|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Chia tay vì người yêu... đòi cưới
52 tuổi, chị Thúy (ngụ quận 7, TPHCM) vẫn chọn “đi về lẻ bóng” và không hề tiếc nuối với quyết định này. Vừa chia tay người yêu, chị kể với giọng bình thản: “Đã thống nhất chỉ là người yêu, sống chung với nhau, không cưới; nhưng anh ấy cứ đòi cưới, mẹ anh ấy cũng giục hoài nên chị chia tay”. Từ thời trẻ, chị đã xác định không lấy chồng vì “sợ liên quan đến các mối quan hệ bên chồng, rắc rối”. Chị vẫn yêu nhưng quyết “chỉ làm người yêu chứ không làm vợ”. Hơn 30 năm qua, đã có 3 người đàn ông “đến rồi đi”, lòng chị vẫn nhẹ tênh.
Nhiều bạn bè thắc mắc, đa số phụ nữ đều mong muốn được yêu và cưới, sao chị Thúy lại để “vuột mất” người mình yêu, không buồn sao? Chị nói “buồn, nhưng vì đã xác định từ đầu nên không hối tiếc”, bởi ngoài nỗi lo “làm dâu trăm họ”, sau một thời gian chung sống, chị nhận ra họ không phù hợp đi đến hôn nhân. Ở tuổi này, giờ chị chọn sống một mình, không yêu ai nữa, để không làm mất thời gian của “nửa kia” và lòng chị thấy yên ổn hơn.
Chứng kiến nhiều bạn gái của mình lấy chồng nhưng không hạnh phúc, chị Hoa (30 tuổi, ngụ quận Bình Chánh, TPHCM) cũng... sợ lấy chồng. “Người thì gặp phải ông chồng vũ phu, nghiện rượu, cứ uống say là đánh vợ; người thì chồng mải lo kiếm tiền, rồi gái gú, không lo cho vợ con... Hơn nữa, nhiều người đàn ông thời nay thực dụng, không chân thành, khó tin được. Tôi sợ lấy chồng rồi khổ nên thôi ở một mình cho khỏe” - chị Hoa tâm sự. Sợ lấy chồng, rồi dần dần Hoa cũng sợ yêu, rồi không quen ai nữa. Dù vậy, tôi thấy nhiều lúc chị Hoa buồn, nhất là mỗi lúc bệnh, phải tự chăm sóc mình.
Tuy nhiên, việc yêu đương và khát khao gần gũi với một người nào đó có thể thôi thúc phụ nữ tìm đến một mối quan hệ thân mật, gắn bó.
Họ chọn cách sống chung như vợ chồng với người họ thương yêu, nhưng không muốn cưới. “Sống chung không hôn thú có thể cho 2 bên cảm giác không ràng buộc về mặt hình thức, nhưng những ảnh hưởng về tinh thần thì không khác so với việc cưới đầy đủ thủ tục. Vì bản chất của việc sống chung vẫn có yếu tố cam kết cùng nhau xây dựng đời sống chung, sẽ vẫn tồn tại việc 2 người gây ảnh hưởng lẫn nhau, thay đổi vì nhau để hướng tới sự hòa hợp. Đồng thời, vì gia đình gốc của cả hai đều có những liên hệ và những ảnh hưởng nhất định đến họ một cách gián tiếp hay trực tiếp khi họ có những kết nối, va chạm trong thời gian họ muốn cùng nhau xuất hiện với gia đình 2 bên, tham gia những sự kiện quan trọng của nhau” - thạc sĩ tâm lý Mộng Chi phân tích.
Ngoài ra, thạc sĩ Mộng Chi nhấn mạnh: việc sống chung mà không kết hôn có thể dẫn đến việc 2 người dễ chia tay nhau hơn, vì thiếu những ràng buộc. Trong quá trình chung sống, kiểu gì cũng sẽ có những mâu thuẫn phát sinh, những điểm không phù hợp sẽ hiện hình dần dần.
Nếu như trong hôn nhân, 2 bên nỗ lực hơn trong việc giải quyết những bất hòa, cố nhẫn nhịn vì nhau thì việc không có ràng buộc sẽ khiến cho tình cảm 2 người đã phai nhạt thêm phai nhạt, dễ dẫn đến chia tay hơn. “Không ai có thể chắc chắn tình yêu của mình là vĩnh cửu với thời gian nên nếu có điều gì đó níu giữ lại, sẽ giúp chúng ta muốn hàn gắn, sửa chữa hơn là từ bỏ. Đối diện với việc sợ dang dở, sống thử và dang dở thật sẽ khiến nhiều người rơi vào tình trạng sợ yêu, sợ hôn nhân và muốn ở một mình. Nhưng như câu hát “nhiều khi cũng muốn một mình nhưng lại sợ cô đơn”, người ta mâu thuẫn và mệt mỏi theo cái mâu thuẫn ấy, tiến thoái lưỡng nan” - bà nói.
Dưới góc nhìn tâm lý học, thạc sĩ Mộng Chi phân tích thêm: kết hôn không đáng sợ như nhiều người vẫn tưởng, vẫn thấy. Chẳng qua là chúng ta yêu sai cách nên dẫn đến những đổ vỡ, đau khổ và sợ hãi. Nếu chúng ta dành sự chân thành, yêu thương đối đãi với nhau thì những định kiến, hiểu lầm lúc đầu, theo thời gian sẽ được hóa giải. Để làm được điều này, cả 2 phía cần tôn trọng nhau, cùng hướng đến vun đắp, yêu thương và che chở lẫn nhau thì mới “đánh tan” nỗi lo lắng, sợ hãi về chuyện kết hôn và hình dung về đời sống sau hôn nhân toàn “màu đen” của bế tắc, đau khổ và bất hạnh.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Vợ mãi không chịu sinh con
Cưới vợ hơn 10 năm, nhìn bạn bè đều có con lớn, anh Nguyên (41 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) thở dài mong có con. Ba mẹ anh tới tuổi “xế chiều” cũng mong có cháu nội bế bồng. Thế nhưng, chị Nga (vợ anh) lại mãi lo học, không chịu có con. Ngoài kế hoạch du học, phát triển sự nghiệp, chị còn tâm sự mình “sợ sinh con ra mà không chăm dạy được con tốt”.
Chồng chị chỉ buồn, không dám hối thúc vợ. Lúc vui, anh tự trấn an mình: “Vợ học xong sẽ yên tâm sinh con”. Nhưng khi buồn, anh lại thở dài “con cái tùy duyên”. Dù biết nhiều cặp vợ chồng không có con vẫn hạnh phúc, anh Nguyên không biết tình cảm vợ chồng mình về lâu dài liệu có ổn không khi nhà thiếu tiếng cười trẻ con, vợ thì cứ vài năm lại... đi học.
Với nhiều cặp vợ chồng, con cái là “sợi dây” gắn kết yêu thương, thắt chặt thêm hạnh phúc gia đình nên việc cưới nhau, sinh con là đương nhiên. Lại có những gia đình, người vợ/chồng vì lý do bệnh lý mà họ không thể sinh con hay sợ sinh con ra không được lành lặn do gen di truyền...
Tùy trường hợp, mỗi cặp sẽ có lựa chọn phù hợp cho hôn nhân của mình. Còn đối với tình trạng nhiều người vợ “sợ sinh con” vì theo đuổi sự nghiệp, học hành, thạc sĩ Mộng Chi cho rằng: dù nam hay nữ đều có những hướng phát triển bản thân, sự nghiệp khác nhau và cần được tôn trọng, hỗ trợ. Ý nghĩ phụ nữ không cần có sự nghiệp hay trách nhiệm chính của họ là sinh con để nhà chồng có cháu bế bồng đã không còn phù hợp với quan điểm của phụ nữ hiện đại nữa.
Nhân dạng của phụ nữ không nên là hình ảnh người nội trợ với việc “bỉm, sữa”, sinh con và nuôi dạy con, vì họ có quyền học tập, phát triển bản thân và nghĩa vụ đóng góp năng lực cho xã hội. Nếu phụ nữ sinh con mà vẫn có thể theo đuổi được công việc, sự nghiệp thì không nhiều người chọn đi ngược lại với mong đợi của chồng và gia đình chồng về việc có con, cháu; gia đình cũng không đến mức bất hòa, lục đục.
Nếu chị em muốn và có khả năng, họ hoàn toàn có thể theo đuổi sự nghiệp, song song với việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Để phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, rất cần sự đồng hành của người chồng và gia đình 2 bên. “Nếu người vợ muốn và thấy cần thiết phải học tập, phát triển sự nghiệp, tạm hoãn chuyện sinh con thì hoàn toàn có thể trao đổi cùng chồng về nguyện vọng và kế hoạch của mình. 2 người nên thảo luận và thống nhất về thời điểm phù hợp để có con, trách nhiệm của cả 2 cho việc này như thế nào để tạo điều kiện cho việc sinh nở, chăm sóc con cái tốt nhất nhưng vẫn đảm bảo cho cả 2 có thể phát triển sự nghiệp riêng” - thạc sĩ Mộng Chi khuyên.
Theo thạc sĩ Quang Thị Mộng Chi - giảng viên Khoa Tâm lý, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM - quyết định kết hôn với một người có nghĩa là mỗi người không chỉ sống với người bạn đời của mình mà còn có mối quan hệ liên đới đến gia đình đôi bên. Nhiều người vẫn còn tư tưởng xa xưa - “đi lấy chồng là phải phục vụ cho nhà chồng, dù có sống chung với gia đình chồng hay không”. Quan điểm này còn khá nặng nề ở các bậc phụ huynh, trái ngược với những phụ nữ trẻ hiện nay theo quan điểm độc lập, tự do và bình đẳng. Do đó, nhiều cô gái trẻ ngần ngại không muốn lập gia đình, vì sợ sẽ bị gò bó, gượng ép. Hơn nữa, nhiều câu chuyện mâu thuẫn nảy sinh từ mối quan hệ gia đình chồng/vợ khiến một số người ngại kết hôn, đặc biệt là phụ nữ. |
Nguyễn Cẩm