Số phận của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) trở nên mông lung

03/02/2025 - 16:42

PNO - Các quan chức của USAID bị cho nghỉ việc khi lãnh đạo Bộ Hiệu suất Chính phủ Elon Musk nói rằng đã đến lúc cơ quan này phải “chết”.

CEO của Tesla, Elon Musk phát biểu tại thành phố Lancaster, bang Pennsylvania vào tháng 10/2024 - Ảnh: Samuel Corum/Getty Images
CEO của Tesla, Elon Musk, phát biểu tại thành phố Lancaster, bang Pennsylvania vào tháng 10/2024 - Ảnh: Samuel Corum/Getty Images

Ông Elon Musk tuyên bố rằng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) nên "chết" trong bối cảnh có thông tin cho rằng 2 quan chức an ninh cấp cao tại cơ quan viện trợ này đã bị cho nghỉ việc vì từ chối cho đại diện của ông Musk tiếp cận các tài liệu mật.

"Đã đến lúc nó phải chết" - tỉ phú, Giám đốc điều hành Tesla kiêm lãnh đạo Bộ Hiệu suất Chính phủ Elon Musk viết trên nền tảng mạng xã hội X của mình.

Trước đó, nhiều hãng truyền thông Mỹ trích dẫn các quan chức giấu tên cho biết: Giám đốc an ninh của USAID, John Voorhees, và Phó giám đốc của ông, Brian McGill, đã bị cho nghỉ việc sau khi từ chối cho nhân viên Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE) vào các khu vực an ninh vì họ không đủ thẩm quyền.

Các đại diện của DOGE, được thành lập theo lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump nhưng không phải là một bộ phận của chính phủ, cuối cùng đã có thể tiếp cận các khu vực có thông tin mật sau cuộc đối đầu.

Ngày 3/2, ông Musk đã gọi USAID là "tổ chức tội phạm". Steven Cheung - Giám đốc truyền thông Nhà Trắng - đã phủ nhận việc nhân viên DOGE cố gắng tiếp cận các khu vực an toàn, gọi các báo cáo về vụ việc là "tin giả" và "hoàn toàn không đúng sự thật".

"Đây chính là cách mà giới truyền thông thiếu nghiêm túc và không đáng tin cậy" - ông Cheung cáo buộc trong một bài đăng trên X.

Tuy nhiên, Katie Miller - thành viên tại DOGE - dường như thừa nhận nỗ lực xâm nhập của lực lượng đặc nhiệm khi viết trên X rằng "không có tài liệu mật nào được truy cập mà không có giấy phép an ninh phù hợp".

Sự cố này làm gia tăng thêm mối lo ngại rằng ông Trump, người đã đóng băng hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài, đang có kế hoạch cắt giảm mạnh mẽ, thậm chí là loại bỏ hoàn toàn USAID.

Ngày 1/2, trang web chính thức của USAID đã ngừng hoạt động. Đồng thời, một liên kết mới xuất hiện trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn đến trang thông tin về USAID, làm dấy lên suy đoán rằng cơ quan này sẽ được sáp nhập vào cơ quan chính phủ có nhiệm vụ quản lý chính sách đối ngoại.

Jeremy Konyndyk - người từng là Giám đốc Văn phòng hỗ trợ thảm họa nước ngoài của USAID từ năm 2013 đến năm 2017 - cho biết: Việc xóa bỏ USAID mà không có đạo luật của Quốc hội là bất hợp pháp và vi phạm nguyên tắc phân chia quyền lực được ghi trong Hiến pháp Mỹ.

Cuộc đụng độ của Musk với USAID diễn ra sau khi tờ New York Times và hãng thông tấn The Associated Press đưa tin vào cuối tuần rằng DOGE đã tiếp cận được hệ thống thanh toán liên bang, nơi lưu giữ thông tin cá nhân nhạy cảm của hàng triệu người Mỹ.

Sau đó, ông Trump đã chỉ trích viện trợ cho Nam Phi, cam kết cắt đứt "mọi nguồn tài trợ trong tương lai" để đáp trả tình trạng tịch thu đất đai và những gì ông cho là sự đối xử tệ bạc đối với "một số tầng lớp người dân".

Tuần trước, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ký một đạo luật gây tranh cãi, cho phép tịch thu đất đai của nông dân da trắng mà không cần bồi thường trong một số trường hợp nhất định.

Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, nước này đã phân bổ gần 440 triệu USD viện trợ cho Nam Phi vào năm 2023.

Mỹ là quốc gia cung cấp nguồn viện trợ nước ngoài lớn nhất thế giới, ngay cả khi nước này dành chưa đến 1% tổng chi tiêu ngân sách hằng năm cho viện trợ.

Washington đã cung cấp 72 tỉ USD viện trợ nước ngoài cho gần 180 quốc gia vào năm 2023, trong đó hơn một nửa được giải ngân thông qua USAID.

Tấn Vĩ (theo Al Jazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI