Số phận Brexit bấp bênh hơn bao giờ hết

14/01/2019 - 08:52

PNO - Thủ tướng Anh Theresa May tin rằng một số chính trị gia ở Westminster sẽ sử dụng "mọi công cụ sẵn có” để trì hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ tiến trình Brexit.

So phan Brexit bap benh hon bao gio het
Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh: các nghị sĩ có "nhiệm vụ thực hiện kết quả trưng cầu dân ý" - Ảnh: Getty Images

Trang Skynews dẫn lời Thủ tướng May cho biết, lúc này Vương quốc Anh dường như có nhiều khả năng chọn việc ở lại Liên minh châu Âu (EU) hơn là rời đi mà không đạt được thỏa thuận nào.

Phát biểu trước công nhân tại một nhà máy ở Stoke, nơi có 69,4% cử tri ủng hộ việc nước Anh rời khỏi EU (Brexit), Thủ tướng May nói rằng nếu kết quả trưng cầu dân ý không được tôn trọng, niềm tin chính trị của người dân sẽ bị "tổn hại nghiêm trọng".

Thủ tướng nói thêm, khi người dân được yêu cầu quyết định một vấn đề thì câu trả lời của họ luôn có "ý nghĩa sâu sắc".

Phát biểu trước cử tri Anh một ngày trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit, bà May tuyên bố rằng một số người ở Westminster sẽ sử dụng mọi biện pháp để "trì hoãn hoặc thậm chí chấm dứt Brexit".

Báo chí Anh ra ngày 13/1 đưa tin, có một âm mưu giành quyền kiểm soát chương trình nghị sự lập pháp của Thủ tướng Theresa May nếu thỏa thuận rời khỏi EU của bà thất bại. Nếu kế hoạch đó thành công, chính phủ của bà May sẽ mất quyền kiểm soát hoạt động của nghị viện, một kịch bản đe dọa đến số phận của dự luật Brexit.

Thủ tướng May lúc này tin rằng các nghị sĩ đang thiên về “phong tỏa” Brexit hơn là để nước Anh rời khỏi EU – theo dự kiến ban đầu là ngày 29/3/2019 - mà không đạt được thỏa thuận nào. Điều 50 về cơ chế rời khỏi EU của các nước thành viên đã được bà May kích hoạt ngày này hai năm trước bắt đầu đếm ngược đến Brexit.

Bà May đã nhiều lần nói với các nghị sĩ rằng "không có thỏa thuận nào vẫn tốt hơn một thỏa thuận tồi". Ít tuần sau khi Thủ tướng hủy bỏ cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit vì tiên lượng khả năng thất bại, bà May lần này kêu gọi các nghị sĩ xem xét các kịch bản khác nhau.

Bà May nói: "Các vị hãy tưởng tượng tình hình sẽ ra sao nếu một Hạ viện chống ly khai nói với người dân Scotland hoặc xứ Wales rằng mặc dù họ bỏ phiếu ủng hộ dự luật ly khai, nhưng Quốc hội biết rõ hơn điều này và sẽ lật ngược kết quả bỏ phiếu của họ, hay yêu cầu họ bỏ phiếu thêm một lần nữa”. Bà May nhấn mạnh, khi đó "niềm tin của nhân dân vào tiến trình dân chủ và các chính trị gia sẽ bị tổn hại nghiêm trọng".

Thủ tướng May nhắc lại các nguyên tắc cơ bản của trưng cầu dân ý và lưu ý rằng trong chiến dịch năm 2016, "hai bên bất đồng về nhiều điều, nhưng về một điều họ thống nhất với nhau là những gì người dân Anh quyết định, các chính trị gia sẽ thực thi".

Bà May nhấn mạnh: "Rõ ràng, những bất đồng vẫn sẽ tồn tại, nhưng đại đa số người dân không đồng tình với lập luận rằng chúng ta sẽ rời khỏi EU bất chấp kết quả bỏ phiếu để ở lại, hay chúng ta sẽ quay lại câu hỏi này trong một cuộc trưng cầu dân ý khác”. Thủ tướng lưu ý rằng các cuộc trưng cầu dân ý trước đó đều được tôn trọng, ví dụ việc thành lập quốc hội xứ Wales.

Được biết, ít nhất 90 nghị sĩ đảng Bảo thủ dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu chống lại thỏa thuận Brexit của bà May.

Hòa Ninh (Theo Sky News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI