Sợ một ngày…thảnh thơi

15/12/2013 - 13:50

PNO - PN - Khi tôi tìm đến căn nhà ở số 119/6B Mễ Cốc, P.15, Q.8, TP.HCM một bà lão bước ra cửa đon đả chào mời. Tôi thật sự ngỡ ngàng không biết bà có phải là bà Nguyễn Thị Tuyết không, vì tôi được biết, bà rất già yếu, nằm một...

edf40wrjww2tblPage:Content

 So mot ngay…thanh thoi

Chị Vũ Thị Tuyên và con trai Nguyễn Đức Huy lúc một tuổi

“Bến không chồng”

Một buổi sáng vào năm 1986, không thấy con trai mình (chồng chị Tuyên) thức dậy đi làm như mọi ngày, bà Tuyết vào phòng gọi thì phát hiện con đã chết. Người vợ trẻ bàng hoàng, đau đớn. Chị một nách năm con gái, đứa lớn nhất mới 10 tuổi, cái thai trong bụng chỉ hơn hai tháng. Góa bụa ở tuổi 31, chị vẫn ở vậy nuôi con, xem nhà chồng là “bến cuối”.

Con trai vắn số nhưng bà Tuyết được ông trời bù lại nàng dâu tử tế. Bà hài hước so sánh, diễm phúc đó còn hơn cả trúng số vì bà được hưởng suốt đời. Mân mê tà áo vải bông, bà khoe, quần áo bà mặc toàn do con dâu lựa vải may cho. Chị Tuyên luôn đi chợ mua thức ăn sáng đem về cho bà trước rồi mới quay ngược ra chợ mua thực phẩm vì sợ bà ở nhà chờ lâu, sợ thức ăn bị nguội. Mâm cơm luôn có những món phù hợp sở thích của bà. Dù bà Tuyết đã lẫn, chị Tuyên vẫn giữ phép tắc đi thưa về trình.

Vài năm trước, bà đổ bệnh nằm một chỗ, chị Tuyên phải túc trực chăm sóc ngày đêm suốt mấy tháng ròng. Xét nghiệm máu biết được bà mắc bệnh tiểu đường, chị Tuyên tuân thủ tư vấn của bác sĩ, đọc thêm sách báo và hỏi kinh nghiệm nhiều người để thay đổi thực đơn cho mẹ. Bà thích ăn ngọt, chị phải dùng loại đường dành riêng cho người tiểu đường, chế biến rau cải trồng trong vườn nhà thành nhiều món ngon cho mẹ, một mặt dùng lời nói ngọt để khuyên ngăn mẹ, hạn chế dùng đường. Nhờ thay đổi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi… bà Tuyết đã không cần dùng đến thuốc. Ngày bà Tuyết tự ngồi dậy được, chị ứa nước mắt. Vì bệnh của mẹ chồng quá nặng, chị cứ nơm nớp lo sợ một ngày mình sẽ… thảnh thơi!

 So mot ngay…thanh thoi

Chị Vũ Thị Tuyên vui vầy bên mẹ chồng và cháu ngoại

Dâu “ruột”

Về chuyện chị Tuyên không bước thêm bước nữa, bà Tuyết phân trần: “Con dâu tôi đi đâu là về nhà ngay, không nhìn ngang liếc dọc với ai. Nếu có người đàn ông nào để bụng thương thì con dâu tôi cũng đâu biết”. Những người trong gia đình thì cho là do chị Tuyên đã dồn hết sức cho gia đình, không còn khoảng trống để nghĩ đến chuyện khác. Bản thân chị thì vẫn không quên được hơi ấm người chồng mà chị trân quý, từng có với nhau nhiều kỷ niệm trong những tháng năm ngắn ngủi. “Lấy chồng nữa cũng chắc gì được sung sướng, lại còn khổ lây các con, vậy là mất hết! Các con tôi may phước được cả đại gia đình đùm bọc, cưu mang và theo thời gian, tất cả đã trưởng thành” - chị tâm sự.

Sáu người con của chị Tuyên có ba người làm trong ngành y, một người làm ngành in, một người tự kinh doanh, cậu út Nguyễn Đức Huy còn nằm trong bụng mẹ thuở cha mất giờ đã trở thành giáo viên tiếng Anh của Trường tiểu học Phạm Hồng Thái (Q.5). Khi Huy đỗ vào Khoa Tiếng Anh - Trường ĐHKHXH & NV TP.HCM, vợ chồng người cô ruột ở Q.Bình Thạnh đã đón Huy về nuôi để đi học cho gần, đồng thời san sẻ bớt gánh nặng cho chị Tuyên. Từng là thợ may giỏi nhưng khi về nhà chồng, chị Tuyên yên phận làm dâu. Nhà có vườn rộng, chị Tuyên cùng người chị chồng trồng rau cải để ăn và bán. Chị Tuyên không có kinh tế riêng, hàng tháng các chị em chồng cùng góp tiền lại chăm lo cho cha mẹ và các con “chung”. Mọi người “lo chuyền” cho nhau, tất cả cùng vun vào. Đó cũng là cách mà các chị em chồng đền đáp cho chị Tuyên đã hết lòng vì cha mẹ mình.

Ngày lãnh bằng cao đẳng, đại học, các con của chị Tuyên đều bùi ngùi nghĩ về mẹ. Nếu mẹ theo đuổi hạnh phúc riêng, các con chưa chắc đã có được ngày này. Những lần các cháu gái xuất giá, bà Tuyết luôn căn dặn các cháu cố gắng làm tròn phận vợ, trọn đạo dâu con, luôn siêng năng, ôn hòa, nhẫn nhịn như mẹ. Các con gái của chị Tuyên đều được gia đình chồng thương quý. Các con rể cũng vui vẻ, hiếu kính, xem mẹ Tuyên như mẹ ruột. Do “mát tay” và không ngại khó, chị Tuyên cứ lãnh các cháu ngoại về chăm. Nhọc nhằn cũng nhiều nhưng không thiếu niềm vui. Đã qua tuổi 60 nhưng chị Tuyên ít khi được nghỉ ngơi. Còn mẹ già ở Cần Thơ, chị cũng an tâm vì bà đã được em dâu phụng dưỡng chu đáo.

Hình ảnh mẹ Tuyên hiền thảo đã gây ấn tượng cho Huy từ thuở nhỏ. Nhớ những lần phụ mẹ chăm sóc ông nội bị liệt nằm nhiều năm, Huy luôn có chút lấn cấn nhưng mẹ vẫn xăng xái, sẵn sàng và tự nhiên, không chút ngần ngại. Huy chỉ mong sau này trời sẽ ban cho mình một người vợ đảm đang, nhân hậu, tôn trọng gia đình chồng như mẹ. Huy chia sẻ: “Nếu được sinh ra lần nữa, tôi vẫn muốn được là con của mẹ. Mẹ cực khổ cả đời nên đỡ đần được gì cho mẹ, chị em tôi đều cố gắng”.

“Chồng đã mất mà mẹ con tôi vẫn không bị bỏ rơi, mẹ chồng không phân biệt con dâu, con ruột. Cái tình đó cả đời tôi còn chưa trả hết, nên không bao giờ tôi cảm thấy tủi phận hoặc nghĩ mình hẩm hiu, thiệt thòi” - chị vừa bày tỏ vừa ôm vai mẹ. Đã lên chức bà ngoại, đã biết thế nào là những “đau khổ” của tuổi già, tình cảm chị dành cho mẹ càng thêm sâu nặng.

 TÔ DIỆU HIỀN

KỲ TỚI: NÀNG THOẠI KHANH THỜI @

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI