Số lượt khám bệnh lý về hệ thần kinh, tâm thần hành vi tăng đột biến

22/02/2025 - 16:41

PNO - Thống kê từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho thấy số lượt khám, điều trị bệnh về hệ thần kinh và tâm thần hành vi năm 2024 tăng khoảng 9 lần so với năm 2023.

Đó là thông tin mà bác sĩ CK2 Trần Văn Khanh Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - đã chia sẻ tại hội thảo khoa học "An toàn người bệnh trong thực hành lâm sàng" tại bệnh viện ngày 22/2.

Theo đó, báo cáo về quản lý an toàn người bệnh, bác sĩ Khanh cho hay, năm 2024, Bệnh viện Lê Văn Thịnh ghi nhận hơn 1,3 triệu lượt khám ngoại trú, tiếp nhận hơn 31.000 ca cấp cứu. Đặc biệt, số lượt khám, điều trị về hệ thần kinh và tâm thần hành vi tăng đột biến, khoảng 9 lần so với năm 2023. Bên cạnh đó, bệnh lý về tai mũi họng tăng gấp 7 lần, bệnh liên quan đến cơ xương khớp tăng hơn 3 lần, và các bệnh nội khoa mãn tính, mắt, da liễu tăng gần gấp đôi.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh Họp hội đồng người bệnh tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh
Bệnh viện Lê Văn Thịnh họp hội đồng người bệnh - Ảnh bệnh viện cung cấp

Với số lượng lượt khám tăng cao, bệnh viện luôn đặt người bệnh làm trung tâm, với mục tiêu chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn. Để làm được điều này, bệnh viện đã đặt ra 10 mục tiêu an toàn, bao gồm giữ vệ sinh phòng ngừa nhiễm khuẩn; an toàn phẫu thuật; nhận diện chính xác người bệnh; đảm bảo an toàn thuốc; giảm người bệnh té ngã; hệ thống báo cáo sự cố y khoa; giảm viêm phổi do thở máy; phòng ngừa loét tì đè; an toàn truyền máu và chế phẩm máu; giải quyết kháng kháng sinh.

Ngoài ra, bệnh viện luôn chú ý truyền thông về an toàn người bệnh trên các bảng tin nội viện, cũng như hướng dẫn, tập huấn liên tục cho nhân viên y tế. Đồng thời duy trì hoạt động của hội đồng người bệnh, với sự tham gia của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân để truyền thông an toàn người bệnh.

Tham dự hội nghị, ông Bruce Boman và ông Bruce Allen (Trung tâm Sức khỏe tâm thần Concord, Sydney, Úc) đã chia sẻ về quản lý bệnh nhân bị kích động.

Theo đó, ông Bruce Boman cho rằng 4 dấu hiệu để nhận ra 1 người đang bị kích động bao gồm bồn chồn, đi lại, kích động; nói lớn tiếng, có lời nói đe dọa; giận dữ khi yêu cầu bị từ chối; lời nói khó hiểu.

“Đa số những người đe dọa, bạo lực, hành hung nhân viên y tế lại thường là người nhà hơn là bệnh nhân đang điều trị. Và đối tượng nguy cơ cao bị tấn công trong ngành y là ở các bệnh viện công, bệnh viện tuyến tỉnh, nhân viên y tế khoa cấp cứu và nhân viên các phòng khám tâm thần, hay các bác sĩ trẻ, điều dưỡng, nhân viên hành chính tuyến đầu” - ông Bruce Boman cho biết.

Lúc này, nhân viên y tế cần tìm cách giảm căng thẳng, giữ khoảng cách an toàn với người có hành vi bạo lực. Trong trường hợp nhân viên y tế cảm thấy sự việc khó kiểm soát, đối tượng xuất hiện hành vi bạo lực, có thể yêu cầu bảo vệ bệnh viện, liên hệ công an khu vực để hỗ trợ can thiệp, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, giải pháp này nên được bệnh viện xây dựng và thực hiện đúng quy trình, người can thiệp được đào tạo kỹ, có kinh nghiệm xử lý tình huống. Mục tiêu quan trọng là bệnh nhân đang điều trị được đánh giá về mặt y khoa đầy đủ. Nhân viên y tế hãy đối xử tôn trọng, cung cấp thông tin và trả lời cho họ những vấn đề liên quan đến người bệnh… tránh xung đột và kích động.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI