Số phận thăng trầm của thư ký đầu tiên của Mao Trạch Đông

01/12/2015 - 15:17

PNO - Vào năm 1960, trong Hội nghị mở rộng quân ủy trung ương, Đàm đã bị Lâm Bưu vu khống tội danh phản đối Mao Trạch Đông.

1. Đàm Chính là người Tương Hương, Hồ Nam, vốn là đồng hương với Mao Trạch Đông. Đàm sinh ra trong một gia đình thuộc loại có thế lực trong vùng. Đàm kết hôn với em gái của đại tướng Trần Canh, con gái của Trần Thiệu Thuần. Trần Thiệu Thuần lại là bạn học cùng khóa với Mao Trạch Đông. 

So phan thang tram cua thu ky dau tien cua Mao Trach Dong
. Đàm Chính là người Tương Hương, Hồ Nam

Sau khi tốt nghiệp tại Học đường Sơn Đông, Đàm Chính về dạy học tại một trường tiểu học tại quê nhà. Sau này, do ảnh hưởng của anh rể là Trần Canh, năm 1927 Đàm bỏ nghiệp bút nghiên, bắt đầu tham gia cách mạng quốc dân với công việc văn thư. Khi cuộc cách mạng này thất bại, tháng 9 năm đó, Đàm Chính theo quân đội tham gia cuộc khởi nghĩa Thu Thâu do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Đó là lần đầu tiên Đàm Chính gặp Mao Trạch Đông.

Vào thời điểm đó, Đàm Chính không ngờ rằng, chỉ nửa năm sau, chính Mao Trạch Đông, khi đó đang là Bí thư Hồng tứ quân đã chọn mình làm thư ký riêng. Việc Đàm Chính được Mao đích thân chọn làm thư ký riêng, ngoại trừ lý do khi đó Đàm đang làm công việc văn thư ra còn là vì Đàm nổi tiếng viết chữ rất đẹp và cực kỳ uyên thâm cổ văn.

Một ngày giữa năm 1928, khi đó, Đàm Chính đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc có người tới thông báo: “Mao ủy viên (Mao Trạch Đông) muốn anh tới gặp”.

Sau một hồi nói chuyện, Mao nói: “Lần này tôi có nhờ Uyển Hy Tiên tiến cử một thư ký. Anh ta nói có Đàm Chính vào Đảng chưa lâu, là một tri thức, lại là người Hồ Nam, học ở Học đường Sơn Đông, trước khi tòng quân là một giáo viên tiểu học. Anh uyên thâm cổ văn, viết chữ đẹp, rất thích hợp với công việc thư ký. Vì thế, lần này tôi muốn mời anh làm thư ký cho tôi”. Kể từ sau buổi nói chuyện đó, Đàm Chính chính thức trở thành thư ký đầu tiên của Mao Trạch Đông.

2. Trong hai năm rưỡi sau đó, Đàm Chính liên tục ở bên cạnh Mao Trạch Đông, hỗ trợ Mao soạn thảo các văn bản, công văn. Bất cứ lúc nào Mao muốn, Đàm Chính đều phải sẵn sàng giấy bút để ghi chép. Tới tháng 10/1934, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành cuộc trường chinh, Đàm Chính được phân công làm Chính ủy của sư đoàn 1 của quân đoàn số 1 Hồng quân. Tháng 10/1935, Đàm được bổ nhiệm làm Bộ trưởng tổ chức Bộ Chính trị quân đoàn số 1 Hồng quân. Đến tháng 12 thì được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Bộ Chính trị sư đoàn số 1 Hồng quân. Đến tháng 10/1937 thì được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Tổng bộ chính trị Quân ủy trung ương.

Sau đó, Đàm Chính được bổ nhiệm làm Chính ủy số 3 của quân khu Trung Nam, chủ trì các công việc của quân khu này. Tới năm 1954, Đàm được điều về làm Phó chủ nhiệm số 1 của Tổng bộ chính trị Quân giải phóng Trung Quốc. Năm 1955, Đàm được phong quân hàm đại tướng. Sang năm 1956, Đàm Chính được bầu làm ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 8. Tới tháng 12 năm đó, Đàm Chính được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng bộ chính trị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì công tác chính trị trong toàn bộ quân đội Trung Quốc. Đây cũng là chức vụ cao nhất của Đàm Chính cho tới cuối đời.

Tuy nhiên, không may cho Đàm Chính, vào năm 1960, trong Hội nghị mở rộng quân ủy trung ương, Đàm đã bị Lâm Bưu vu khống tội danh phản đối Mao Trạch Đông. Với tội danh mà khi đó được coi là vô cùng nặng nề này, Đàm Chính đã bị ngược đãi rồi bị bắt giam suốt 9 năm sau đó mà không có một bản án nào chính thức được công khai. Trong suốt 9 năm đó, từ một thư ký riêng của Mao Trạch Đông, một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng danh giá, Đàm Chính đã phải chịu đựng không ít sự đau khổ và nhục nhã.

Cho tới tận năm 1975, nhờ có sự quan tâm của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, Đàm Chính mới được trả tự do, đồng thời được bổ nhiệm làm cố vấn của Quân ủy trung ương. Tuy nhiên, lúc này, chức cố vấn của Đàm Chính chỉ giống như một sự an ủi về mặt tinh thần. Đàm không làm thêm được bất cứ việc gì nữa. Tới năm 1988, Đàm Chính mắc bệnh rồi qua đời tại Bắc Kinh.

CÙ THĂNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI