Số người mắc COVID-19 giảm nhanh tại Mỹ, ca nhiễm mới trên toàn cầu đã chậm lại

04/02/2021 - 18:01

PNO - Khi tháng nguy hiểm nhất của đại dịch kết thúc, Mỹ chứng kiến những dấu hiệu tiến triển bao gồm tỷ lệ ca nhiễm COVID-19, số ca nhập viện giảm mạnh và tốc độ tiêm chủng đẩy nhanh.

Theo dữ liệu từ Dự án Theo dõi COVID-19, số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm 45% kể từ mức cao điểm gần đây nhất vào ngày 11/1, với 131.341 trường hợp mới được báo cáo vào thứ Tư 3/2.

Đồng thời, số ca nhập viện giảm 26% kể từ khi đạt đỉnh điểm gần đây nhất vào ngày 12/1, với 96.534 ca hiện đang điều trị - con số thấp nhất kể từ ngày 29/11 và giảm gần 30% so với mức đỉnh 132.474 vào ngày 6/1.

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, 44 tiểu bang chứng kiến ​​sự sụt giảm số ca mắc bệnh, chỉ có Alabama, Louisiana, Montana, New Jersey, Oklahoma, Pennsylvania, và quận Columbia là tiếp tục tăng.

Ngoài ra, khi bước vào tháng 2, số ca nhập viện COVID-19 lần đầu tiên giảm xuống dưới 100.000 ca sau 2 tháng.

Số ca nhiễm COVID-19 giảm nhanh tại Mỹ, làm dấy lên hy vọng rằng đỉnh dịch đã qua
Số ca nhiễm COVID-19 giảm nhanh tại Mỹ, làm dấy lên hy vọng rằng đỉnh dịch đã qua

Số người chết ở Mỹ vượt qua con số 446.000 - với trung bình khoảng 3.200 người chết mỗi ngày - nhưng các chuyên gia cho rằng số người chết có độ trễ và sẽ tăng lên trong vài tuần tới trước khi giảm xuống khi những người bị nhiễm bệnh nặng trong kỳ nghỉ đông qua đời.

Ngoài ra, hầu hết các quan chức nói rằng, với chưa đến 2% dân số được chủng ngừa đầy đủ chống lại virus, còn quá sớm để nói rằng vắc-xin là nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh giảm.

Vì vậy, câu hỏi vẫn là: tại sao các ca bệnh lại giảm nhanh như vậy và liệu Mỹ có thể vượt qua các đột biến lây lan nhanh chóng của virus?

Các chuyên gia y tế công cộng tin rằng sự sụt giảm số ca mắc bệnh có thể do lượng người nhiễm virus thực tế cao hơn so với số liệu chính thức cho thấy.

Theo CDC, ước tính từ tháng 2 đến tháng 12/2020 đã có gần 83,1 triệu trường hợp lây nhiễm ở Mỹ. Điều đó nghĩa là tới 90 triệu người mang kháng thể chống lại virus. Mặt khác, hiện tại ít người đi du lịch và tổ chức tụ tập hơn so với những ngày nghỉ đông.

Giám đốc WHO cảnh báo các nuoc71 không nên chủ quan khi tốc độ lây nhiễm giảm vì dịch bệnh có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào
Giám đốc WHO cảnh báo các nước không nên chủ quan khi tốc độ lây nhiễm giảm vì dịch bệnh có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào

Xu hướng giảm dịch không chỉ xuất hiện tại Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 1/2, số ca nhiễm mới trên toàn cầu trong 3 tuần qua đã chậm lại. Tương ứng, biểu đồ từ Dự án Theo dõi COVID-19 cho thấy tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày của thế giới đã giảm 30% trong giai đoạn đó.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cảnh báo không nên nới lỏng các hạn chế để làm chậm sự lây lan của COVID-19 sau những tin tốt vừa qua.

Ông nói: "Trong năm qua, hầu hết các quốc gia đã trải qua những thời điểm khi số ca bệnh giảm, và chính phủ quyết định tái mở cửa quá nhanh. Từ đó khiến các cá nhân mất cảnh giác, và rồi virus bùng phát trở lại".

Ngọc Hạ (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI