Richard Beauvais không ngờ, sự tò mò của con gái ông lại vô tình hé lộ “tấm màn bí mật” rúng động. Cách đây 2 năm, vì muốn biết thêm về lịch sử tổ tiên, cô con gái thuyết phục cha làm kiểm tra DNA tại nhà. Khi ấy, ở tuổi 65, Beauvais vẫn quen nghĩ mình thuộc về cộng đồng người Métis như cha mẹ và ông bà, có nửa dòng máu thổ dân Canada - nửa dòng máu Pháp. Thế nên khi nhận về đáp án khác lạ, rằng ông mang huyết thống của người Ukraina, Beauvais chỉ nghĩ kết quả kiểm tra DNA sai. Người đàn ông tiếp tục bận rộn với công việc đánh bắt cá ở tỉnh British Columbia (cực tây Canada).
Gần như cùng lúc đó, tại Manitoba (tỉnh miền trung Canada), tình huống tương tự xảy ra với Eddy Ambrose. Sau khi tình cờ làm kiểm tra di truyền, Ambrose - người đã lớn lên với văn hóa Ukraina, luôn tin tưởng mình đang chảy dòng máu Ukraina - biết được sự thật không dễ chịu: xuất thân của ông là thổ dân Métis.
|
Vụ tráo đổi khiến Eddy Ambrose cảm thấy như “đã đánh cướp” tuổi thơ yên vui của Beauvais, cũng khiến cả hai rời xa cội nguồn đích thực |
Một sai lầm bi đát
Sau hàng tháng liền trao đổi e-mail thảo luận với công ty dịch vụ kiểm tra DNA, hàng loạt cuộc điện thoại trong bầu không khí từ ngờ vực đến đau khổ giữa 2 gia đình, Beauvais và Ambrose phải cay đắng thừa nhận, họ đã bị tráo đổi từ lúc mới sinh.
Sai lầm hi hữu xảy ra 67 năm trước, trong 1 bệnh viện tại nông thôn Canada. Beauvais và Ambrose, chào đời chỉ cách nhau vài giờ, đã bị nhân viên hộ sinh trao nhầm chỗ.
Suốt 65 năm, họ sống cuộc đời của đối phương mà không hề hay biết. Beauvais phải trải qua một tuổi thơ bi kịch, nghèo khó, sớm bị chia tách khỏi gia đình. Ambrose, ngược lại, được hưởng những tháng ngày thơ ấu êm đềm trong sự bảo bọc của cha mẹ, cộng đồng.
Kết quả kiểm tra DNA buộc 2 người đàn ông trưởng thành lần đầu tiên phải tự hỏi họ là ai, trong khi nhớ về toàn bộ quãng đường đời hơn 60 năm qua. Ý nghĩ rằng, họ không chỉ bị tráo đổi thân phận mà cả quá khứ và nguồn cội, ẩn chứa một “sức nặng” khó diễn đạt.
“Cảm giác như thể ai đó xông vào nhà, lấy đi một thứ bạn vẫn luôn tin rằng thuộc về bạn” - Ambrose cho biết. “Tôi cảm thấy mình vừa bị cướp mất danh tính. Toàn bộ quá khứ của tôi dường như đã biến mất”.
Những ngã rẽ định mệnh
Lần đầu tiên 2 người đàn ông trò chuyện qua điện thoại - một trải nghiệm không mấy thoải mái, Beauvais cố gắng giảm căng thẳng bằng lời nói đùa: “Bố mẹ tôi hẳn đã chọn đứa trẻ dễ thương hơn trong 2 chúng ta nhỉ?”. Thế nhưng khi bắt đầu nghiêm túc thảo luận, cả hai đều chia sẻ chung suy nghĩ, họ ước chưa từng biết gì về sự thật này.
“Giá như chỉ 2 chúng tôi biết thân phận mình bị tráo đổi, chúng tôi có thể im lặng xem đây như bí mật chung, để cả hai có thể tiếp tục sống cuộc đời mình muốn” - Beauvais nói.
|
Beauvais trong ngôi nhà ở thị trấn ven biển Sechelt, nơi hai vợ chồng ông nuôi ngựa và đánh bắt cá |
Cha của Beauvais, Camille Beauvais là 1 người đàn ông Canada gốc Pháp nhân hậu làm công việc bảo trì đường sắt. Vợ ông, Laurette, có nửa dòng máu thổ dân Métis và nửa dòng máu Pháp. Sinh thời, bà thậm chí không nói được tiếng Anh. Những năm 1950, họ sống đầm ấm nhưng có phần túng quẫn ở một khu vực tương đối hẻo lánh thuộc vùng nông thôn Manitoba.
Ngược lại, ông bà James và Kathleen Ambrose là người nhập cư từ Ukraina. Họ từng sở hữu một nông trang và cửa hàng tạp hóa làm ăn phát đạt ở thị trấn Rembrandt, tỉnh Manitoba. Trước khi sinh Eddy, họ đã có 3 con gái. Thế nên, hai vợ chồng càng hết mực cưng chiều đứa con trai duy nhất.
Ambrose, thợ thủ công đã về hưu, thuật lại một số hồi ức tuổi thơ tươi đẹp bên gia đình. Kế đó, ông ngậm ngùi bày tỏ, “Richard đáng lý nên được nhận hạnh phúc ấy, lớn lên dưới một mái nhà tràn đầy yêu thương. Đáng lẽ ra, ông ấy nên được hưởng một khởi đầu yên ấm”.
Khi hay biết về chấn thương thuở thiếu thời Beauvais phải chịu, Ambrose không khỏi xót xa.
“Trong thâm tâm, tôi biết mình là ai”
Cha Beauvais mất khi ông lên 3 tuổi. Người mẹ, Laurette, đành phải mang theo 3 đứa con trở về quê nhà - 1 cộng đồng Métis sinh sống tại một vùng đầm lầy còn xa xôi, lạc hậu hơn. Gia cảnh túng thiếu đến mức, họ chỉ có thể ủ ấm cho bọn trẻ trong ngày đông bằng cách nung nóng đá cuội trên bếp củi.
“Ông bà ngoại tôi cũng nhanh chóng qua đời sau đó” - Beauvais hồi tưởng. Gánh nặng chăm lo cho 2 em gái tuổi còn rất nhỏ rơi vào tay ông, bấy giờ vẫn chỉ là một bé trai. “Tôi từng bị cái ghim tã đâm chảy máu khi đang thay tã cho em gái. Tôi từng lục thùng rác để tìm thức ăn, từng theo mẹ lang thang kiếm sống”.
Thế nhưng “cơn ác mộng” của Beauvais thật sự bắt đầu năm ông 9 tuổi. Chính sách đồng hóa gây tranh cãi dữ dội trong quá khứ của chính phủ Canada - cưỡng ép trẻ em từ các gia đình thổ dân phải rời xa cha mẹ ruột để làm con nuôi người da trắng, đẩy Beauvais vào tình cảnh lưu lạc đúng nghĩa.
|
Những tấm ảnh cũ tiết lộ ký ức tuổi thơ rời rạc và không mấy ấm êm của Beauvais |
May thay, cha mẹ nuôi của ông là người tốt. Beauvais tiết lộ đến nay vẫn giữ liên lạc với gia đình họ. Ông học tiếng Anh nhưng đã đánh mất tiếng Métis được dạy thuở nhỏ. “Mẹ tôi từng cố gắng, nhưng thất bại, để giành lại quyền nuôi dưỡng anh em chúng tôi” - Beauvais nói.
Ở tuổi 16, ông chuyển đến tỉnh British Columbia để học nghề đánh cá. Nhờ nỗ lực tích góp, về sau Beauvais mở 1 công ty đánh bắt cá thương mại, tạo cơ hội việc làm cho những thổ dân khác.
Ngày nay, Canada đã có hàng loạt động thái hòa giải, xin lỗi và đền bù cho chính sách bị chỉ trích khi xưa của họ. Dẫu vậy, riêng với Beauvais, thử thách còn ở phía trước. “Đã 67 tuổi, giờ đột nhiên, tôi trở thành 1 người gốc Ukraina” - ông nói. “Trước đây tôi thậm chí chưa từng tiếp xúc với người Ukraina”.
Tuy nhiên, bất chấp bao gian khổ từng trải qua, Beauvais không muốn thay đổi quá khứ kể cả nếu có thể. “Vì đã đi con đường này, tôi mới có cơ hội gặp được vợ tôi - một phụ nữ xinh đẹp. Cùng nhau, chúng tôi đã xây dựng một tổ ấm hạnh phúc” - Beauvais chia sẻ. “Tôi sẽ không đánh đổi gia đình vì điều gì. Và ngay cả khi không thật sự mang dòng máu thổ dân, trong thâm tâm tôi biết mình là ai”.
Như Ý (theo New York Times)