Số phận long đong của 'tiểu nữ thần' Lolita

19/05/2019 - 18:30

PNO - Khi Vladimir Nabokov bắt tay viết Lolita, ông không biết rằng cũng từ đó ông tạo ra một “trận cuồng phong” trên toàn thế giới với khen ngợi đan xen chỉ trích, háo hức đón nhận đan xen quyết liệt từ chối, say mê đan xen phỉ nhổ…

“Tiểu nữ thần” bị chối bỏ

Trong Lolita, nhân vật xưng “tôi” gọi nhân vật Lolita là “tiểu nữ thần”. Hơn 65 năm, Lolita vẫn là cuốn sách gây tranh cãi nhất của Nabokov, dù rằng cho đến hiện tại Lolita đã trở thành danh từ chung trên toàn thế giới, để chỉ những thiếu nữ phát triển sớm về giới tính.

Với chính Nabokov, đây là tác phẩm mà ông tâm đắc nhất, và dù cho đến nay vẫn còn không ít người gọi Lolita là “dâm thư”, với Nabokov, đây là tác phẩm tinh khiết nhất mà ông tạo ra. “Nó xử lý một chủ đề quá xa, quá tách biệt với đời sống xúc cảm của tôi, bởi vậy nó cho tôi niềm vui được vận dụng kết hợp nhiều tài năng của mình để làm cho câu chuyện không trở thành giả tạo” - ông nói. 

So phan long dong cua 'tieu nu than' Lolita
Lần ra mắt đầu tiên tại Việt Nam, bìa Lolita có hình ảnh của một “tiểu nữ thần”. Ở các lần tái bản sau, bìa sách được thay bằng một hình ảnh ẩn dụ

Nếu hỏi Nabokov rằng ở giai đoạn khởi thủy, có bao nhiêu nhà xuất bản đã từ chối Lolita, có lẽ ông cũng không nhớ, vì… nhiều quá. Viking, Simon & Schuster, New Directions, Farrar, Straus và Doubleday… hàng loạt nhà xuất bản lớn của Mỹ đều lắc đầu, dù đây là một quốc gia cởi mở hơn bất kỳ quốc gia nào đối với những mâu thuẫn và nghịch lý, khác biệt, là trong sáng tạo. Tất cả sự hắt hủi ấy đều có một điểm chung: nhận định đây là “dâm thư” của biên tập viên. Hầu hết đều cho rằng đó là một câu chuyện đáng xấu hổ của một kẻ ấu dâm, thậm chí có người còn nghi ngờ Nabokov thật sự có vấn đề tâm thần, về tính dục. Một ông chủ nhà xuất bản khẳng định nếu ông in Lolita thì cả ông và Nabokov sẽ đi tù. 

Phải đến 2 năm sau kể từ ngày Nabokov giới thiệu bản thảo, Lolita mới được ra đời, bởi nhà xuất bản Graham Greene ở Paris. Ngay cả việc đó là một nhà xuất bản của Pháp mà không phải Mỹ hay Anh dù Lolita được viết bằng tiếng Anh cũng đã nói lên quá nhiều điều, thế nhưng vẫn không là gì với thực tế lúc đó: Bộ Nội vụ Pháp ban lệnh cấm lưu hành cuốn sách… Đến gần 10 năm sau Lolita mới được xuất bản tại Mỹ và ngay lập tức, cuốn tiểu thuyết đã khiến cái tên Nabokov gây chấn động thế giới. 

Lolita trở thành một danh từ chung

Dĩ nhiên, không thể không nhắc đến khái niệm “dâm thư” mà Lolita đã bị gán ghép. Và đây cũng là điều khó khăn lớn nhất khi tiểu thuyết được chuyển thể sang điện ảnh. Năm 1962, Stanley Kubrick đã lần đầu tiên kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh và một lần nữa, làn sóng tranh cãi lại dấy lên như trận cuồng phong năm nào. Người ta không thể chấp nhận được cảnh làm tình của một thiếu nữ 12 tuổi với một gã đàn ông trung niên (cũng là bố dượng mình) được trực quan bằng hình ảnh. 

So phan long dong cua 'tieu nu than' Lolita
Lolita và Humbert trong phiên bản điện ảnh năm 1997

Sue Lyon, ở thời điểm nhận vai cô bé Lolita, vừa 14 tuổi. Và dẫu rằng vai diễn này đã giúp Sue Lyon nhận được một giải Quả cầu vàng cho hạng mục Nữ diễn viên mới triển vọng, vẫn có rất nhiều ý kiến chỉ trích cô với sự miêu tả về nỗi phát hoảng của mình trước sự pha trộn giữa ngây thơ, nổi loạn và gợi tình mà cô thể hiện quá thành công trong vai Lolita. 

35 năm sau Lolita mới có tác phẩm phiên bản điện ảnh thứ hai, như một định mệnh, sự gian truân dành cho tác phẩm lại diễn ra. Vào thời điểm năm 1997, Tổng thống Mỹ Clinton ký đạo luật phòng chống khiêu dâm trẻ em, nên lần này tác phẩm Lolita không chỉ bị đặt lên bàn cân đạo đức mà còn là pháp luật, dù cảnh sex trong phim đã được tiết chế hết mức.

Những bậc phụ huynh, những nhà nghiên cứu, nhà làm luật lo ngại rằng, một khi cảnh sex này được thừa nhận ở các phòng chiếu, cũng sẽ đồng nghĩa nó phủ nhận sự bảo vệ của pháp luật trước cố gắng bảo vệ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của chính phủ. Để an toàn, đạo diễn phim - Adrian Lyne - đã phải quay lại tất cả hoạt động thực hiện các phân cảnh sex này để làm tư liệu, đề phòng việc sẽ có một phiên tòa diễn ra. 

Cho đến nay Lolita đã trở thành một danh từ chung, để chỉ những cô gái phát triển sớm về giới tính. 

***

Ít ai biết rằng, đã từng có lúc Nabokov hỏa thiêu bản thảo Lolita, trong cơn tức giận vì phải đấu tranh quá nhiều với các nhà xuất bản. Vợ Nabokov chính là người đã “cứu” Lolita từ trong đống lửa. Sau này, khi Lolita đã gây chấn động và khiến người đọc vừa phấn khích, thán phục vừa khinh bỉ, chỉ trích, Nabokov còn phải đấu tranh với các nhà xuất bản trong việc liệu có nên để hình ảnh một cô gái vị thành niên trên bìa sách hay không. 

So phan long dong cua 'tieu nu than' Lolita
Sue Lyon vào vai Lolita trong bản điện ảnh năm 1962

Sau tất cả, Lolita là cuốn tiểu thuyết đứng đầu danh sách 10 cuốn sách gây tranh cãi nhất thế giới, nhưng cũng là tác phẩm có mặt trong danh sách những cuốn sách hay nhất mọi thời đại. Riêng Nabokov, không chỉ đợi đến khi Lolita “làm mưa làm gió” trên thế giới, người ta mới buộc phải thừa nhận ông quả thật là bậc thầy phong cách và ngôn ngữ. Ông không chỉ là người có những câu chữ đẹp như thơ mà còn có cách sử dụng từ ngữ mang trùng trùng tầng nghĩa. Lolita cũng là tiểu thuyết cực hiếm có hẳn một cuốn sách chú giải cho riêng mình, được thực hiện bởi Alfred Appel Jr. - một nhà “Nabokov học” và cũng là học trò của ông. Cuốn chú giải khoảng gần 140 trang, giúp cho các dịch giả trên thế giới nắm bắt dễ dàng hơn ẩn ý của Nabokov khi chuyển ngữ. 

Tiểu thuyết Lolita nói về Humbert, là giáo sư ngành văn chương ở Paris, tuy sống cùng vợ nhưng Humbert không hề có hứng thú tình dục với vợ mà luôn thầm tơ tưởng đến những cô gái 12, 13 tuổi để mong tìm người yêu thời nhỏ của mình là Annabel đã chết vì bệnh hiểm nghèo. 

Humbert say mê Lolita - đứa con gái 12 tuổi gọi ông bằng cha dượng. Sau khi người vợ hờ mất, để được sống cùng Lolita mà không gây ra sự chỉ trích nào từ những người xung quanh, Humbert đưa Lolita đi hết thành phố này đến thành phố khác. Cả hai đã có những khoảnh khắc ngọt ngào. Hành trình với những dục cảm tội lỗi ấy kết thúc khi Lolita bỏ trốn. 

Sau nhiều năm tìm kiếm trong vô vọng, Humbert nhận được thư của Lolita. Từ đó ông biết rằng cô đã có một cuộc sống khác, cùng Quilty. Sau khi tìm đến Lolita để thuyết phục cô từ bỏ Quilty và đi cùng mình nhưng không được chấp nhận, Humbert giết Quilty. 

Nguyễn Thương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI