Số hóa bảo tàng

12/09/2024 - 07:03

PNO - Số hóa là xu thế mà các bảo tàng tại TPHCM không thể đứng ngoài. Tuy nhiên, số hóa như thế nào để phù hợp với điều kiện thực tế, đạt hiệu quả trong việc lưu trữ thông tin, phục vụ tốt cho nhu cầu của du khách là điều không đơn giản.

Xu thế bắt buộc

Dịp kỷ niệm 45 năm Bảo tàng Lịch sử TPHCM, đơn vị cho biết đã phối hợp với Công ty Vietsoftpro giới thiệu phần mềm thuyết minh tự động. Phần mềm này giúp công chúng có thêm trải nghiệm cá nhân khi có thể nghe, nhìn một cách trực quan, sinh động. Về khâu quản lý, vận hành, phần mềm cũng giúp đơn vị đạt hiệu quả hơn khi tận dụng được sự tiên tiến của công nghệ.'

Sắp tới, khi đến Bảo tàng Lịch sử TPHCM, du khách sẽ có phần mềm giúp tìm hiểu kỹ hơn về thông tin của các hiện vật
Sắp tới, khi đến Bảo tàng Lịch sử TPHCM, du khách sẽ có phần mềm giúp tìm hiểu kỹ hơn về thông tin của các hiện vật

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM - cho biết: từ lâu, đơn vị đã ứng dụng chuyển đổi số vào bảo tồn và phát huy văn hóa. Ngày nay, đến bảo tàng, du khách có thể trải nghiệm quét mã QR, sử dụng màn hình chạm thông minh, xem triển lãm trực tuyến trên website hoặc có thể theo dõi thông tin về các hoạt động của bảo tàng trên fanpage… Trong hành trình mới, Bảo tàng Lịch sử TPHCM muốn tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho công chúng bằng phần mềm tối ưu các tiện ích.

“Qua nghiên cứu, chúng tôi nắm được sở thích, nhu cầu của du khách khi đến với bảo tàng. Số khách là người trẻ rất đông và họ có nhu cầu tìm hiểu sâu về di sản, văn hóa nhưng không chỉ nghe mà còn cần nhìn. Chúng tôi tham khảo cách làm trong chuyển đổi số của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quốc gia… Cách thức triển khai của họ khá tốt, phù hợp với trình độ khoa học, công nghệ của Việt Nam cũng như hướng đi của đơn vị nên chúng tôi có động lực triển khai” - ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Tại TPHCM hiện nay, dạo quanh một số bảo tàng, dễ thấy những chỉ dấu của việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong phục vụ khách tham quan. Nếu trước đây chỉ có 1-2 bảo tàng sử dụng màn hình chạm thông minh để du khách có thể lướt trải nghiệm thông tin về bảo tàng trước khi tìm hiểu sâu thì nay đa số các bảo tàng công lập tại thành phố đều đã ứng dụng số. Chỉ cần quét mã QR, khách tham quan sẽ nắm được thông tin về cổ vật đang trưng bày. Thường thông tin hiện trên điện thoại đầy đủ hơn các nội dung được dán bên cạnh hiện vật. Ví như nội dung xem trực tiếp chỉ có cơ bản về tên hiện vật và niên đại thì khi quét mã sẽ có thông tin về bối cảnh lịch sử, quá trình tìm được cổ vật…

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là một trong những đơn vị thực hiện số hóa khá toàn diện. Tại đây, du khách tra cứu thông tin rất dễ dàng và có thể không cần đến người thuyết minh. Với khách tham quan một mình, các app giúp vừa xem cổ vật vừa được nghe thuyết minh tự động qua tai nghe sẽ giúp họ có trải nghiệm tốt hơn.

Thách thức không nhỏ

Ông Hoàng Anh Tuấn nói, cách đây hơn 1 năm, đơn vị đã làm việc với đối tác để chuẩn bị ra mắt phần mềm thuyết minh. Nhưng đến nay, các khâu hoàn thiện vẫn đang tiếp tục. “Chúng tôi đã có thời gian bàn bạc, góp ý và mời đại diện một số cơ quan báo chí, khách mời đến trải nghiệm. Sau quá trình chạy thử, chúng tôi muốn đa dạng giọng đọc và hoàn thiện các phát âm, bởi có rất nhiều tên nhân vật thuộc tiếng Anh, Pháp, Ấn Độ… nên cần thời gian nâng cấp. Chúng tôi muốn khi ra mắt, khách hàng sẽ hài lòng với chất lượng phục vụ, không phải chỉnh sửa gì thêm; vì việc chỉnh sửa, rút kinh nghiệm sau đó, dù có làm tốt cũng sẽ đánh mất uy tín mà chúng tôi đã gầy dựng trong bao năm” - ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Nhiều bảo tàng tại TPHCM thực hiện số hóa để tăng trải nghiệm cho du khách
Nhiều bảo tàng tại TPHCM thực hiện số hóa để tăng trải nghiệm cho du khách

Với các bảo tàng tư nhân, kinh phí để đầu tư số hóa là một thách thức lớn. Chia sẻ với chúng tôi, bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài - cho biết, các bảo tàng công lập sẽ có điều kiện thực hiện số hóa nhờ các gói đầu tư từ Nhà nước, còn với bảo tàng tư nhân như bà, số hóa là mục tiêu ngoài tầm với.

“Muốn số hóa, phải có số tiền lớn để đầu tư trang thiết bị. Nhưng chỉ tiền thôi chưa đủ, vì còn cần đến con người. Ở các bảo tàng, lượng thông tin cần số hóa là rất lớn. Ngoài đòi hỏi đội ngũ để nhập liệu, khâu vận hành trên môi trường số như thế nào cho hiệu quả cũng cần người đảm nhận. Ở đây, số hóa cần các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng kết hợp cùng chuyên gia công nghệ thông tin. Dù tôi biết số hóa đang là xu hướng, nhưng với đơn vị tư nhân như Bảo tàng Áo dài, chúng tôi cần tìm hướng đi khác phù hợp với thực tế” - bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết.

Các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa đều nhận thức rất rõ về hiệu quả mang lại khi ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, vận hành. Dù vậy, để số hóa thành công là quá trình không dễ, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và bước đi phù hợp với điều kiện thực tế.

An Trịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI