Số kiếp đàn bà?

26/02/2016 - 07:43

PNO - Hơn nửa đời làm vợ của họ là cam chịu, nhẫn nhịn, mãi đến tuổi xế chiều mới dám cháy một lần cho thỏa bao năm uất ức kìm nén.

So kiep dan ba?
Ảnh minh họa

Họ là những phụ nữ đã qua tuổi thanh xuân, tóc đã ngả màu nhưng vẫn chưa có được một ngày sống ý nghĩa trong đời. Hơn nửa đời làm vợ của họ là cam chịu, nhẫn nhịn, mãi đến tuổi xế chiều mới dám cháy một lần cho thỏa bao năm uất ức kìm nén.

Nhịn mãi thành... oán

“Chuyện cũ nên bỏ qua, mẹ cất giữ làm gì cho mệt”. Bà Nguyễn Thị Lành (TP.Bà Rịa - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) run giọng cắt ngang lời con gái: “Đến chết tao cũng không quên!”.

Cuộc hôn nhân hơn 40 năm mà bà Lành đã trải qua không hề có sự chia ngọt sẻ bùi mà chỉ có nước mắt và sự uất nghẹn nhốt chặt vào tim gan. Bà sống trong chán chường, tuyệt vọng nhưng không sao thoát ra được. Chồng bà là một người đàn ông gia trưởng, vũ phu, lời nói của ông trong nhà là mệnh lệnh, đúng hay sai bà vẫn phải răm rắp nghe theo.

Ông khắc nghiệt đến nỗi có bị đánh đập, mắng chửi oan ức, bà cũng cúi đầu im lặng, thậm chí có lúc còn phải quỳ lạy xin lỗi chồng. Không biết bao nhiêu lần bà phải tự tát vào mặt mình, một hình phạt do ông đặt ra. Từ miền Bắc cả nhà di cư vào Nam theo sự điều động công việc của ông.

Cuộc sống mới khó khăn, bà tất bật chạy chợ, làm mướn, một mình chăm sóc bầy con năm đứa và mẹ chồng nay ốm mai đau, ông không hề phụ giúp bất cứ việc gì. Lương giáo viên ba đồng ba cọc của ông không đủ vào đâu nhưng ông chẳng hề bận tâm lo lắng, bao thiếu hụt đổ hết cho bà gánh vác. Bà sống trong nỗi nhọc nhằn, cam chịu; bao cay đắng, uất ức chôn chặt vào lòng cho đến ngày con cái trưởng thành.

Bà Lành thật thà: “Người ta nói con cá làm thành con mắm - vợ chồng già thương lắm mình ơi, nhưng với tôi thương đâu không thấy, chỉ thấy oán hận vì đã phải chịu đựng quá nhiều”. Con cái nay đã thành đạt, chăm lo cho ông bà đầy đủ, lẽ ra đây là lúc họ được hưởng thụ một cuộc sống thanh thản, nhưng ông và bà thì chẳng thể bình yên vì bà bắt đầu “nổi loạn”.

Con gái bảo bà già rồi trái tính trái nết, khuyên ông ráng nhịn. Ông cũng tự nhận ra mình không còn quyền lực như xưa nên phớt lờ vợ. Còn bà, ai khuyên gì cũng mặc, bà cứ ra rả nhắc chuyện cũ, thường xuyên đay nghiến chồng. Bà bảo, có nói ra được mới nhẹ lòng. Bao u uất dồn nén cả đời đã thành oán hận trong bà.

Kìm kẹp một đời

Bà Nguyễn Thị An (H.Cần Giuộc, T.Long An) kể, bà lấy chồng từ năm 19 tuổi, lúc đó chồng bà chỉ mới 17, so tuổi lẽ ra bà phải “trên cơ” chồng nhưng ngược lại, bà cứ như tôi tớ của ông. Ông đánh đập bà như cơm bữa. Cha mẹ chồng cho mười công ruộng ra riêng, một tay bà mưa nắng tảo tần, ông chẳng bao giờ ngó đến việc nhà cửa, đồng áng.

Trong nhà, ông là người quản lý tiền bạc dù những đồng tiền ấy do bà vất vả sớm hôm cày cấy, chăm từng con heo, con gà mà có. Ông riết róng đến mức không để bà giữ một đồng, bà đi chợ ông cũng kè kè một bên trả tiền, nhất định không để vợ cầm tiền. Mỗi năm ông sắm cho bà đúng hai bộ quần áo.

Đến khi bà lớn tuổi không còn sức cáng đáng việc đồng áng, ông vẫn không cho nghỉ ngơi mà bắt bà chăm đàn heo hơn chục con. Một lần bà cuốc vườn, giữa buổi ngồi xuống nghỉ mệt, thấy vợ ngưng làm, ông phóng con dao vào bà làm đứt ngón chân cái, nay bà vẫn bước đi khập khiễng.

Con cái thương mẹ nhưng sợ cha nên không ai dám bênh, mỗi lần thấy cha giận lên chỉ biết đưa mẹ đi trốn, chờ ông hạ hỏa thì van xin. Từ ngày về làm vợ ông đến nay, bà chưa đi đâu xa nhà quá mười cây số, vì ông không cho bà đi bất kỳ đâu, cũng không cho bà làm chứng minh nhân dân, nên 70 tuổi mà bà không có một giấy tờ tùy thân. Nhiều lần bị ông đánh, bà cũng muốn bỏ đi nhưng không có giấy tờ thì biết đi đâu, đành chịu phụ thuộc vào chồng.

Mấy tháng nay, con cái bà bỗng thấy mẹ thay đổi hẳn, cha nói gì không phải là mẹ phản ứng ngay. Ông hùng hổ bà không còn khiếp sợ mà bình tĩnh đối đáp. Ông chửi mắng, bà thẳng thừng xách đồ sang nhà con gái, mặc cho chồng lồng lộn.

“Trước đây tôi nhẫn nhịn, cam chịu cuộc sống cay đắng với ông ấy vì muốn êm cửa êm nhà; hơn nữa, tôi nghĩ phụ nữ là phải nhẫn nhịn chồng, như cái kiếp phận của đàn bà. Giờ tôi không nghĩ vậy nữa. Tôi bảo con gái, con dâu đừng sống như má, về già đầu óc sẽ không được thảnh thơi, muốn buông bỏ cũng phải xả hết mới nhẹ nhàng được” - bà tâm sự.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI