Số phận mỹ nhân suýt bị vua Mạc cướp về làm vợ

12/10/2015 - 06:40

PNO - Trong lịch sử chỉ có Mạc Mậu Hợp là vua mưu toan cướp đoạt vợ người. Ai đã khiến một hoàng đế có hành động bất chấp đạo lý như vậy?

Hoàng đế mưu giết bề tôi để cướp vợ

Mạc Mậu Hợp là người làm vua lâu nhất trong số các vua Mạc thời hưng thịnh, ở ngôi 30 năm (1562 - 1592) nhưng cũng chính ông vua này khiến cho cơ nghiệp của họ Mạc suy vong, một trong các nguyên nhân dẫn đến điều đó chính là thói hoang dâm hiếu sắc của ông.

Nếu như trong lịch sử Trung Quốc có không ít chuyện các hôn quân, bạo chúa cướp vợ của thần dân, con em hoàng tộc hoặc bề tôi của mình để thỏa mãn dục vọng thì lịch sử Việt Nam chỉ duy nhất có vua Mạc Mậu Hợp là dám làm chuyện như vậy. Ông đã lập kế định giết một danh tướng trong triều để cướp vợ khiến cho một bộ phận binh lực nhà Mạc đã theo viên tướng này về quy phục vua Lê làm cho thế lực của Mạc Mậu Hợp ngày càng suy yếu.

Sự việc này xảy ra vào cuối năm Nhâm Thìn (1592). Sách Lê triều thông sử viết: “Vợ viên trấn thủ Nam đạo Sơn quận công Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên, tức con gái Nguyễn Quyện. Chị gái của Thị Niên là hoàng hậu của Mậu Hợp, vì thế Thị Niên thường được ra vào trong cung. Mậu Hợp thấy Thị Niên, đem lòng yêu mến bèn ngầm tính kế giết Văn Khuê để cướp vợ y”.

So phan my nhan suyt bi vua Mac cuop ve lam vo
Tượng vua Mạc Mậu Hợp (Hình minh họa)

Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết rõ hơn: “Chúa Mạc là Mậu Hợp ngày ngày say đắm tửu sắc. Nguyễn thị là con gái của Nguyễn Quyện và là vợ Bùi Văn Khuê, nhân có em gái là vợ của Mạc Mậu Hợp, nên thường ra vào trong cấm cung. Mậu Hợp ưng ý Nguyễn thị vì nàng có nhan sắc, nên muốn giết Văn Khuê để chiếm lấy nàng.

Văn Khuê biết chuyện, bèn đem quân bản bộ tự ý rút về Gia Viễn, đóng binh một chỗ, không chịu vào chầu. Mậu Hợp sai quân đến bức bách để bắt Văn Khuê. Văn Khuê sai con trai là Văn Nguyên chạy vào Thanh Hoa, dâng lễ đầu hàng và xin cứu viện. Trịnh Tùng ưng nhận cho hàng và mừng rỡ nói: Văn Khuê đầu hàng, thế là trời giúp cho ta được chóng thành công. Đất đai bản triều có thể hẹn ngày khôi phục được”.

Phận bạc của một hồng nhan

Người đẹp Nguyễn Thị Niên là con gái thứ 3 của Thường quốc công Nguyễn Quyện, danh tướng nổi tiếng của triều Mạc. Tháng 3 năm Nhâm Thìn (1592) quân nhà Lê do Trịnh Tùng chỉ huy đánh ra Bắc, Mạc Mậu Hợp thua chạy, nhiều quan tướng bị bắt, trong đó có Nguyễn Quyện. Tuy thắng trận, nhưng biết quân nhà Mạc còn mạnh, Trịnh Tùng cho lui quân về Thanh Hóa.

Sau đó vì chuyện Mạc Mậu Hợp mưu cướp vợ, con rể Nguyễn Quyện là Bùi Văn Khuê đem gia quyến bỏ Mạc theo về với nhà Lê. Đến tháng 5 năm Canh Tý (1600), một số quan tướng cũ của nhà Mạc là Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga, Phan Ngạn thấy thế lực của nhà Mạc lại nổi lên, bèn cùng nhau làm phản nhà Lê, dựng cờ nhà Mạc và theo niên hiệu Cảnh Thống của vua Mạc Kính Cung.

Tuy nhiên nội bộ các viên tướng này có mâu thuẫn, sử viết: “Bấy giờ bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê đem quân phụ với họ Mạc, chiêu an các thành thị. Rồi Ngạn ngờ Văn Khuê có mưu khác, sai người bắn chết Văn Khuê ở giữa sông… Vợ Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên muốn báo thù cho chồng, khóc bảo quân lính của chồng rằng: “Người nào có thể hết sức báo ơn, giết được Ngạn sẽ được thưởng hậu”. Ngạn nghe thế giận lắm. Tháng 6 ngày mồng 1, Ngạn đem quân đến Hoàng Giang đánh nhau. Quân của Văn Khuê bắn chết Ngạn giữa sông” (Đại Việt sử ký toàn thư).

So phan my nhan suyt bi vua Mac cuop ve lam vo
Bà chúa và quân hầu (Tranh minh họa)

Truyền rằng, sau khi giết được Phan Ngạn, Nguyễn Thị Niên chém đầu kẻ thù để làm lễ tế chồng rồi đưa thi hài Bùi Văn Khuê về an táng tại xã Chi Phong (nay là thôn Chi Phong, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Khi mọi việc hoàn tất, Nguyễn Thị Niên nhảy xuống sông Đồng Giang tự vẫn. Người dân Chi Phong tiếc thương đã lập đền thờ bà trên bến Vực sông Đồng Giang, gọi là đền bà chúa Vực Vông. Trong đền có nhiều câu đối ca ngợi, như câu:

Đồng Giang minh nguyệt hàm trinh thạch,

Chi phố thanh phong hưởng liệt kỳ.

Nghĩa là:

Bến Chi phố gió reo cờ liệt nữ,

Đồng Giang trăng chiếu bóng trinh thần.

Tin rằng có sự linh ứng nên các triều Lê, Nguyễn đã sắc phong duệ hiệu cho bà là Anh phong Tiết liệt phu nhân, Dực bảo trung hưng Quang ý Thượng đẳng thần. Vua Tự Đức có làm bài thơ ca ngợi như sau:

                                        Thù chồng căm giận kẻ vô lương,

                                        Thấu suốt năm canh mấy đoạn trường.

                                       Gián Khẩu nổi lên gương tiết nghĩa,

                                       Vực Vông gieo xuống mảnh cương thường.

                                       Quần thoa muôn kiếp còn danh giá,

                                       Miếu điện nghìn thu nức khói hương.

                                       Ai kẻ chính tâm qua lại đó,

                                       Viếng hồn liệt nữ vĩnh lưu phương.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI