Số lạ

26/04/2016 - 08:10

PNO - “Cháu ơi, mua giùm bà tờ vé số”. Bà lão dáng gầy nhỏ, lưng còng bước vào quán, mời khách mua vé số bằng âm giọng khan khan của tuổi già.

Bà không chìa xấp vé vào mặt người mời, chỉ cầm trên tay. Người chịu mua chìa tay ra thì bà trao; người không mua lắc đầu thì bà bước sang bàn khác. Người mua thì bà cảm ơn và “chúc cháu/cô/ cậu may mắn”. Người không mua bà cũng cảm ơn. Sự lịch thiệp của bà lão khiến người ta không thể bỏ qua một giọng mời đã bị tuổi tác bào mòn theo năm tháng.

Bà cho biết mì nh đã 72 tuổi. Lứa tuổi đúng ra được nghỉ ngơi vui vầy cùng con cháu. Nhưng bà vẫn miệt mài bán vé số trên chiếc xe đạp cọt kẹt bung vè, sứt thắng. Tôi mời bà ăn tô bánh canh, bà lắc đầu “qua còn đi bán”. Tôi bảo dù sao cũng phải ăn, bà cứ từ từ cho ông thần may mắn nhìn mặt tụi con với. Bà cười theo câu đùa vui. Rằng cái số của bà lạ lắm. Hồi trẻ có chồng, sinh đứa con trai vừa 10 tuổi thì bỗng dưng một ngày chồng nói “Mười hai năm nay tôi tạo dựng và thương yêu mẹ con em đủ rồi nghen. Giờ tôi xin phép em để tôi sống cho mình”. Bà còn ngơ ngác thì chồng đi… vô chùa không hẹn ngày gặp lại.

So la
Ảnh minh họa: Internet

Mấy công ruộng chồng tạo dựng cũng đủ cho hai mẹ con sinh sống. Hàng ngày bà đan lát, hết đan đệm tới đan bồ. Người con 22 tuổi đang đi làm thợ hồ mạnh khỏe vậy mà một bữa ngủ dậy… nói bá láp. Bạn bè bảo nó bị thất tình vì cô người yêu sắp cưới bỗng dưng nói lời chia tay.

Bà bán ruộng đất để chữ  bệnh cho con. Nhưng con cứ nay vầy mai khác. Lúc nói liên hồi kỳ trận, khi thì lặng im như tượng đá; việc làm có lúc thật chăm chỉ, có khi chủ bảo một đường nó làm một nẻo.

Hai mươi năm. Đứa con đó nay đã vào tuổi trung niên. Mười mấy năm rồi nó không làm gì cả, ở nhà mắc võng treo mình lên và nói như bắp rang. Đói thì đi lục cơm, không thì hoa trái quanh nhà nhấm nháp.

Bà ngồi đan lát mấy mươi năm khiến cột sống biến dạng, người gần như gập xuống. Ráng đứng thẳng lên thì lưng cứ như dấu hỏi. Như muốn hỏi trời, hỏi người xem sao mà đời mình lạ vậy. Nhưng không có ai trả lời. Rồi có người bày đi bán vé số, chạy xe đạp như tập thể dục vậy mà, tiền kiếm được cũng “tươi” hơn đan bồ đan bội. Ngày của bà bắt đầu từ 5g sáng, sau khi bắc nồi cơm sẵn cho người con. Đi tới 11g thì về. Mua thêm rau cá gì đó, qua quýt rồi đi bán giấc chiều cho đến 9g tối. Ngày bà bán trăm vé, có trăm ngàn để hai mẹ con rau cá.

Buôn bán có câu “hơn thua nhau ở đồng nài”, nhưng vé số thì không nài thêm đồng nào được. Vậy là bà chọn lời mời cho dễ nghe chút, người ta sẽ dễ chịu hơn.

Bà nói, vậy chứ hồi mới đi cũng mắc cỡ lắm, gặp cảnh những người trẻ tuổi bằng con cháu mà cứ quát nạt, xua đuổi là “rầu đứt ruột”. Rầu vì vé không bán được sẽ mất vốn mất lời, rầu vì có người bực dọc quá, giật xấp vé ném đi, dính bùn đất là xem như hết bán. Nhưng rồi “nghề dạy nghề”, mình không nói chuyện thời sự được như mấy ông đàn ông, không “tám mút mùa” được như mấy cô phụ nữ thì ráng luyện giọng mời sao cho dễ nghe, người ta thương nên không còn bị cảnh ế vé nữa.

Bà đi rồi, cái dáng cong cong như dấu hỏi ấy đã bơi đi trên chiếc xe đạp “thời tiền sử”, nhưng bên tai tôi cứ âm vang giọng mời run run nhẹ như mây, truyền cảm âm điệu của các bà tiên trong truyện cổ tích một thời mẹ kể.

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI