Số phận của hãng phim Nguyễn Đình Chiểu sẽ ra sao?

07/04/2023 - 06:13

PNO - Đề xuất giải thể hãng phim Nguyễn Đình Chiểu của Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn (SCPC) đã có từ 10 năm trước và đến nay, số phận của hãng phim danh tiếng một thời này vẫn chưa thể biết sẽ ra sao? Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn đạo diễn Nguyễn Quế Lâm - Phó giám đốc hãng phim Nguyễn Đình Chiểu - về vấn đề này.

Phóng viên: Tình hình của hãng phim hiện nay như thế nào thưa ông?

Đạo diễn Nguyễn Quế Lâm: Hãng phim rơi vào tình trạng sống dở chết dở từ khi chuyển về SCPC vào năm 2005. Do lãnh đạo tổng công ty hứa sẽ giúp đơn vị vay vốn kích cầu của thành phố để phát triển, trong khi nếu ở lại Sở Văn hóa và Thể thao sẽ trở thành một trung tâm điện ảnh trong sở, không giữ được thương hiệu. Tuy nhiên vụ việc không thành công và để lại cho hãng phim thêm khoản nợ không nhỏ trong quá trình thực hiện một số công việc để có đủ điều kiện được vay vốn như thuê đơn vị làm dự án, tiến hành khoan cọc thăm dò cho hạng mục xây lại trụ sở…

Năm 2013, lãnh đạo TPHCM từng đề nghị tổng công ty tăng vốn cho hãng nhưng tổng công ty không thu xếp được nên hãng phim không có vốn để phát triển hoạt động như chỉ đạo của TPHCM. Nhiều năm qua, hãng chủ yếu làm chương trình Văn hóa TPHCM (30 phút/tuần, theo chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) và chương trình Phê bình lý luận văn học nghệ thuật TPHCM (1 số/tháng, Ban Tuyên giáo TPHCM đặt hàng). 

Trụ sở hãng phim Nguyễn Đình Chiểu cũ kỹ, xuống cấp
Trụ sở hãng phim Nguyễn Đình Chiểu cũ kỹ, xuống cấp

Tuy nhiên từ đầu năm 2022, chương trình Văn hóa TPHCM không còn được sở cấp tiền thực hiện, vì việc sở giao cho hãng làm bị đánh giá là sai quy trình đấu thầu. Chương trình Phê bình lý luận văn học nghệ thuật TPHCM cũng đã bị tạm ngưng từ tháng Ba, do hãng đang trong thời gian xin giải thể. Hơn 1 năm nay, nhân sự của hãng gần như không có việc làm”.

Vừa qua, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã yêu cầu SCPC khẩn trương rà soát toàn bộ hoạt động của hãng phim Nguyễn Đình Chiểu; báo cáo và đề xuất phương án xử lý đối với hãng phim này để trình UBND thành phố chậm nhất là ngày 15/4. Đây là phản hồi của chính quyền thành phố trước đề xuất của SCPC hồi cuối năm 2022 xin giải thể vì lý do hãng phim thua lỗ kéo dài, nợ 7 tỉ đồng.

Từ 10 năm trước, SCPC đã có nghị quyết xin giải thể hãng phim Nguyễn Đình Chiểu nhưng lãnh đạo TPHCM không đồng ý. Việc cổ phần hóa hãng phim cũng chưa thực hiện được, dù từ năm 2013 TPHCM đã giao SCPC thực hiện nhằm xây dựng hãng phim Nguyễn Đình Chiểu thành một trong những hãng phim có truyền thống, uy tín, có những tác phẩm điện ảnh xứng tầm phát triển của thành phố. 

*Theo ông, những vướng mắc của hãng vì sao khó gỡ?

- Số phận của hãng khi tách khỏi sở là 3 không: không vốn; không cơ sở vật chất; không có con người biết kinh doanh trong ngành điện ảnh. Nhiều người trông chờ cổ phần hóa như lối thoát nhưng càng bế tắc vì việc cổ phần hóa gặp vướng mắc. Theo chỉ đạo của thành phố, Nhà nước sẽ nắm  cổ phần chi phối (51% cổ phần) nhưng do hãng không có vốn để thực hiện nên phải cổ phần hóa theo tổng công ty. Mặt khác, thành phố cũng cho phép tổng công ty tiến hành cổ phần hóa không cần Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Sự tréo ngoe này góp phần cùng việc mất vốn do bị kéo dài từ năm 2007 đến nay làm hãng danh không chính ngôn không thuận nên không thể hợp tác làm ăn được, đến nay càng khó cổ phần hóa. 

* Tâm tư, mong muốn hiện nay của những người trong hãng phim ra sao, thưa ông? 

- Không ai muốn tự “treo cổ” mình cả. Hiện hãng chỉ còn chưa đến 20 người, lực lượng quay phim không còn. Trước việc cổ phần hóa bị bế tắc, hãng phim mong mỏi tìm được những hướng ra khác như về lại Sở Văn hóa và Thể thao hoặc về Ban Tuyên giáo. Đã hơn 10 năm qua, các giải thưởng cao quý nhất của điện ảnh nước nhà đa số đều thuộc về các tỉnh, thành bạn. Đáng buồn là các tỉnh, thành bạn có được giải thưởng lại nhờ một phần công sức từ những người con của thành phố ta. Tôi nghĩ, Sở Văn hóa và Thể thao đã đến lúc cần một Trung tâm Điện ảnh Nguyễn Đình Chiểu như ngành thể thao đã có trung tâm thành tích cao, để góp phần triển khai các chủ chương phát triển điện ảnh như mong muốn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - muốn thành phố sớm trở thành 1 trung tâm điện ảnh lớn của cả nước.

* Xin cảm ơn ông. 

Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu đã có giai đoạn phát triển rực rỡ vào thập niên 1980. Nơi đây tề tựu nhiều tên tuổi lớn của làng phim và có nhiều tác phẩm để lại những dấu ấn đặc biệt. Có thể kể đến những tên tuổi nổi bật như nhà quay phim Trương Đình Mưu, đạo diễn Lê Mộng Hoàng, Nguyễn Ngọc Hiến, NSƯT Nguyễn Quế, NSND Đoàn Quốc, NSƯT Lê Văn Duy, Lê Dũng, Hồ Nhân, NSƯT Tường Phương, Lê Phương Nam, diễn viên - NSND Thế Anh, NSND Thụy Vân.

Lúc cao điểm hãng phim có đến 70 nhân sự, làm ra nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng tại các liên hoan phim. Bộ phim cuối cùng có giải của hãng là tác phẩm tài liệu Hồ Chí Minh - cội nguồn sáng tạo đoạt Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 2011 và chương trình Phê bình lý luận văn học nghệ thuật TPHCM được trao giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm lần II.

Hương Nhu (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI