Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM trở lại chế độ làm việc 40 giờ/tuần

23/12/2020 - 07:42

PNO - Sở yêu cầu thực hiện chế độ mỗi tuần làm việc 40 giờ trong năm ngày, bảo đảm thực hiện nghiêm túc Quyết định 188/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 29/1999/CT-UB-VX của UBND TPHCM

Sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM đăng bài "Vụ hành hung cán bộ ở Bình Triệu có liên quan đến quy định tăng giờ làm?" nêu ý kiến của ông Võ Văn Phúc - Phó trưởng Phòng Tiếp nhận, Tư vấn, Tâm lý trị liệu, Giáo dục phục hồi hành vi của Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu - phản đối thông báo tăng giờ làm việc từ 40 lên 48 giờ/tuần, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM đã có văn bản số 38056/SLĐTBXH-VP điều chỉnh vấn đề này.

Thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần 

Theo văn bản trên, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề nghị thủ trưởng các đơn vị trực thuộc phải tập trung chấn chỉnh, rà soát, thực hiện tốt chế độ làm việc, nghỉ ngơi, làm thêm giờ, chế độ trực theo đúng quy định pháp luật về lao động, bảo đảm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động cho viên chức, người lao động.

Các cơ sở thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ điều chỉnh giờ làm đúng quy định - Ảnh tư liệu
Các cơ sở thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ điều chỉnh giờ làm đúng quy định - Ảnh tư liệu

Cụ thể, sở yêu cầu thực hiện chế độ mỗi tuần làm việc 40 giờ trong năm ngày, bảo đảm thực hiện nghiêm túc Quyết định 188/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 29/1999/CT-UB-VX của UBND TP.HCM; yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành, bảo đảm hoàn thành khối lượng công việc trong tuần, không để bị tồn đọng, ách tắc, thực hiện đủ 8 giờ làm việc/ngày với trách nhiệm công tác và năng suất lao động cao.

Các đơn vị sự nghiệp gồm cơ sở cai nghiện ma túy, trung tâm bảo trợ xã hội, với tính chất công việc là trực tiếp quản lý và chăm sóc các đối tượng, phải thực hiện công việc liên tục 24/24 giờ, nếu không nghỉ vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần thì phải sắp xếp, tổ chức chế độ ca, kíp hợp lý trên cơ sở biên chế hiện có, song song với sắp xếp cho viên chức, người lao động nghỉ vào ngày khác trong tuần đúng quy định.

Khi tổ chức làm thêm giờ, thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm bảo đảm số giờ làm thêm của viên chức, người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày. Tổng số giờ làm việc bình thường và làm thêm không quá 12 giờ/ngày, tổng số giờ làm thêm tối đa không quá 40 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm.

Riêng các cơ sở cai nghiện ma túy, do đặc thù công việc phức tạp (quản lý người nghiện), công việc liên tục 24/24 giờ nên tùy vào tình hình thực tế, đơn vị có thể bố trí viên chức, người lao động làm thêm giờ để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng không vượt quá số giờ quy định của UBND TP.HCM về cho phép tạm thời thực hiện một số chế độ, chính sách xã hội tại các cơ sở xã hội, cơ sở chữa bệnh.

Cấp sở không có thẩm quyền điều chỉnh giờ làm việc 

Như chúng tôi đã phản ánh trong bài "Vụ hành hung cán bộ ở Bình Triệu có liên quan đến quy định tăng giờ làm?" (đăng ngày 14/12), thông báo số 22183/SLĐTBXH-VP ngày 11/8/2020 của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chỉ đạo tăng giờ làm việc từ 40 lên 48 giờ/người/tuần đã gây bức xúc, xáo trộn tại các đơn vị trực thuộc. Ngoài ông Phúc tại cơ sở Bình Triệu, còn có khiếu nại của ông Võ Duy Vân tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và việc thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức, người lao động.

Theo ông Phúc, ngoài vi phạm các quy định hiện hành, việc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM không gửi thông báo 22183 đến các cơ quan cấp trên để báo cáo là sai, vì nội dung công văn này điều chỉnh quy định pháp luật chứ không phải văn bản hướng dẫn.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Phạm Anh Thắng - Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TPHCM - cho rằng về nguyên tắc, việc điều chỉnh số giờ làm việc từ 40 lên 48 giờ/tuần đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI