Sổ liên lạc điện tử: Tốn kém, phiền hà, không hiệu quả

16/10/2014 - 07:27

PNO - PN - Theo đa số phụ huynh (PH), dịch vụ "Sổ liên lạc điện tử" không thật sự hiệu quả trong khi chi phí mắc hơn dịch vụ tin nhắn bình thường nhiều lần.

edf40wrjww2tblPage:Content

So lien lac dien tu: Ton kem, phien ha, khong hieu qua

Nhiều đơn vị đã chào mời nhưng chúng tôi đều từ chối

Một PH của Trường tiểu học (TH) Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) cho biết: buổi chiều hàng ngày chị thường nhận được tin nhắn với nội dung na ná nhau, đại loại như: PH nhắc học sinh (HS) soạn sách vở, học bài, hoàn thành bài tập Tiếng Việt, Toán... Cũng có khi tin nhắn nhắc nhở PH đưa con đi học đúng giờ… Theo PH này, PH không cần những tin nhắn chung chung như vậy, vì nó đã có trong sổ báo bài hàng ngày. Điều PH cần biết là tình hình cụ thể của con mình ở trường như ăn uống, ngủ nghỉ, thái độ học tập, hoặc những sự cố xảy ra bất chợt.

Nhiều trường học từ TH đến THPT áp dụng dịch vụ “Sổ liên lạc điện tử” bằng hình thức nhắn tin qua điện thoại từ nhà trường đến số di động của PH để cập nhật tình hình học tập, sinh hoạt của HS, thông báo từ nhà trường. Mỗi trường lựa chọn phối hợp với những đơn vị viễn thông khác nhau để triển khai, vì thế mức phí dao động từ 30.000đ/tháng (chỉ nhắn tin ba ngày/tuần) đến 80.000đ/tháng (nhắn tin sáu ngày/tuần), chất lượng dịch vụ cũng mỗi nơi mỗi khác. Làm một phép so sánh đơn giản để thấy PH phải trả phí rất cao cho dịch vụ này: mỗi tin nhắn văn bản thông thường chỉ tốn phí 350đ, nhưng dịch vụ “Sổ liên lạc điện tử” có giá đắt hơn chục lần. Trung bình mỗi tháng HS học 22 - 26 ngày/tháng, mỗi ngày nhận một tin nhắn thì mỗi tin nhắn có giá 2.000đ - 3.000đ.

Một GV than, GV chủ nhiệm bậc THCS không theo HS suốt ngày, nhưng phải ghi chép lại tình hình của từng em; chiều đến phải báo cáo, nhập liệu để thông tin cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Phần lớn HS đều không có vấn đề gì phát sinh trong ngày nên rất khó để đưa nhận xét khác nhau cho từng em.

Hiệu trưởng một trường TH tại Q.4 kể: “Khi đơn vị viễn thông V. đưa dịch vụ “Sổ liên lạc điện tử” vào trường năm đầu tiên không thu phí, thấy có lợi cho PH nên trường áp dụng thử. Ai dè bên họ không có người nên giáo viên (GV) phải kiêm luôn nhiệm vụ ghi chép, nhập liệu vào hệ thống rồi gửi tin cho PH. Thấy quá phiền hà và đặc biệt là không có hiệu quả thật sự nên chỉ sau hai năm thì trường ngừng triển khai dịch vụ này”. Trường THCS-THPT Hermann Gmeiner cũng triển khai “Sổ liên lạc điện tử” với mức phí 180.000đ/học kỳ, nhưng ban giám hiệu khẳng định PH nào có nhu cầu thì đăng ký, trường không khuyến khích.

Thầy Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường TH Lương Định Của (Q.3), cho biết: “GV bán trú bậc TH đã quần quật cả ngày nên không thể kham thêm công tác thống kê, cập nhật ngay trong ngày điểm số và tình hình của tất cả HS. Việc đánh giá nhận xét HS đòi hỏi phải là người có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, hoặc trực tiếp đứng lớp. Nhà mạng chỉ có chức năng cung cấp công nghệ nên áp dụng cái này chỉ thêm việc cho GV vốn đã quá nhiều áp lực. Bởi thế, nhiều đơn vị đã chào mời nhưng chúng tôi đều từ chối. Nếu có xảy ra tình huống đặc biệt với HS thì GV cũng không thể nhắn tin mà phải gặp và trao đổi trực tiếp với PH mới là cách làm tốt nhất”.

Không thể thay thế vai trò phụ huynh

Bà Nguyễn Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) - chia sẻ: “Mỗi HS đều có sổ dặn dò nên sổ liên lạc điện tử chỉ phù hợp cho những PH quá bận rộn, không có thời gian để xem tập vở hay hướng dẫn cho con”.

Thay vì chỉ phụ thuộc vào tin nhắn báo, phó mặc con cho trường học, PH nên chủ động quan tâm đến chuyện học hành, sinh hoạt của con.

Ông Từ Quốc Tuấn nêu quan điểm: Cách hay nhất để trẻ phát triển là PH và thầy cô phải quan tâm trực tiếp đến trẻ. Nhà trường có nhiều cách để làm cầu nối với PH. Tất cả HS đều có sổ dặn dò, mỗi ngày GV phải viết những điều cần lưu ý, kế hoạch học tập, hoạt động ngày tiếp theo. Em nào cần nhắc nhở thêm thì cô giáo sẽ lưu ý vào sổ. Làm như vậy cô đỡ vất vả, PH cũng bớt tốn kém.

Trường TH Lương Định Của yêu cầu PH phải xem và ký vào sổ dặn dò hằng ngày để phối hợp cùng nhà trường dạy dỗ, nhắc nhở con cái, có gì cần trao đổi thì ghi vào. Nhiệm vụ đầu tiên của GV khi lên lớp là xem góp ý của PH. Ban giám hiệu kiểm tra định kỳ hàng tháng việc trao đổi này để tránh trường hợp GV lưu ý tràn lan, hoặc viết những điều không hay vào sổ. GV cũng không được chê bai hay nói về tính cách cá nhân khiến HS mặc cảm. Nếu em nào “có vấn đề” thì GV hẹn gặp PH để trao đổi riêng. GV, kể cả GV ngoại ngữ của trường đều được bố trí lịch tiếp PH hai buổi/tuần.

Theo hiệu trưởng nhiều trường, thời buổi công nghệ phát triển, việc thông tin qua lại giữa nhà trường - GV và PH rất đơn giản. Nếu cần gấp có thể gọi điện thoại. Mặt khác, đa phần các trường đều có website, PH chỉ cần lên website sẽ nắm đầy đủ thông tin về các môn học, đề thi, cũng như theo dõi kết quả học của con em mình. Thiết nghĩ, không nhất thiết phải tốn tiền, đóng phí nhận tin nhắn mới liên lạc được với nhà trường, mới biết được thông tin của con.

 GIA TUỆ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI