Tăng trưởng kinh tế tăng hơn 3%
Không có trong mười nội dung thi đua nhưng công tác phòng chống dịch COVID-19 đã trở thành nội dung chủ đạo, xuyên suốt trong năm tháng qua. Kết quả đạt được của “chỉ tiêu bất ngờ” này đã được các lãnh đạo thành phố tuyên dương.
Tham dự hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định, thành quả đó cho thấy một trách nhiệm rõ ràng, là thái độ của chính quyền thành phố trong góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Hơn thế, trong bối cảnh đó, ảnh hưởng lớn nhất chính là phạm vi hoạt động kinh tế bị thu hẹp, thành phố “không đi lại, không tiêu dùng” nhưng nhiều chỉ tiêu liên quan vẫn hoàn thành như: tăng trưởng kinh tế tăng hơn 3%, xuất khẩu tăng trưởng 7,3%, duy trì đóng góp ngân sách nhà nước ở mức 27%…
|
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên thi công vượt tiến độ một số hạng mục, đang trên đường về đích |
Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, ông rất mừng vì thành phố có 128 đơn vị phát động và đăng ký thi đua hơn 1.000 công trình, dự án; đợt 1 có 128/154 công trình, dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt 83% đầu việc trong tình hình dịch bệnh.
Bí thư đồng thời đánh giá cao một số cán bộ mà qua những cuộc bổ nhiệm, đã tạo nên “cú hích” ở lĩnh vực phụ trách. Đơn cử, kể về việc ông Bùi Xuân Cường nhận trọng trách Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, Bí thư nói vui “như xông vào chỗ chết”. Khi ông Cường về nhận nhiệm vụ, nơi này được xem là… mớ hỗn độn với 1/3 nhân sự bỏ đi, nợ ngập đầu và các đối tác đang muốn khởi kiện.
“Thành ủy gửi sự tin cậy vào ông Cường và năm ngoái vẫn không đạt tiến độ thì năm nay đã vượt tiến độ” - Bí thư Nhân nói và cho biết, chính không khí có được từ phong trào thi đua của ban này trong thời gian qua cũng tạo sự lan tỏa, khiến các nhà thầu… bắt tay thi đua hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài tuyến metro số 1 vượt kế hoạch, dự án tuyến metro số 2 cũng đã ở công đoạn bàn giao mặt bằng. Dự kiến, trong tháng Sáu này sẽ hoàn thiện công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng.
Bí thư đúc kết: “Đó chính là giá trị của thi đua, xác định được người dám đương đầu, dám đi vào chỗ “chết” để tìm ra con đường sống”.
Ngoài ra, hội nghị cũng cho thấy nhiều thành tựu đáng trân trọng, đặc biệt ở một số nội dung thi đua có sự hưởng ứng của người dân. Như, Chỉ thị 19 về cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, đạt 187/322 phường, xã, thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch; Chỉ thị 23 về trật tự xây dựng đã kéo giảm từ 8,5 vụ vi phạm/ngày còn 6,5 vụ/ngày, tỷ lệ giảm 77,3%, vượt chỉ tiêu đề ra 50%.
Dù vậy, về công tác trật tự xây dựng, Bí thư phê bình sự thực hiện không đồng đều khi quận 3 chỉ giảm 24%, quận 10 chỉ 20% và quận 5… tăng 6,1%, còn huyện Nhà Bè cũng tăng 28,6%. Riêng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan ở huyện Bình Chánh mà Báo Phụ Nữ TPHCM phản ánh, theo Bí thư, là một câu chuyện rất đáng lo với thực tế trong thời gian dài, nơi này không hề cho thấy có ý chí muốn chấn chỉnh hoạt động xây dựng vi phạm.
Huyện Bình Chánh ngoại cuộc trong đăng ký thi đua
Hội nghị cũng chỉ ra không ít hạn chế, cần sự nỗ lực hơn của các đơn vị. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lo lắng ở kết quả đầu tư công, dù so với cùng kỳ tăng gấp ba nhưng vẫn ở tỷ lệ 9%, trong khi cả nước là 30% và trở thành địa phương giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước.
Riêng chỉ tiêu đề án thành lập Công ty cổ phần Vận hành Trung tâm An toàn thông tin TPHCM được phê duyệt từ hơn một năm trước, đến nay trung tâm vẫn chưa ra đời. Hay, chỉ số cạnh tranh địa phương, chỉ số cải cách hành chính thực tế được thăng mức từ khá lên tốt, nhưng xếp hạng vẫn tụt dốc. Bí thư chỉ ra nguyên nhân là do các nơi khác tiến nhanh, tiến vượt bậc. Ông nhận định: “Chúng ta có trách nhiệm hoàn thiện môi trường đầu tư, với hạng mức này thì cả nhiệm kỳ sẽ không hoàn thành chỉ tiêu”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM kiêm Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng, cũng chung sự lo lắng. Ông kể, để chuẩn bị cho buổi sơ kết này, tức trước ngày 30/4 (do ảnh hưởng COVID-19, hội nghị được dời lại đến ngày 19/5 - PV), ông có đề nghị Sở Nội vụ đánh giá sơ bộ kết quả thi đua thì đều chưa đạt yêu cầu, chưa thể hiện đầy đủ tinh thần đã đăng ký. “Khi sơ kết, mình phải đối chiếu cái làm được với cái mình đăng ký, như vậy mới thực chất, khen thưởng mới tạo sức động viên, có giá trị lan tỏa và thi đua mới có sự tác động thực sự, không hình thức, không phô trương” - ông Phong nói.
Sau đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ ra nhiều thiếu khuyết khiến ông chưa hài lòng. Đặc biệt, vụ việc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, thành phố tích cực triển khai thực hiện kết luận nhưng có một số việc các sở ngành còn rất chậm.
Ông Phong nói: “Điển hình là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tôi giao việc nhưng xử lý rất chậm trễ khiến tôi rất bức xúc”. Ông Phong cho biết, mới đây, trong cuộc làm việc với Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về thực hiện kết luận, Phó thủ tướng đã đặt ra yêu cầu thành phố phải khẩn trương và trách nhiệm mà giao việc cho sở này thì không xử lý, không trình hoặc chưa có kế hoạch.
Tương tự, sự ngoại cuộc của huyện Bình Chánh trong phong trào đăng ký thi đua cũng khiến Chủ tịch Phong bức xúc. Bởi, ở thời điểm các đơn vị đã hoàn thành đăng ký chỉ tiêu thi đua, huyện này vẫn không đăng ký, kể cả Chỉ thị 19 về cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch mà Chỉ thị 23 về lặp lại trật tự xây dựng cũng không.
Tuyết Dân