Số phận nghiệt ngã của chàng trai tài hoa
Chiều ngày 10/8, Th.S Cao Tiến Sỹ - Trưởng phòng Pháp chế - Truyền thông, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Việt Đức, TP. Hà Nội) xác nhận vừa mới tiếp nhận tâm nguyện xin được ghép đầu của nam thanh niên Phạm Sỹ Long (28 tuổi, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). "Chúng tôi rất hoan nghênh những trường hợp như của Long nhưng bên cạnh đó phải giải thích rõ thực trạng cho Long hiểu được điều mình đang muốn làm" - ông Sỹ nói.
Cách đây 13 năm về trước, khi đó, chàng thanh niên Phạm Sỹ Long mới 15 tuổi, đang phơi phới ước mơ thì gặp tai nạn. Vụ tai nạn đã biến Long từ một chàng trai khỏe mạnh thành người đặt đâu nằm đó. Cuối cùng, chàng trai trẻ đã tự thỏa hiệp bằng cách cố vui để sống. Long làm thơ, viết nhật ký, vẽ tranh…
Long tâm sự: "Phải nói thật là nhiều lần mình đã tìm cách tự tử nhưng không biết phải làm cách nào. Muốn uống thuốc ngủ để chết thì cũng phải nhờ người mua cho. Muốn thắt cổ thì cũng phải có sức mà buộc dây. Tay chân mình bất động thế này thì làm được gì để… chết chứ?".
|
Phạm Sỹ Long cùng các bác sĩ tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Việt Đức, TP. Hà Nội). |
Lúc còn đi học, Long luôn ao ước sau này sẽ trở thành thủy thủ tàu viễn dương để được thỏa sức khám phá đại dương mênh mông. Tai nạn ập đến, Long cảm thấy nỗi đau thể xác cũng không sao sánh được với những dằn vặt về tinh thần. Nhiều lần Long muốn tự vẫn để giải thoát cho mình và cho những người thân yêu. Nhưng ngay cả cái "ước muốn" ấy Long cũng không thể tự mình làm được.
Thời gian lặng lẽ trôi đi, Long quyết định mình phải sống khác. Điều đầu tiên, Long học viết chữa bằng... miệng. Suốt tuần đâu, cầm bút bằng hai bờ môi đã khiến miệng Long sưng rộp. Nhưng Long không bỏ cuộc, anh cố học cho bằng được để viết lên những dòng nhật ký về cuộc đời mình.
Biết viết rồi, Long không chỉ dừng lại ở viết nhật ký nữa mà tiếp tục vẽ, sáng tác nhạc và làm thơ. Thành quả từ đau thương cũng đã có nhưng Long vẫn đau đáu trong lòng một nỗi niềm, muốn được ghép đầu mình trên cơ thể người chết não.
Cuối năm 2015, thông tin báo chí liên tiếp đăng tải chuyện y khoa trên thế giới và Việt Nam đang nghiên cứu việc ghép đầu người khiến Long lòng nóng như lửa đốt. Anh quyết định viết một bức thư nói lên tâm nguyện của mình, gửi tới cơ quan chức năng.
"Tôi biết sự rủi ro trong quá trình phẫu thuật là rất lớn. Khả năng tôi sẽ chết là rất cao. Nhưng tôi thiết nghĩ nếu ai cũng sợ, cũng muốn để người khác làm trước, thành công rồi mình mới làm thì sẽ chẳng bao giờ biết được kết quả có thành công không. Thay vì cứ chết dần, chết mòn theo năm tháng thì tôi muốn được cống hiến cuộc đời mình cho y học nước nhà nên tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro" - Long tâm sự.
Chưa xác định được ngày có thể ghép đầu người
Sau khi đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Long được các bác sĩ thăm khám tận tình, nhận định các cơ quan tạng ở bộ phận đầu đều hoạt động như người bình thường. Tuy nhiên, mong muốn được hiến đầu cho các bác sĩ cấy ghép của Long đành phải gác lại bởi cả yếu tố chuyên môn và pháp lý.
|
Phạm Sỹ Long được mẹ đưa ra Hồ Gươm (TP. Hà Nội) chơi sau khi rời Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Ảnh TTO). |
Ông Sỹ chia sẻ, cuối năm 2015, trong cuộc họp của ngành y tế có nói đến chuyện những tiến bộ của nền y khoa trên thế giới. GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có nói đến dự án của một số nhà khoa học người Ý đang có ý định nghiên cứu triển khai là ghép đầu người này sang thân thể người khác. Nếu dự án này thành công, Việt Nam có thể cử cán bộ trực tiếp sang học hỏi hoặc mời toàn bộ ê-kíp đó về thực hiện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dự án này mới chỉ dừng ở mức "ý tưởng" chứ chưa đi vào thực hiện cụ thể bởi còn vướng rất nhiều yếu tố. Trong đó đặc biệt nhất là yếu tố pháp lý. Ông Sỹ nói: "Điều đầu tiên cần phải làm rõ, một người hiến đầu, một người hiến thân thì khi ca ghép thành công - cơ thể sống sẽ mang danh ai? Câu hỏi này vẫn còn nhiều tranh cãi, chưa thống nhất được tranh luận này thì chắc chắn việc giấy tờ pháp lý, chứng minh nhân thân của cơ thể sống sau khi ghép cũng không giải quyết được".
Liên quan đến yếu tố chuyên môn, ông Sỹ cho biết nếu thực hiện ghép đầu người thì chắc chắn phải có bước ghép tủy sống. Thế nhưng, trên thế giới chưa bất cứ nơi đâu thực hiện được điều này. Ngoài ra, các tế bào của cơ thể người có khả năng tự lưu giữ thông tin, cơ thể sống được ghép đầu cũng không nằm ngoài lệ. Ông Sơn đặt ra câu hỏi: "Cơ thể sống sau khi được ghép đầu sẽ phản ứng như thế nào trước những kí ức từ thân thể của người và đầu của người kia?...".
Từ đó, khi Phạm Sỹ Long đến trình bày mong muốn của mình, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chỉ có thể tiếp nhận và thăm khám, còn việc thực hiện thì chưa thể khẳng định thời gian cụ thể khi nào. "Chiều ngày 10/8, sau khi được các bác sĩ tận tình động viên, giải thích Long và gia đình đã bắt xe về Hà Tĩnh trong sự buồn bã. Chúng tôi cũng rất cảm phục con người, suy nghĩ của Long nhưng đành phải chấp nhận. Thực tế, có nhiều trường hợp đến gặp chúng tôi đề nghị được hiến đầu cho y khoa ghép nhưng hiện tại chúng tôi chỉ có thể giải quyết như đã làm với Long" - ông Sỹ cho hay.
Đoàn Văn