20 năm trước, là một ngày cuối tháng 10 của năm 2002, toà nhà Trung tâm thương mại Quốc tế (quận 1) bốc cháy. 60 người chết và 90 người bị thương. Trận hoả hoạn đó là nỗi ám ảnh mãi cho đến bây giờ không chỉ đối với người dân TPHCM mà cho bất kỳ ai biết đến nó. Những thi hài cháy đen không còn nguyên vẹn, tiếng khóc, tiếng kêu cứu, những cánh tay vẫy rồi buông xuôi... những người liều mình nhảy xuống và bỏ mạng... Rất nhiều năm sau này, đại tá Lê Tân Bửu (khi ấy là Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an TPHCM) nói bên tai ông vẫn còn đó tiếng kêu cứu trong lửa của trận hoả hoạn ấy.
Nay, có lẽ những người tham gia công tác chữa cháy, cứu hộ tại quán karaoke An Phú (TP. Thuận An, Bình Dương) cũng vậy, khi 33 thi thể cháy đen, biến dạng lần lượt được họ đưa ra ngoài.
20 năm trước, trận cháy của ITC phát ra từ vũ trường Blue với nhiều vật liệu cách âm có thể bắt cháy ở nhiệt độ 300 độ C. Và quán karaoke An Phú cũng toàn vật liệu bắt cháy...
Rất nhiều bài học đã được rút ra từ trận cháy ITC, không phải cho TPHCM mà là cho cả nước. Đó là năng lực PCCC không bắt kịp tốc độ phát triển của đô thị - tất cả phương tiện PCCC tại TP được huy động, từ của sân bay, quân đội nhưng đều không đáp ứng được tình thế. Đó là việc cấp phép và kiểm tra công tác phòng cháy đối với các cơ sở như bar, karaoke còn lỏng lẻo. Đó còn là kiến thức và kỹ năng kém của người dân khi đối diện "bà hoả"...
Thế nhưng, cho đến bây giờ, hoả hoạn tại các cơ sở karaoke, bar vẫn cứ xảy ra và để lại thương vong lớn. Ngay trước trận cháy ở Bình Dương không lâu, là vụ cháy karaoke ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) khiến 3 chiến sĩ cứu hỏa hy sinh. Năm 2016, cũng tại quận Cầu Giấy, 13 người đã bỏ mạng trong 1 quán karaoke vì cháy...
Vì sao bài học đã có, cơ sở karaoke, bar vốn ẩn tàng rất nhiều nguy cơ về hoả hoạn (vì không gian kín, vì vật liệu cách âm dễ bắt lửa trong mỗi phòng) là điều ai cũng biết nhưng sao mãi chúng ta vẫn không ngăn được? Công tác giám sát năng lực phòng và chữa cháy tại các cơ sở này ra sao? Việc tuyên truyền và phương tiện chữa cháy bắt buộc phải có ở đó đã diễn ra như thế nào? Vì sao đám cháy được dập tắt sớm nhưng chiến sĩ cứu hoả vẫn không tiếp cận được bên trong sớm? Khách vào hát có được phổ biến các lối thoát hiểm nếu xảy ra sự cố?... Hàng vạn câu hỏi được đặt ra, nhưng câu trả lời không nhiều.
Dĩ nhiên, không thể bỏ qua ý thức và kỹ năng sống của mỗi người. Theo Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương tại cuộc họp báo sáng nay, 8/9, khi được báo có cháy, nhiều khách vẫn vô tư đóng cửa phòng lại hát tiếp. Và theo các chiến sĩ chữa cháy quán karaoke An Phú, phần lớn thi thể được tìm thấy là trong nhà vệ sinh, trong khi nếu được trang bị kiến thức về hoả hoạn, họ sẽ biết nhà vệ sinh chính là "cửa tử" khi bà hoả tìm đến.
Cứ mỗi một trận hoả hoạn xảy ra, chúng ta lại nuối tiếc. Giá mà nạn nhân giữ vững được tâm lý và có kiến thức, kỹ năng mềm; giá mà các chủ cơ sở kinh doanh coi trọng sinh mạng con người song song với coi trọng lợi nhuận; giá mà mỗi cá nhân đều ý thức cao trong việc ngăn ngừa khả năng hoả hoạn... Nhưng nuối tiếc vẫn chỉ là nuối tiếc vì rất nhiều người không còn nữa. Nhiều đứa trẻ đã mất cha, nhiều người vợ đã mất chồng, nhiều người tóc bạc phải khóc kẻ đầu xanh.
Sau khi sự việc xảy ra, nhiều người cho rằng cần phải xem lại việc cấp phép hoạt động karaoke cho các thiết kế nhà kín, cao tầng; cần bắt buộc trước khi khách nhận phòng hát, cơ sở karaoke phải có động thái tuyên truyền, hướng dẫn về thoát hiểm cho khách... Có lẽ phải vậy, và cần thêm nhiều phương án nữa, chỉ tiếc sự "xem lại" này không đến sớm hơn, đừng đợi đến khi rất nhiều nhân mạng không còn thì mới được nghĩ tới.
Hoàng Nhan