đỉnh đó cộng lại đã giúp tôi còn được đến trường. Nhà anh thì chỉ mỗi mình anh được đi học, vì anh học giỏi. Anh hơn tôi gần bốn tuổi, chỉ nhiêu đó mà tôi thấy thật xa vời vì đuổi hoài không kịp anh. Hồi nhỏ anh thường dắt tôi đi mò ốc và ngắm san hô. Đám san hô quê tôi còm nhom, nhìn phát thảm. Anh có tài kể chuyện khoa học cứ như… cổ tích.
Anh bảo, san hô là một đại gia đình đông anh em, sống hòa thuận vui vẻ. Chúng có hàng ngàn hàng triệu cánh tay, nên làm biếng đến mức chỉ nằm một chỗ giang tay vớt thức ăn rồi nhét thẳng vào dạ dày. Đến mùa, chúng sanh đẻ ào ào mà vẫn cứ nằm ì một chỗ, bồng bế con đến trọn đời… Mỗi lần “diễn thuyết”, anh hăng hái đến quên đường về, tôi cũng mê mệt theo anh. Anh mơ ước trở thành nhà hải dương học. Tôi thì chẳng biết nhà hải dương hải âm đó là gì, chỉ ấn tượng với sự hào hứng của anh.
Đời tôi có lẽ chưa thấy ai nhiệt thành với cuộc sống bằng anh! Lúc nào anh cũng cười. Cười với người già, trẻ con trong xóm. Cười khi đi biển với ba, khi dắt những đứa em thả diều trên bãi cát trắng xóa. Cười khi nhặt được một vỏ ốc nhiều màu. Anh nói, mỗi màu sắc là một chiến tích của con ốc trong cuộc phiêu lưu giữa đại dương vô tận.
Thường thì tôi chẳng hiểu những gì anh nói cho lắm. Chắc vì tôi ngu. Ngu nhưng tôi vẫn thích nghe. Lũ trẻ trong xóm, thậm chí người lớn, cũng thích nghe anh nói chuyện như tôi, dù nhiều người nói anh mơ mộng quá. Nói vậy thôi, chứ chẳng ai ghét anh, nhất là những khi anh cười với hàm răng trắng lóa. Anh lớn lên, mang một vẻ đẹp của người dân chài chân chính.
Theo ba trong những chuyến đi biển anh thường đem lại may mắn bằng những mẻ cá lớn. Anh vẫn học giỏi và cả nhà hy vọng anh sẽ vào đại học, dù cái xóm ấy chẳng mấy người học hết được phổ thông. Năm tôi lên lớp 8, anh vào lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Anh thừa sức để vừa học giỏi, vừa đi chơi với bọn con nít trong xóm. Anh đi thi, một mình, ba anh muốn đưa đi nhưng những tháng hè là mùa cá, ông phải dong thuyền ra biển, tranh thủ thời gian trước khi mùa bão tới.
Anh đi rồi về, thi trường nào tôi không biết, chỉ thấy anh vẫn ung dung, điềm tĩnh cả lúc đi lẫn về, ung dung đến phát ghét. Năm đó mùa bão kéo dài, không thuyền nào dám ra biển, đồng nghĩa với cái đói. Những nhà có “văn hóa” hai con như nhà tôi thì còn đỡ, nhà đông con như nhà anh thì đói đến mòn mắt. Biển lặng được vài ngày, ba anh một mình âm thầm dong thuyền ra khơi, không cho ai biết vì chính quyền chưa cho phép, cả nhà anh cũng không hay biết.
Khi cả xóm biết chuyện, chẳng ai dám đi tìm ông giữa trùng khơi xám xịt, chỉ còn biết chờ đợi. Ngày qua ngày, hy vọng tắt dần. Tôi có chạy sang nhà anh một lần. Anh ngồi trước thềm, mắt nhìn xa xăm ra vùng biển mênh mông bất tận. Tôi bỏ về vì sợ phải chứng kiến cảnh người thanh niên yêu đời ấy đang buồn.
Rồi biển cũng trong, trời cũng cao xanh trở lại. Dân trong xóm lại ra khơi như thường lệ. Tiếng hỏi han những buổi sớm cất lên rộn ràng, chỉ thiếu tiếng ba anh. Ông đã không về được. Nhà anh im ắng như không có người đang sống trong đó. Mẹ anh đổ bệnh, yếu dần. Không còn thuyền để ra khơi, anh phải làm thuê cho những chủ thuyền khác để đàn em có cái ăn.
Anh không cười kể từ ngày đó. Lay lắt được mấy năm, khi thằng em đủ lớn để làm thuê, anh quyết định bỏ quê vào thành phố kiếm tiền. Còn cái chuyện đỗ thủ khoa vào trường đại học gì gì đó, cũng xem như vứt. Anh đã xé ngay tờ giấy báo nhập học khi người ta mang đến. Đó là vài tuần sau khi ba mất hút ngoài biển. Chẳng còn ai biết tin tức gì từ ngày anh đi.
Gần một năm sau, anh gửi tiền về. Thằng em khoe khắp xóm. Anh còn gửi kèm lá thư, bảo là sống rất ổn, dặn thằng em chăm sóc mẹ và ba đứa em gái, bảo chúng đi học lại, anh sẽ gửi đủ tiền cho mà học. Mấy đứa em mừng, mẹ anh mừng, cả xóm cũng mừng. Thế nhưng, đó là lá thư duy nhất anh viết, sau đó chỉ có tiền, không thấy thư từ gì nữa.
Năm thi đại học, tôi chọn trường quèn nhất cho dễ đậu. Thật lòng, tôi chỉ muốn được vào thành phố để gặp lại anh. Đột ngột, mẹ anh mất. Mấy đứa em anh khóc hết nước mắt, anh vẫn không hay. Ngày đó lấy đâu ra điện thoại mà gọi, còn thư thì gửi đi chẳng biết bao giờ mới đến. Tôi đi thi, ba tôi cũng đi tìm anh, kể lại chuyện nhà anh.
Lúc đó, tôi như không còn nhận ra con người phơi phới nhựa sống ngày xưa nữa. Anh lam lũ, khắc khổ. Quần áo trên người cũ nát. Nơi anh sống là một căn gác chỉ gồm mấy tấm ván lát sàn và một chiếc xe đạp tơi tả. Tôi nhìn anh mà đau lòng. Thế mà mấy năm qua anh vẫn dành tiền để gửi về cho em đi học. Tôi không nói chuyện gì, cũng không dám hỏi.
Ba tôi báo tin mẹ anh mất, ngồi lặng một lúc, vỗ vai anh mấy cái rồi kéo tay tôi về. Đường về như thăm thẳm, buồn thiu, cha con tôi chẳng nói năng gì. Lạ là, hôm ấy anh không khóc. Thời gian trôi. Tôi dần quên mọi việc. Con người vốn vô tình. Anh vẫn gửi tiền về, mãi cho đến khi những đứa em học hết phổ thông, đứa lấy chồng, đứa đi làm xí nghiệp quanh vùng.
Tôi đang học đại học. Nghe ba tôi kể, anh có về một lần lúc đứa em gái lấy chồng, rồi đi biền biệt. Căn nhà cũ giờ thằng em vẫn đang ở. Thỉnh thoảng tôi có về quê, vẫn thấy những chiếc thuyền thúng chơ vơ giữa bãi cát, nhưng tôi đã không còn ham trèo vào đi lặn ngắm san hô nữa…
Cái vỗ vai khiến tôi giật mình quay về thực tại. Anh cười cười nhìn tôi, trông đã có phần tươi tỉnh hơn lần tôi đi thi đại học gặp anh. Chỉ hơn tôi bốn tuổi mà tóc anh đã lấm tấm bạc, những vết hằn nhọc nhằn của thời gian dọc ngang trên mặt. Chỉ nụ cười vẫn còn thấp thoáng cái nhiệt thành ngày nào. Anh ngồi xuống, đốt điếu thuốc, nhìn khói bay lãng đãng. Tôi hỏi: - Lâu này anh có về quê không?
Anh trầm ngâm, những ngón tay chai sần vân vê chiếc ly, nói: - Hình như không. Từ ngày bà mất, anh chỉ về một lần, nhìn mấy đứa nó khỏe mạnh vui vẻ là yên tâm rồi. Vợ chồng con Lam sống được lắm, có đến thăm anh một lần. Thằng Ba thì hệt như ba anh, nhưng nó không chịu lấy vợ. Thôi thì tùy nó. Hai đứa sau đi làm xưởng may trong thị xã cũng ổn.
- Còn anh?
- Anh? Anh có sao đâu?
- Ý em là giờ anh sống sao? Có tiếc hay buồn gì không, đại khái vậy đó. Tôi cười ngượng.
Anh dập điếu thuốc, cười: - Buồn gì hả em. Ngày đó anh mơ mộng được học hành, cũng cốt để kiếm tiền giúp mấy đứa em. Mọi thứ giờ cũng qua hết rồi.
Nói vậy, nhưng nụ cười của anh có vẻ chua chát. Anh tiếp, như đang tự nói với mình: - Có tiếc thì anh chỉ tiếc một điều…
Tôi chồm người lên, tò mò. Anh nhìn tôi cười cười khiến tôi hơi ngượng. Vẫn như xưa, tôi luôn thấy mình nhỏ bé và ngượng ngùng những khi đứng trước anh. Anh tiếp: -Từ ngày ba anh mất, anh đâm ra giận cuộc đời oan nghiệt. Nghèo thôi chưa đủ, sao ông trời còn làm khổ người lành.
Anh lầm lũi mấy năm trời, làm đủ thứ nghề để kiếm tiền, lòng cứ uất hận mãi. Anh đã ích kỷ trốn đi một mình, bỏ lại mẹ với mấy đứa em chật vật. Cái ngày ba em báo tin, anh giật mình thương mẹ, không thể khóc nổi. Cả một đời mẹ vì chồng con, mà chồng ra đi không một lời trăn trối, con thì biền biệt đất khách quê người. Anh lại đau khổ, hối hận suốt một thời gian dài.
Anh dừng lại, nhấp ngụm nước: - Một ngày, anh chợt nghĩ, mình nên về thăm quê và mấy đứa em. Thật ra là anh sợ về quê. Vì buồn. Nếu không nghĩ đến những người thân của mình, chắc anh đã chôn đời trong cái hố sâu buồn tủi và ích kỷ. Mẹ anh dù còn sống hay đã mất mà trong lòng anh còn có bà, thì bà vẫn hiện diện bên anh thôi.
Anh ngu dại mấy năm trời tự chôn mình trong đau khổ, bỏ mặc mẹ mình cũng khổ đau. Lúc về thăm quê, anh thấy thương căn nhà tranh từng đầy ắp tiếng cười, thấy yêu biển trời và những cây thùy dương. Tự nhiên anh có cảm giác yêu đời trở lại, sau một thời gian dài u mê. Anh đến mộ mẹ, có lẽ họ chỉ đang nghỉ ngơi sau những tháng ngày nghiệt ngã. Còn anh, cũng nên thôi tự làm khổ mình. Nghĩ vậy mà anh tìm lại được niềm vui.
Chúng tôi cà kê đủ chuyện, chiều sụp xuống lúc nào không hay. Tôi hẹn anh một dịp khác. Tôi thật sự vui mừng vì anh không gục ngã trước số phận. Có lẽ trái tim anh chưa bao giờ thôi yêu cuộc sống! Câu nói lúc chia tay của anh, tôi nhớ mãi: - Em cũng phải nhớ về quê thăm mẹ. Đời mình biết còn được về thăm mẹ mấy lần.
Tuyến Trần