Số người ngộ độc thực phẩm tăng hơn 200%

22/05/2024 - 06:02

PNO - Ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Sáng 21/5, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, ông Nguyễn Hùng Long - Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - thông tin, so với cùng kỳ năm ngoái, số vụ ngộ độc những tháng đầu năm nay giảm hơn. Tuy nhiên, số người mắc ngộ độc lại tăng mạnh. Điển hình như vụ 547 người ngộ độc tại tiệm bánh mì ở tỉnh Đồng Nai; 438 người ngộ độc tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tại Vĩnh Phúc…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Cụ thể, theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2023) với 2.138 người mắc (tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có 6 người tử vong (giảm 5 ca so với cùng kỳ năm ngoái). Trong 36 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong 5 tháng đầu năm nay có 11 vụ do vi sinh vật và độc tố vi sinh vật; 2 vụ do hóa chất; 6 vụ ngộ độc tố tự nhiên và 17 vụ không xác định được nguyên nhân.

Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc, chủ yếu do điều kiện thời tiết nắng nóng, tạo thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp định mức khẩu phần ăn cho người lao động thấp, sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không đảm bảo an toàn. Chẳng hạn, trong vụ ngộ độc tập thể ở Vĩnh Phúc, cơ quan chức năng đã phát hiện thủ phạm nghi ngờ gây ngộ độc là vi khuẩn Bacillus Cereus trong món canh chua giá đỗ. Nguồn nước nấu đã được kiểm tra và không có vấn đề, tuy nhiên, công ty thực phẩm ký hợp đồng với nhà máy đã mua 6kg giá đỗ tại chợ dân sinh. Ngoài ra, nhiều loại rau khác như súp lơ, ớt chuông, mùi, hành… cũng đều được công ty thực phẩm nhập ở chợ, không kiểm soát chất lượng…

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - cho rằng, hiện nay, các quy định pháp lý liên quan tới phòng, chống ngộ độc thực phẩm đã khá đầy đủ nhưng việc thực hiện chưa tốt. Ở các vụ ngộ độc, dù có quy định lưu mẫu song một số đơn vị không thực hiện; có cơ sở được cấp giấy chứng nhận, nhưng mua nguyên liệu trôi nổi ở thị trường; có quy định có giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được kinh doanh nhưng kiểm tra không có giấy chứng nhận…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng bày tỏ sự lo ngại khi gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng người mắc lớn. Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an toàn của mỗi đơn vị, địa phương. Ông yêu cầu phải đảm bảo nguồn gốc đầu vào của thực phẩm, không để “mất bò mới lo làm chuồng”. “Cứ để vụ việc xảy ra rồi bắt đầu thăm hỏi, giải quyết thì mới làm được phần ngọn. Chúng ta phải có những giải pháp làm sao không để xảy ra ngộ độc hoặc có xảy ra chỉ ở quy mô nhỏ, số lượng người mắc thấp, số người diễn biến nặng và tử vong cũng thấp nhất” - ông nói.

Ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. UBND các cấp cần tăng cường bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, kinh phí, tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc. Các đơn vị phải kiên quyết không để các cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI