Sợ một mình cô đơn giữa đời

16/01/2025 - 06:07

PNO - Phải chăng mỗi chúng ta cần tập sống mạnh mẽ, độc lập như một cái cây, vươn mình đón lấy nắng gió, vượt qua khắc nghiệt của thời tiết, thích nghi với mọi hoàn cảnh?

Trong bài podcast mới nhất của một nhà báo, tôi theo dõi cuộc trò chuyện của MC và cô gái có nhiều thành tích trong lĩnh vực Taekwondo. Xuyên suốt cuộc trao đổi, cô gái nhỏ nhắn ấy không thôi nói về cha mẹ. Cô kể về những lần mang thành tích về cho cha mẹ và cả những lần đi thi không có giải, cha mẹ luôn ở bên vỗ về, an ủi...

Sẽ ra sao nếu một ngày con không còn mẹ (ảnh minh họa)
Sẽ ra sao nếu một ngày con không còn mẹ (ảnh minh họa)

Có thể thấy, hành trình của cô ấy luôn có cha mẹ ở bên. Vậy nên, khi được hỏi về nỗi sợ, cô ấy chia sẻ rằng nỗi sợ lớn nhất với cô ấy là phải một mình. Nó gần như trở thành nỗi ám ảnh khi cô nghĩ đến ngày không còn cha mẹ, liệu lúc ấy cô ấy có con đủ động lực để phấn đấu trong sự nghiệp mà mình theo đuổi?

Tự dưng tôi ngẫm nghĩ, nguồn động lực từ gia đình để mỗi người cố gắng phấn đấu là quá tốt, nhưng nếu dồn cả vào cha mẹ, gia đình, thì liệu nguồn động lực ấy sẽ ra sao khi mà sinh-lão-bệnh-tử đã là quy luật tự nhiên?

Tôi có cô cháu gái tên Thu. Thu là mẹ đơn thân. Bao năm Thu và con gái nhỏ "bám" nhau như sam. Đến nay, con gái đã ra trường và đi làm, nhưng Thu vẫn không rời con. Thu theo con gái lên ở trọ cho gần chỗ con làm, ngày ngày mẹ con cơm nước, thủ thỉ, đi chơi cùng nhau như 2 chị em.

Điều đó cũng tốt. Nhưng nhìn lại, ở tuổi bước chân vào đời, cô bé ấy chẳng có nổi mối quan hệ thân thiết nào, do 2 mẹ con sát rạt, chẳng có "kẽ hở" nào cho mối quan hệ khác tham gia. Ở tuổi bạn bè đã bắt đầu có quan hệ yêu đương, cháu gái vẫn chỉ biết mình mẹ.

Về công việc, cháu luôn đạt thành tích cao. Cháu thương mẹ và muốn làm tốt nhất mọi thứ, kiếm nhiều tiền để 2 mẹ con có những chuyến đi du lịch thoải mái. Lễ tết, cháu luôn ưu tiên thời gian đưa mẹ đi mua sắm, đi ăn, đi chơi. Mỗi khi đạt được phần thưởng từ công ty, cháu dành tặng hết cho mẹ. Ai biết chuyện cũng khen Thu có cô con gái "đáng đồng tiền bát gạo".

Một lần nọ, Thu ngã bệnh phải nhập viện. Cả nhà tôi vào thăm, thấy 2 mẹ con quấn quýt nhau. Thu đột nhiên quay sang hỏi con: "Giả sử không có mẹ thì con ở với ai?". Đứa con gái 25 tuổi bỗng bật khóc nức nở như đứa trẻ, khiến ai nấy ngỡ ngàng.

"Không có mẹ" chẳng phải suy nghĩ bi quan gì. Ai rồi cũng già và mất đi. Nếu không may điều đó xảy ra, liệu cô gái con của Thu có đủ mạnh mẽ để bước tiếp?

Con gái lớn nhưng vẫn chỉ có mẹ là bạn thân (ảnh minh họa)
Con gái lớn nhưng vẫn chỉ có mẹ là bạn thân (ảnh minh họa)

Tôi là người con mất bố mẹ ở tuổi 30 - tuổi mà đa phần bạn bè còn đầy đủ cha mẹ, thậm chí còn cả ông bà. Tôi không quá gắn bó với gia đình như một số người con khác. Thậm chí, công việc tôi làm, những chọn lựa, quyết định của tôi... chẳng có sự can thiệp nào của bố mẹ. Vậy mà khi bố mẹ mất, tôi cảm giác khoảng trời trước mặt mình sụp đổ.

Khi ấy, tôi nghĩ đến những mối quan hệ gắn kết tốt giữa cha mẹ và con. Hình dung những người con khi phải rời xa cha mẹ sẽ suy sụp như thế nào.

Một diễn viên tuổi đời rất trẻ từng chia sẻ nỗi đau mất cha với báo chí. Anh nói rằng, phải đến 3 năm anh ấy gần thả trôi mọi thứ, không còn thiết tha gì. Vì nếu làm tốt, anh ta cũng không biết đi khoe với ai? Tôi hiểu nỗi đau của anh khi nhắc lại chuyện đã qua lâu mà mắt vẫn lưng tròng nỗi xót xa.

Rồi tôi lại nghĩ, phải chăng mỗi chúng ta cần tập sống mạnh mẽ, độc lập như một cái cây, vươn mình đón lấy nắng gió, vượt qua khắc nghiệt của thời tiết, thích nghi với mọi hoàn cảnh?

Động lực sống từ tình yêu thương trong chính gia đình là quá tốt, quá an toàn. Nhưng nên chăng, tình yêu ấy cần rộng hơn nữa, như yêu bản thân, yêu cuộc sống, yêu sự nghiệp, yêu những điều tốt đẹp... hình thành lẽ sống cho mình, có như vậy, ta mới dễ dàng đón nhận quy luật của trời đất?

Ban Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI