Sợ lừa đảo, nhiều cây xăng, cửa hàng… chỉ nhận thanh toán tiền mặt

13/06/2024 - 08:15

PNO - Trên mỗi trụ bơm tại cửa hàng xăng dầu 93 (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM) đều có dán thông báo: “Không nhận chuyển khoản, không cà thẻ, không quét mã, không chuyển MoMo, quý khách vui lòng thanh toán bằng tiền mặt”.

Nhân viên bán hàng tại đây cho biết, cửa hàng chỉ nhận tiền mặt sau khi bị một số đối tượng lợi dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để lừa đảo. “Gần nhất, có người đến đổ 1,5 triệu đồng tiền xăng và thanh toán bằng chuyển khoản. Lúc đó, dù cửa hàng chưa nhận được tin nhắn thông báo biến động số dư nhưng thấy khách đưa cho xem một hóa đơn chuyển khoản thành công, đúng tên chủ tài khoản của cửa hàng nên chúng tôi để họ rời đi. Tuy nhiên đến ngày hôm sau vẫn không thấy tiền về tài khoản. Liên hệ ngân hàng thì chúng tôi mới biết đó là hóa đơn chuyển khoản giả đã được đối tượng photoshop từ trước” - nhân viên này chia sẻ.

Do sợ lừa đảo, bị thu phí giao dịch cao, một số cây xăng và điểm bán hàng dán bảng “không chấp nhận quẹt thẻ, chuyển khoản”. Ảnh: Thanh Hoa
Do sợ lừa đảo, bị thu phí giao dịch cao, một số cây xăng và điểm bán hàng dán bảng “không chấp nhận quẹt thẻ, chuyển khoản”. Ảnh: Thanh Hoa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dịch vụ làm giả hóa đơn chuyển khoản đang được rao khá nhiều trên mạng xã hội. Mức phí dao động từ 50.000-280.000 đồng/50 hóa đơn, tùy theo số tiền mà khách muốn ghi trên hóa đơn (từ 1-100 triệu đồng).

Tại một cửa hàng bánh mì trong hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TPHCM), sau khi mua bánh mì, nước ép với giá 125.000 đồng, chúng tôi đề nghị chuyển khoản hoặc trả qua ví điện tử MoMo nhưng chủ cửa hàng lắc đầu từ chối. Người này chỉ vào tờ giấy có dòng chữ “không nhận tiền chuyển khoản” dán trước tủ bánh mì. “Tôi dán mã QR để khách dễ thanh toán thì bị đối tượng lừa đảo dán đè mã khác lên. Còn dán số tài khoản để khách chuyển khoản thì sợ bị đối tượng dùng hình ảnh chuyển khoản giả để lừa. Cửa hàng luôn trong tình trạng đông khách, không có người kiểm tra điện thoại để biết tiền đã vào tài khoản hay chưa nên nhận tiền mặt cho chắc” - chủ cửa hàng nói.

Bên cạnh việc lo ngại bị lừa đảo, theo chủ thương hiệu xôi bắp Huỳnh Mai (315 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM) còn có lý do khác khiến các cửa hàng chỉ muốn thanh toán bằng tiền mặt là các ví điện tử thu phí 1 - 1,2%/giao dịch. Đó là mức phí không nhỏ trong bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng - cho rằng: thanh toán không dùng tiền mặt đem đến nhiều lợi ích nhưng đây cũng là cơ hội cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng như làm giả hóa đơn chuyển tiền trực tuyến qua ngân hàng. Các điểm bán hàng vẫn còn chủ quan, chỉ cần nhìn thấy đúng tên tài khoản, số tiền là mặc nhiên nghĩ rằng tiền đã về tài khoản của mình mà không có bộ phận kiểm tra, rà soát. Nhưng nếu chỉ vì sợ lừa đảo mà từ chối thanh toán không dùng tiền mặt là không phù hợp với xu thế hiện đại. Bên cạnh đó, một trong những lý do chính mà các điểm bán hàng ngại để khách quẹt thẻ thanh toán là phí ngân hàng thu từ các điểm bán hàng khá cao, từ 1,5 - 3%/giao dịch. Với các ngân hàng lớn, có lượng thẻ giao dịch nhiều thì các tổ chức thanh toán quốc tế thu phí giao dịch thấp, chỉ 0,75%/giao dịch, các ngân hàng nhỏ thì phí từ 2 - 2,5%/giao dịch.

“Trước đây điện thoại thông minh không phát triển nên phần lớn khách hàng thường thanh toán bằng thẻ qua máy POS. Hiện nay, bên cạnh hình thức thanh toán qua máy POS, các ngân hàng phát triển đủ kênh thanh toán khác như internet banking, mobile banking, mã QR, VietQR… Người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể thực hiện được đủ các giao dịch thanh toán. Do đó, để giảm, bỏ các loại phí giao dịch khi quẹt thẻ, ngân hàng nên tính toán hướng tới phát hành thẻ tín dụng phi vật lý để khách có thể giao dịch, thanh toán ngay trên ứng dụng ngân hàng” - tiến sĩ Đinh Thế Hiển đề xuất.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI