Số người nhiễm cúm gia cầm tăng nhanh ở Trung Quốc

26/10/2021 - 19:53

PNO - Số người nhiễm cúm gia cầm ở Trung Quốc tăng vọt trong năm nay làm dấy lên lo ngại rằng biến thể mới có thể lây nhiễm sang người nhiều hơn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Trung Quốc đã báo cáo 21 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H5N6 ở người vào năm 2021 (năm 2020 chỉ có 5 trường hợp).

Mặc dù con số này thấp hơn nhiều so với hàng trăm người bị nhiễm H7N9 trong năm 2017, nhưng các ca nhiễm đều mắc bệnh nghiêm trọng và đã có ít nhất 6 người chết.

Thijs Kuiken - giáo sư về bệnh học so sánh tại Trung tâm Y tế Đại học Erasmus ở Rotterdam (Hà Lan) - cho biết: "Sự gia tăng các ca bệnh ở người trong năm nay là điều đáng lo ngại. Đây là một loại virus gây tử vong cao".

Trong một tuyên bố vào ngày 4/10, WHO tiết lộ hầu hết các trường hợp đã tiếp xúc với gia cầm và không có trường hợp nào được xác nhận là lây truyền từ người sang người. Dù vậy, giới khoa học cần phải điều tra thêm để hiểu rõ rủi ro và sự gia tăng ca nhiễm trên người.

Ngày 13/10, một phụ nữ 60 tuổi ở tỉnh Hồ Nam đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì nhiễm cúm H5N6, theo thông cáo của chính quyền Hồng Kông.

Trong khi các trường hợp nhiễm H5N6 ở người được ghi nhận, tại Trung Quốc, không có vụ bùng phát H5N6 nào xuất hiện trên gia cầm kể từ tháng 2/2020.

 

Trung Quốc là nhà sản xuất gia cầm lớn nhất thế giới và sản xuất vịt hàng đầu, đóng vai trò là ổ chứa virus cúm.
Là nhà sản xuất gia cầm lớn nhất thế giới và sản xuất vịt hàng đầu, Trung Quốc được xem là ổ chứa virus cúm

Hồi tháng 9, một nghiên cứu được công bố trên trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) cho biết: "Sự đa dạng di truyền ngày càng tăng và sự phân bố địa lý của H5N6 là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành chăn nuôi gia cầm và sức khỏe con người".

Virus cúm gia cầm liên tục lưu hành trong các loài chim nuôi nhốt và hoang dã, nhưng hiếm khi lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, sự tiến hóa của các loại virus, cùng sự gia tăng khi các quần thể gia cầm phát triển là một mối quan tâm lớn vì chúng có thể biến đổi thành một loại virus dễ lây lan giữa người với người và gây ra đại dịch.

Vùng tây nam tỉnh Tứ Xuyên là nơi có số ca nhiễm H5N6 cao nhất. Các tỉnh Trùng Khánh, Quảng Tây, Quảng Đông, An Huy và Hồ Nam cũng được báo cáo có ca nhiễm.

Ít nhất 10 trường hợp nhiễm virus được xác định rất giống với chủng H5N8 - đã tàn phá các trang trại gia cầm trên khắp châu Âu vào mùa đông năm 2020 và giết chết nhiều cá thể chim hoang dã ở Trung Quốc. Điều đó cho thấy các ca nhiễm H5N6 mới nhất ở Trung Quốc có thể là một biến thể mới.

Bốn trong số các trường hợp lây nhiễm ở Tứ Xuyên là những người nuôi gia cầm tại nhà và có tiếp xúc với gia cầm chết. Một trường hợp khác đã mua vịt từ chợ gia cầm sống một tuần trước khi phát triển các triệu chứng.

Trung Quốc đã tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho gia cầm nhưng loại vắc xin được sử dụng năm 2020 có thể chỉ có hiệu quả phần nào trong việc chống lại các loại virus mới nổi, và mặc dù đủ sức ngăn ngừa các đợt bùng phát lớn nhưng vẫn cho phép virus tiếp tục lưu hành.

Ở Trung Quốc, các trang trại thả vườn rất phổ biến, và rất nhiều người dân nước này vẫn thích mua gà sống ở chợ.

Hiện tại, thành phố Quế Lâm ở vùng Quảng Tây, nơi ghi nhận hai trường hợp nhiễm cúm gia cầm vào tháng 8, đã đình chỉ hoạt động buôn bán gia cầm sống tại 13 chợ thành thị và sẽ bãi bỏ hoạt động buôn bán này trong vòng một năm.

Linh La (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI