Sổ liên lạc điện tử có cần không?

26/11/2020 - 18:57

PNO - Nhiều phụ huynh cho rằng sổ liên lạc điện tử không còn cần thiết. Bởi những thông tin được gửi từ loại sổ này khá đơn điệu.

Dựa trên hiệu quả sử dụng, nhiều phụ huynh cho rằng sổ liên lạc điện tử không còn cần thiết. Bởi những thông tin được gửi từ loại sổ này khá đơn điệu, trong khi, mỗi lớp đều có nhóm Zalo, Viber… kết nối giữa giáo viên với phụ huynh.

Thông tin nơi ít, nơi nhiều

Sổ liên lạc điện tử (SLLĐT) là phần mềm do các công ty công nghệ cung cấp. Hầu hết các trường học tại TP.HCM đang triển khai sử dụng loại SLLĐT này.

Chị T., phụ huynh một học sinh lớp Bốn Trường tiểu học Bùi Văn Mới (Q.9, TP.HCM), đăng ký sử dụng SLLĐT cho con từ lớp Một với mong muốn nắm bắt đầy đủ thông tin học tập, sinh hoạt hằng ngày của con tại trường. Tuy nhiên, thông tin giáo viên gửi về cho phụ huynh rất ít. Tháng vừa rồi, chị T. chỉ nhận được tin nhắn thông báo nghỉ học, đóng tiền cho con. Còn các thông tin về thực đơn, thời khóa biểu… thì không có.

Sổ liên lạc điện tử nhiều phụ huynh đang dùng không khác gì website của trường
Sổ liên lạc điện tử nhiều phụ huynh đang dùng không khác gì website của trường

“Tôi từng phản ánh sự việc này nhưng giáo viên chia sẻ không rành công nghệ thông tin nên chỉ đưa những tin cơ bản, muốn đưa đầy đủ phải nhờ giáo viên khác. Suốt bốn năm học, chỉ có năm học vừa rồi, giáo viên chủ nhiệm dạy môn tin học nên thông tin phụ huynh nhận được nhiều hơn. Từ học tập cho đến các hoạt động vui chơi của học sinh được cô đăng tải lên SLLĐT đầy đủ”, chị T. cho biết.

SLLĐT mà chị T. đăng ký sử dụng là một app điện thoại. Mỗi năm, chị T. phải trả hơn 100.000 đồng cho dịch vụ này. Trên SLLĐT có các phần thông tin học tập: điểm danh, xin nghỉ học, kết quả học tập hằng ngày, phiếu đánh giá học tập, thời khóa biểu, thông tin học sinh, thực đơn bữa ăn; và thông tin nhà trường: tin tức, thông báo, thư mời, kế hoạch học tập…

So với năm học trước, năm nay có cải thiện chút đỉnh. Như mục “thông tin nhà trường” có đăng các thông tin hoạt động giáo dục. Nhưng mục “thời khóa biểu” và “thực đơn bữa ăn” vẫn trống trơn. “Mỗi lần vào xem đều hiện dòng chữ “nhà trường và giáo viên chưa cập nhật thông tin, quý phụ huynh vui lòng quay lại sau. Nhiều lần xem không có nên tôi ít xem hơn”, chị T. chia sẻ.

Trái lại, chị Trần Thị Thủy hài lòng khi sử dụng SLLĐT của con gái học lớp Bảy Trường THCS Phú Mỹ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và con trai học Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM). Thông tin về các hoạt động trong ngày như báo bài - nhắc nhở, thực đơn, thời khóa biểu, nghỉ học, hoạt động của trường… gửi về cho chị rất nhiều.

Thậm chí, còn có cả lời chúc mừng sinh nhật học sinh. “Thực tế, nếu giáo viên và nhà trường chịu khó cập nhật thì phụ huynh có nhiều thông tin để nắm bắt, theo dõi”, chị Thủy cho biết.

Không nhất thiết phải dùng

Tuy vậy, dựa trên hiệu quả sử dụng, chị Thủy cho biết: “Hầu như lớp học nào cũng có nhóm Zalo hoặc Viber để trao đổi thông tin với giáo viên. Những thông tin giáo viên nhắn trong SLLĐT lại tiếp tục nhắn lại trong nhóm Zalo, Viber. Như vậy, không nhất thiết phải dùng loại hình này để tránh lãng phí. Bản thân tôi nhiều lúc chỉ nắm thông tin qua nhóm Zalo của lớp chứ không xem trên SLLĐT”. 

Nhiều mục bị...bỏ quên
Nhiều mục bị...bỏ quên

Đồng quan điểm, chị T. cho rằng: “Mỗi phụ huynh đóng hơn 100.000 đồng cho dịch vụ nhưng chỉ để nhận những tin nhắn đơn điệu vì nhiều lý do khác nhau thì không hợp lý. App SLLĐT tôi đang dùng không khác gì website của trường, vậy tại sao không tích hợp vào để giảm chi phí cho phụ huynh?”.

Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhiều năm nay đã triển khai SLLĐT. Trường cũng đang triển khai mô hình trường học thông minh - an toàn - không dùng tiền mặt. Để học sinh thống nhất sử dụng một nguồn thông tin, nhà trường đang có kế hoạch tích hợp SLLĐT vào mô hình này. Ông Nguyễn Xuân Đắc, hiệu trưởng nhà trường, đánh giá, nếu tích hợp sẽ giảm chi phí cho phụ huynh khi chỉ sử dụng một nguồn dữ liệu và công tác quản lý của nhà trường cũng thuận tiện hơn.

Tại Q.6, SLLĐT được triển khai từ nhiều năm nay nhưng không phải 100% phụ huynh đều tham gia. Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Q.6, cho hay những trường hợp phụ huynh không tham gia, giáo viên vẫn cung cấp đầy đủ thông tin học sinh về cho gia đình bằng nhiều cách như gọi điện thoại, nhắn tin qua SMS, Zalo, Viber…

“Trong xu thế công nghệ phát triển sẽ có nhiều cách để thông tin đến phụ huynh học sinh chứ không nhất thiết phải qua SLLĐT”, ông Uyên nói.

Nhiều phụ huynh kể, khi nhận thông tin từ nhóm trên Zalo, Viber, phụ huynh có thể trao đổi lại với giáo viên nhưng nếu sử dụng SLLĐT sẽ là thông tin một chiều. Song song đó, rất nhiều thông tin giáo viên vừa nhắn cho phụ huynh ở nhóm xong qua SLLĐT lặp lại như vậy nên sử dụng SLLĐT là thừa. 

Mỹ Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI