Áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình tố tụng, xét xử sẽ rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết một vụ án
Dịch COVID-19 kéo dài, cản trở nhiều hoạt động xã hội, trong đó có hoạt động tố tụng, xét xử và làm phát sinh nhiều tranh chấp là hậu quả của dịch bệnh. TP.HCM có tỷ lệ tranh chấp đến tòa đứng đầu cả nước đã và đang tạo áp lưc to lớn cho thẩm phán, ngành tư pháp. Đơn cử, ở TAND TP. Thủ Đức, một tháng nếu đình trệ xét xử sẽ gây tồn đọng khoảng 500 vụ việc. Nhưng “công lý phải được thực thi nhanh chóng và chính xác” là mong muốn của tòa án, luật sư và là niềm tin nhân dân gửi gắm. Việc trì hoãn vì bất kỳ lý do gì đều ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết án, tác động nền kinh tế khi lượng tài sản tranh chấp bị “bất động” trong sự chờ đợi các phán quyết.
Tháng 7/2021, TAND tối cao TP.HCM phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, xây dựng bước tiến để chung sức thực hiện “chuyển đổi số quốc gia” đã được đề cập tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Tòa án điện tử nếu chỉ xây dựng theo hướng công khai các phán quyết lên cổng thông tin hay chỉ dừng ở cải cách tổ chức bộ máy thì vẫn không mang lại lợi ích thực sự cần thiết cho người dân. Tòa án điện tử cần phải áp dụng không chỉ công nghệ thông tin trong giải quyết án, quản lý dữ liệu mà còn xây dựng và đưa “tố tụng điện tử” vào thực hiện một cách nhanh chóng.
Thủ tục tống đạt rất quan trọng nhưng hiện là thủ tục gây rất nhiều trở ngại cho tiến độ giải quyết án dân sự. Trong hình sự, việc triệu tập người bị tố giác hay các cá nhân, tổ chức liên quan cũng đang gặp trở ngại, đặc biệt là những bộ phận không hợp tác, kéo dài thời gian trước khi đến làm việc với cơ quan điều tra. Vì vậy, tháo gỡ nút thắt hình thức tống đạt là căn cơ để thực hiện các bước tiếp theo của tiến trình tố tụng.
Thực tế hiện nay việc tiếp cận hồ sơ vụ án của các luật sư còn gặp nhiều trở ngại, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho không chỉ luật sư mà còn chính các công chức tòa án (đi photocoppy hoặc phải ngồi “canh giữ” hồ sơ trong khi luật sư tiếp cận sao chụp). Mặt khác, nếu các vụ đại án với khối lượng lớn tài liệu chứng cứ thì khả năng không thể chờ sự cung cấp của tòa án một cách đầy đủ. Việc chậm tiếp cận tài liệu này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người dân vì phụ thuộc hoàn toàn vào tòa án quyết định thời gian xét xử.
Cạnh đó, để có thể thu thập chứng cứ một cách nhanh chóng và chuẩn xác, các điều tra viên hay thẩm phán đều phải căn cứ vào nguồn thông tin từ các cơ quan quản lý hành chính và cá nhân, cơ quan tổ chức khác. Nếu thời gian thu thập kéo dài đồng nghĩa ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án và quyền lợi của người dân.
Để kịp thời khôi phục hoạt động của ngành tòa án trong thời gian tới, nhất là phù hợp với trạng thái “bình thường mới”; một vài phương pháp có thể áp dụng nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thiểu khối lượng công việc: Một là tống đạt cải tiến: tới đây, khi Bộ công an đồng bộ các dữ liệu về cư dân cần mạnh dạn kết hợp phương thức tống đạt truyền thống và hiện đại, ưu tiên tống đạt điện tử như qua thông báo trên điện thoại hoặc email cá nhân, điện thoại hoặc email nơi công tác; thay vì chỉ thực hiện tống đạt tại nơi cư trú như hiện nay. Các hoạt động này buộc phải lưu giữ bằng chứng về hoàn thành thực hiện tống đạt.
Hai là xây dựng hệ thống phòng xử án điện tử kết hợp xét xử trực tuyến: xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử cho vụ án và dữ liệu này được phân cấp theo cấp độ được phép truy cập. Các tài liệu trong hồ sơ phải được cập nhật theo các phần mềm dữ liệu để các bên có thể tiếp cận đầy đủ và nhanh chóng theo mã nhận dạng mà không phải tốn thời gian, chi phí photocoppy tài liệu, giúp bảo vệ môi trường. Riêng hệ thống dữ liệu hồ sơ nghiên cứu của thẩm phán, điều tra viên được bảo mật để có thể nghiên cứu và ghi chú mà người khác không thể nhìn thấy các ghi chú đó. Hệ thống này sẽ kiểm soát được tốc độ xử lý công việc của tòa án và thẩm phán, giúp đẩy nhanh tốc độ giải quyết án.
Xây dựng phòng xử án điện tử kết hợp xét xử trực tuyến thông qua thiết bị vô tuyến mà không dùng hệ thống mạng của tòa án giúp có thể chia sẻ hình ảnh thuận tiện, không bị ảnh hưởng tính bảo mật. Xây dựng hệ thống “phòng thẩm vấn nhân chứng trực tuyến” tạo điều kiện cho nhân chứng ở xa vẫn có thể trình bày tại phiên tòa một cách trung thực hơn là các lời trình bày trên giấy rồi xin vắng mặt như tình trạng hiện nay, tăng tính trung thực trong lời khai nhân chứng và tiết kiệm thời gian di chuyển.
Ba là xây dựng Quy trình tố tụng điện tử: tố tụng điện tử bao gồm tòa án điện tử, quản lý điện tử, hồ sơ điện tử. Cùng với việc áp dụng các Luật liên quan như Luật giao dịch điện tử, các quy tắc sử dụng chữ ký điện tử; quy trình tố tụng điện tử cho phép người dân tiếp cận với toàn bộ quy trình tố tụng bằng hệ thống thông tin điện tử, các phần mềm. Người dân có thể nộp đơn từ bất cứ đâu và bất cứ lúc nào mà không cần phải đến tòa án. Cũng từ đó, việc điện tử hóa bút lục sẽ nhanh chóng và giúp cải tiến toàn diện việc quản lý bút lục tố tụng, giúp tăng hiệu quả quản lý văn bản. Tương tự, hồ sơ nộp giấy cũng sẽ được điện tử hóa và đăng ký vào hệ thống, trừ các trường hợp ngoại lệ.
Quy trình tố tụng điện tử còn cho phép việc đưa vào các tài liệu âm thanh, hình ảnh nhằm phục vụ cung cấp chứng cứ thuận tiện; Giúp các phiên xử tập trung vào các tài liệu chứng cứ đã được chủ tọa phê duyệt đưa vào chứng cứ điện tử, tránh sử dụng các tài liệu phát sinh một cách quá đà không kiểm soát gây ảnh hưởng chất lượng tranh tụng và thời lượng xét xử. Từng bước xây dựng quy trình tố tụng điện tử và quy chuẩn sử dụng các văn bản điện tử trong quá trình tiến hành tố tụng sẽ giúp việc quản lý hồ sơ nhanh chóng, không bị bỏ sót và nâng cao hiệu quả giải quyết án, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với tính minh bạch của nền tư pháp.
Thạc sĩ - Luật sư Lê Thị Hồng Vân Đồng Trưởng chi nhánh TP.HCM - Công ty Luật TNHH Bizlink,
nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.