Sợ mang tiếng bỏ chồng vì anh không làm ra tiền

31/03/2024 - 20:22

PNO - Chúng ta không thể giải quyết mọi việc bằng sự ấm ức. Những ấm ức dồn nén có thể đổ ra thành những lời nói không có lợi cho hôn nhân.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi lấy chồng được 5 năm. Chúng tôi may mắn là có nhà cha mẹ chồng cho mượn ở. Từ "cho mượn" là từ của mẹ chồng tôi. Bà chưa bao giờ nói cho chúng tôi căn nhà đó. Lấy nhau 5 năm, con 3 tuổi, tôi chưa từng được cầm đồng tiền nào của chồng đưa.

Chồng tôi ỷ lại nhà được cha mẹ "cho mượn", và coi đó là phần đóng góp vào gia đình, nên hoàn toàn không có trách nhiệm gì với vợ con.

Anh ấy ham chơi và rất thiếu trách nhiệm. Anh có bằng đại học, nhưng không muốn đi làm theo đúng chuyên môn vì quá cực. Anh chỉ làm bảo vệ cho xí nghiệp của người bạn, lương chỉ 7 triệu một tháng, không đủ để đổ xăng, ăn trưa, cà phê với bạn bè...

Tôi phải còng lưng kiếm tiền, vừa làm công ty, vừa buôn bán online. Nhiều khi nhờ chồng phụ trông con hay gói hàng, ship đơn, chồng cũng từ chối. Anh cho rằng tôi chỉ lo kiếm tiền lẻ. Nhưng khi tôi nói anh đưa tiền để chi tiêu gia đình, thì anh bảo tôi cậy làm ra tiền nên cãi chồng, coi chồng không ra gì.

Càng ngày tôi càng sợ hãi, làm gì, nói gì cũng sai, không dám có ý kiến gì với chồng. Nhưng sức người có hạn, tôi đã thấy kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể xác. Giờ đây, tôi chỉ muốn ra đi, không cần ở căn nhà đó nữa, thà đi thuê nhà ở, nuôi con, cực cái thân mà còn sướng tâm trí hơn.

Thế nhưng khi tôi đề cập chuyện chia tay là chồng nói tôi ham tiền, biết chồng bệnh, không kiếm ra tiền nhiều thì muốn bỏ, kiếm người khác có tiền hơn. Trong khi chuyện chồng bệnh chỉ do anh tưởng tượng ra. Lúc nào anh cũng than đau lưng, đau người, nhưng bảo đi khám thì không chịu.

Nói chung tôi chán lắm rồi, chỉ muốn ra đi. Thà một mình nuôi con còn hơn phải nuôi thêm một người đàn ông ỷ lại, lười biếng, còn mang tiếng này kia.

Mỹ Linh

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Mỹ Linh thân mến,

Đọc thư chị, Hạnh Dung hình dung là chị đang vô cùng bức xúc, tức giận, chỉ muốn làm điều gì đó cho hả ấm ức, khó chịu. Đáng buồn là những điều này chắc cũng đã kéo dài rất lâu, mà chị không làm sao giải quyết được.

Đừng vội nghĩ đến chuyện tiêu cực, như bỏ đi, chia tay, sống một mình còn hơn, khi mình chưa cố gắng giải quyết mọi vấn đề của hôn nhân, và những mâu thuẫn chưa ở mức không thể giải quyết được, hay là chưa nỗ lực giải quyết chúng.

Chị cho rằng anh vin vào cớ sức khỏe để lảng tránh công việc, cho rằng anh không đóng góp tiền vì anh tính nhà cửa của cha mẹ "cho mượn" là phần đóng góp của anh rồi... Nhưng đó là chị "cho rằng", suy đoán, chứ chưa chắc là những điều anh nghĩ thật sự.

Chị có bao giờ trò chuyện thẳng thắn với anh về những điều đó chưa? Chị có thật sự quan tâm tới sức khỏe của anh không? Chị có trình bày cho anh thấy và bày tỏ mong muốn cùng anh đặt ra những vấn đề kinh tế gia đình, để cùng làm, cùng kiếm tiền, cùng cải thiện đời sống gia đình chưa?

Có phải vì chị quá e ngại, lo sợ bị mang tiếng này kia, rồi cứ âm thầm chịu đựng, khó chịu, muốn tự mình giải quyết những khó khăn theo một cách hết sức tiêu cực như vậy hay không?

Có lẽ, chị nên can đảm đối mặt với mọi kiểu trách móc, suy đoán của chồng và gia đình chồng, để nói ra tình trạng khó khăn mệt mỏi của mình và yêu cầu sự chung sức của anh.

7 triệu không nhiều, nhưng để chi tiêu cho một mình anh vào những khoản xăng xe, cà phê, bạn bè thì là quá nhiều. Chị hãy yêu cầu anh chịu trách nhiệm về một khoản chi tiêu cố định nào đó của gia đình, từ lương của mình.

Hãy nói cho anh hiểu rõ việc chị mong muốn có thêm thu nhập là để nhằm vào những mục đích nào của đời sống gia đình: việc học của con, việc du lịch của cả nhà, việc chăm lo cho cha mẹ hai bên. Thậm chí kể cả việc có thể trả tiền nhà lại cho cha mẹ anh, để căn nhà đó thực sự thuộc về anh chị.

Hãy rõ ràng cho anh hiểu, điều làm chị bức xúc không phải là việc anh làm ra nhiều hay ít tiền, mà là thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm, không chung tay cùng chị lo cho gia đình của anh.

Khi chị đã cố gắng mọi cách để động viên, hỗ trợ... mà anh không chịu thay đổi, để cùng chị xây dựng tương lai cho gia đình, thì chị sẽ có những quyết định mà không phải sợ bất cứ điều tiếng nào. Vì sức chịu đựng của con người luôn có hạn.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(8)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI