Sợ lây COVID-19, cha mẹ bỏ lịch tiêm ngừa cho con

17/02/2020 - 15:02

PNO - Trước tình hình dịch COVID-19, nhiều cha mẹ đã “cách ly” con tối đa, kể cả chấp nhận bỏ lịch tiêm ngừa vì sợ đến bệnh viện.

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (32 tuổi, ngụ ở Q.10, TP.HCM) chần chừ trước cổng Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong khi mẹ ruột hối thúc chị vào tiêm vắc-xin cho con trai mới hơn một tuổi. Đúng theo lịch tiêm ngừa, chị Ánh Hồng phải đưa con đi tiêm sởi, quai bị, rubella từ tuần trước. Nhưng sau hai lần đến bệnh viện, chị đã ôm con quay về vì thấy bệnh viện đông người. Lần này, mẹ chị đã đi theo để bế cháu ngoại vào. Chị cho biết: “Từ khi có dịch COVID-19, tôi đã nhờ mẹ ở Vĩnh Long lên trông con, chỉ khi có việc cần thiết mới cho cháu ra ngoài. Tôi định đến khi hết dịch, mới đưa con đi tiêm vắc-xin, nhưng mẹ tôi la quá vì bây giờ đã trễ lịch hẹn hơn một tuần”. 

Hơn một tuần nay, lượng người đến tiêm ngừa ở Viện Pasteur TP.HCM tăng nhanh, nhưng chủ yếu từ 20 đến hơn 40 tuổi, còn trẻ em lại giảm rõ rệt. Hầu hết các mũi tiêm đều tiêm ngừa cúm mùa. Phần lớn người đến tiêm vắc-xin cho biết họ tiêm để phòng bệnh COVID-19. Số lượng tiêm vắc-xin ngừa cúm mùa, phế cầu ở trẻ em chỉ tăng nhẹ nhưng trẻ nhỏ cần tiêm ngừa hoặc tiêm nhắc lại không đến.

 Số lượng người lớn đến khám tại Viện Pasteur TP.HCM tăng trong khi trẻ em lại giảm
Số lượng người lớn đến khám tại Viện Pasteur TP.HCM tăng trong khi trẻ em lại giảm

Xếp hàng chờ vào tiêm ngừa, chị Nguyễn Thị Minh (28 tuổi, ngụ ở Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, chị đi tiêm ngừa cúm mùa để giảm triệu chứng cho bệnh… COVID-19. Chị Minh lý giải: “Nếu nhiễm COVID-19, người mắc bệnh sẽ sốt, ho, sổ mũi như bệnh cảm cúm vậy. Tôi tiêm ngừa cúm nghĩa là có thể phòng ngừa các triệu chứng trên; không sốt, ho, sổ mũi sẽ không mắc COVID-19. Đây là lần đầu tiên tôi chủ động đi tiêm ngừa cúm sau hơn 5 năm”.

Cùng suy nghĩ với chị Minh, chị Phan Thị Quế Trinh (34 tuổi, ngụ ở Q.3, TP.HCM) cũng tìm hiểu COVID-19 trên mạng, sau đó quyết định dẫn con gái 8 tuổi và mẹ đi tiêm vắc-xin cúm mùa từ suy luận không để ho, sốt thì… phòng tránh COVID-19. Trong khi xếp hàng đợi tiêm ngừa, chị luôn đề phòng, giữ khoảng cách với người xung quanh, mặc dù cả ba đều mang khẩu trang loại tốt.

Nếu đúng lịch theo dõi tiêm ngừa, lượng trẻ nhỏ được đưa đến tiêm ngừa khá ít, có trẻ đã bỏ hoặc đến trễ nhiều ngày so với lịch tiêm ngừa các loại vắc-xin cần thiết, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. 

Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Phó trưởng khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng, Viện Pasteur TP.HCM, bệnh gây ra do vi-rút cúm, phế cầu, phế cầu khuẩn hay COVID-19 đều là những bệnh có biểu hiện triệu chứng đường hô hấp như sốt, ho, sổ mũi, có thể gây biến chứng viêm phổi… nên mọi người lầm tưởng tiêm vắc-xin cúm mùa cũng phòng ngừa được COVID-19. 

Bác sĩ Ngọc khẳng định: “Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất, nhưng mỗi loại vắc-xin có hiệu quả phòng bệnh khác nhau. Vắc-xin cúm mùa không ngừa được COVID-19. Mặc dù vậy, người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai… cũng nên tiêm ngừa cúm mùa để không bị mắc bệnh. Đặc biệt, người đang có bệnh đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, bệnh phổi mạn tính… tiêm ngừa cúm cũng giúp giảm biến chứng của bệnh nền khi nhiễm cúm”.

Bên cạnh đó, mỗi vắc-xin có cơ chế hoạt động riêng, trung bình sau 15 ngày vắc-xin mới phát huy tối đa tác dụng phòng bệnh, vì vậy vắc-xin nào cũng cần được tiêm đúng tuổi, thời điểm, liều lượng mới có hiệu quả tốt nhất. Mọi người nên tiêm phòng chủ động tránh chờ đến có dịch bệnh mới đổ xô đi tiêm khi đó tiêm vắc-xin sẽ khó đạt hiệu quả tối ưu, ngoài ra còn gây quá tải cho các cơ sở y tế. Chưa kể, có dịch bệnh, mọi người tập trung quá đông sẽ có nhiều nguy cơ lây bệnh khi chưa kịp tiêm ngừa, lúc đã có mầm bệnh trong người, dù tiêm ngừa thì khả năng nhiễm bệnh vẫn rất cao.

“Gần đây, mọi người quan tâm tiêm cúm nhưng đừng quên cho trẻ tiêm các vắc-xin phòng bệnh khác như vắc-xin 5 trong 1, 6 trong 1, vắc-xin ngừa sởi, viêm não Nhật Bản, thủy đậu… Có thể mọi người lo lắng đưa trẻ ra ngoài lúc này sẽ lây COVID-19, nhưng nếu không cho trẻ tiêm ngừa sẽ có nguy cơ bùng phát các bệnh khác như sởi, rubella… như năm 2019”, bác sĩ Ngọc khuyến cáo. 

Đừng bỏ qua lịch tiêm vắc-xin

Nhiều cha mẹ đã đến các bệnh viện nhi một mình, hỏi thăm việc tiêm ngừa COVID-19. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, khẳng định, đến thời điểm này, thế giới và Việt Nam vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh COVID-19, nhưng mọi người nên bình tĩnh. Xét về đặc tính, COVID-19 không lây mạnh như bệnh cúm, chỉ cần lưu ý biểu hiện bệnh ở trẻ.

Nếu trẻ sốt, ho, mệt mỏi… nhất là với trẻ có sẵn bệnh nền nên đưa đến cơ sở y tế để khám, tuyệt đối không để trẻ ở nhà. Cha mẹ đừng bỏ qua lịch tiêm vắc-xin, tiêm nhắc cho trẻ, chỉ cần tập cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn, giữ vệ sinh, bổ sung vitamin cho trẻ tăng sức đề kháng. Ở nơi đông người, cho con em mình đeo khẩu trang. Giữ nhà cửa thông thoáng, có ánh nắng thì COVID-19 sẽ suy yếu.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI