Sợ nuôi tế bào ung thư, bệnh nhân chết vì kiệt sức

26/06/2019 - 07:00

PNO - Không ít bệnh nhân ung thư đã nhịn ăn vì sợ nuôi tế bào ung thư, dẫn đến không đủ sức chống chọi với căn bệnh. Họ đã chết vì suy kiệt thể chất trước khi chết vì bệnh ung thư.

Đó là chia sẻ của thạc sĩ - bác sĩ Trần Thị Anh Tường - Phó khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, về chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư. Nhiều bệnh nhân dù được bác sĩ dặn dò kỹ lưỡng nhưng vẫn nghe theo lời khuyên của những “bạn bệnh” là: “Không được ăn thịt heo, bò, yến vì “nuôi” tế bào ung thư; không được ăn hải sản vì mùi tanh làm nôn ói; không được ăn rau củ làm khó tiêu…”. Vì lẽ này, không ít bệnh nhân ung thư đã nhịn ăn nhiều thứ và không đủ sức chống chọi với căn bệnh. 

Bệnh nhân tự hại nhau

“Sợ nhất là nhiều bệnh nhân ung thư đã tự giết nhau bằng cách mách nhau chữa bệnh, kiêng ăn này nọ”, nhà báo Cẩm B. - người có bảy năm chống chọi bệnh ung thư đăng trên trang cá nhân như vậy. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân - Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - rất đồng tình với nhận xét này, bởi bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu vì nghe theo “bác  sĩ hàng xóm”, “bác sĩ Google”... Bác sĩ Kim Ngân kể: có bệnh nhân trong lúc đang chờ xạ trị được người ngồi kế bên dặn: “Bị ung thư vú nhớ tuyệt đối không được ăn thịt bò, thịt heo, yến xào nghen, nó nuôi ung thư đó”.

So nuoi te bao ung thu, benh nhan chet vi kiet suc
Bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu tư vấn cho bệnh nhân ung thư về dinh dưỡng

Lần sau, ngồi kế bệnh nhân khác, hỏi bệnh nhau xong lại được dặn: “Nhớ tuyệt đối không được uống sữa, ăn đường, đồ ngọt nghen, nó nuôi ung thư đó”. Gặp bệnh nhân khác, lại được cảnh báo: “Bệnh này mà ăn, uống sữa đậu nành là dù hết bệnh cũng tái phát”. Vì vậy, bệnh nhân này kiêng ăn đủ thứ, chỉ ăn gạo lứt muối mè. Từ thể trạng tốt, chị dần suy kiệt, không đủ sức để xạ trị tiếp tục và phải nhập viện cấp cứu.

Còn bệnh nhân Nguyễn Văn P. ở An Giang, khi phát hiện bệnh ung thư phổi đã ở giai đoạn 3. Bác sĩ dặn anh cố gắng ăn nhiều đồ bổ để tăng cường sức khỏe để chuẩn bị phẫu thuật. Thế nhưng, trong lúc ngồi chờ lấy thuốc, anh được một người nuôi bệnh dặn: “Nhớ đừng mổ nghen, ung thư mà dao kéo là tiêu. Anh tôi cũng bị ung thư phổi, mổ xong một tháng là “đi” luôn, mấy người khác không mổ sống 2-3 năm”. Người này còn nói: “Muốn ung thư chết thì phải nhịn đói”.  

Nghe vậy, về nhà anh P. chỉ uống nước lọc, ăn cháo loãng. Lẽ ra, tháng 4/2019, anh phẫu thuật, nhưng vì sợ dao kéo nên anh ở nhà nhịn ăn chờ tế bào ung thư chết. Hai tháng sau, anh chỉ còn da bọc xương, từ 55kg giảm còn 35kg, kèm theo ho rũ rượi và khó thở, cứ phải ngủ ngồi. 

Đến lúc này, anh đã chịu ăn nhưng cứ đưa thức ăn vào là ói, kể cả uống nước. Vậy là anh được đưa trở lại bệnh viện trên chiếc xe lăn, lần này ung thư đã di căn. Bác sĩ cho biết không còn mổ được. 

Nhịn đói có giết chết tế bào ung thư?

Đây là câu hỏi mà bệnh nhân quan tâm nhất. Vì nhiều bệnh nhân vẫn tin vào “thuyết” nhịn đói thì tế bào ung thư sẽ chết. Tuy nhiên, bác sĩ Anh Tường giải thích: “Nhịn ăn để giết chết tế bào ung thư là sai lầm. Vì tế bào ung thư chết thì tế bào lành cũng chết và nhịn ăn còn làm cơ thể suy kiệt, trong khi bệnh nhân cần phải có sức khỏe để chống chọi với bệnh tật và trải qua phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Lưu ý, bệnh nhân ung thư phải xem dinh dưỡng như là thuốc điều trị, phải chú ý ăn uống đầy đủ”.

So nuoi te bao ung thu, benh nhan chet vi kiet suc
 

Một điều đáng lo là hầu hết bệnh nhân ung thư đều gặp khó khăn trong ăn uống - nhất là những người trong quá trình xạ trị, hóa trị. Vì vậy, họ thường chọn những món dễ tiêu, tránh dầu mỡ như cháo trắng, gạo lứt muối mè… mà những món ăn này lại không đủ dinh dưỡng; thiếu dinh dưỡng thì bệnh càng trầm trọng hơn. Bệnh nhân ung thư cứ rơi vào vòng luẩn quẩn này.

Bác sĩ Anh Tường mách nước: “Đối với bệnh nhân ung thư thì thức ăn phải “đắp” từ đầu tới chân. Nghĩa là xung quanh người bệnh lúc nào cũng phải có thức ăn. Ngoài những món ăn chính còn là các loại bánh, hạt, thức uống chứa năng lượng tốt như nước trái cây tươi, nước dừa… 

Trong lúc chờ khám bệnh, chỉ cần ăn miếng bánh, vài hạt hạnh nhân, hạt điều cũng giúp bệnh nhân có năng lượng, tốt hơn rất nhiều khi để bụng đói. Nên chia nhỏ bữa ăn, hoặc tranh thủ ăn bất kỳ lúc nào, có như vậy dinh dưỡng mới được đảm bảo”.

Tiến sĩ - bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - nhấn mạnh: “Điều trị ung thư phải kết hợp nhiều liệu pháp, do đó cần có sức khỏe tốt để đón nhận tác dụng phụ của các phương pháp điều trị”. 

Bị ung thư có nên kiêng ăn thịt đỏ, yến, đường, sữa?

Bác sĩ Trần Thị Anh Tường cho biết: với người bị ung thư thì không kiêng thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt đà điểu…), vì đây là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt cho cơ thể. Thịt đỏ, yến sào… cũng như nhiều loại thực phẩm khác, cứ ăn theo quy tắc: không quá ba lần/tuần là an toàn. Lưu ý: nguy cơ ung thư của thịt đỏ không phải đến từ tính chất của thực phẩm, mà do chế biến không đúng cách sẽ sinh ra những chất gây ung thư.

Bị ung thư có nên ăn gạo lứt, muối mè? Đây là thực phẩm tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, nếu chỉ ăn mỗi món này thì vừa bị thiếu chất, vừa khiến bệnh nhân cảm thấy cuộc sống nhàm chán. Vì ăn uống cũng là một niềm vui, mà có vui, lạc quan thì mới mau phục hồi sức khỏe.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI