Sở GTVT Hà Nội chỉ rõ thủ phạm “lốt xe 600 triệu”

22/10/2015 - 06:24

PNO - Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, nhiều người cố tình gây nhiễu nhằm phục vụ lợi ích nhóm, ở đây là các bến xe.

Doanh nghiệp đi xin lốt xe: “Chuyện khó nói”

Chuyện lốt xe giá 500 – 600 triệu đồng khiến cho nhiều người cảm thấy bất ngờ nhưng không phải là thiếu căn cứ. Bởi nhiều chủ doanh nghiệp vận tải đang có xe tại bến Mỹ Đình cũng thừa nhận việc “ăn nên làm ra” phần lớn dựa vào khung giờ, hành trình xe chạy trên đường.

Anh Nguyễn Văn Yên, chủ xe chạy tuyến Yên Bái – Hà Nội chia sẻ: “Tâm lý hành khách thường di chuyển vào đầu và cuối cùng khung giờ các buổi. Chính vì thế, lốt xe chạy vào khung giờ này cực kỳ đông khách, có khi xe chưa xuất bên thì đã hết chỗ ngồi. Ngược lại, những xe chạy vào giữa khung giờ các buổi thì luôn trong tình trạng đìu hiu, kể cả đó là ngày cuối tuần”.

Nói về thông tin lốt xe có giá nửa tỷ đồng, ông Yên thừa nhận: “Có thể sẽ có giá đó nhưng có lẽ là giao dịch của các doanh nghiệp lớn, có nhiều xe chạy bến Mỹ Đình với các khung giờ khác nhau trong ngày. Chứ doanh nghiệp nhỏ lẻ, chỉ có 1 – 2 chiếc xe thì tôi khẳng định không có”.

So GTVT Ha Noi chi ro thu pham “lot xe 600 trieu”
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp giao dịch lốt xe giá cao sẽ xuất hiện tình trạng chạy chọt mua lốt rồi bán lại khiến giá vé tăng cao.

Anh Phạm Hồng Việt, 54 tuổi, chủ nhà xe tuyến Nghệ An – Mỹ Đình, TP. Hà Nội nhớ lại: “Năm 2011, tôi đi làm thủ tục xin lốt xe chạy tuyến. Vì là tuyến đường dài, nên yếu tố lốt xe là điểm then chốt.

Mặc dù đã tìm hiểu kỹ càng nhưng tôi vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu không chấp thuận vì khung giờ của mình đã có xe khác chạy. Nên kế hoạch kinh doanh phải thay đổi, khó khăn lắm tôi mới xin được lãnh đạo chấp thuận cho lốt xe chạy muộn hơn 30 phút so với dự tính”.

Anh Việt còn cho biết, phải mất cả tháng trời mới làm xong thủ tục xin lốt xe, khó khăn này đến từ cả hai đầu Sở GTVT điểm đi và điểm đến. “Nhiều nhà xe khác cũng từng chia sẻ với tôi thông tin tương tự. Thời buổi bây giờ làm ăn khó khăn nên chỉ còn biết chấp nhận, cố gắng chèo kéo nhiều khách để bù vào” – anh Việt thật thà nói.

Đồng quan điểm với anh Việt, một giám đốc doanh nghiệp có kinh nghiệm trong vận tải trên tuyến Hà Nội - Nam Định cho biết, để có một lốt xe chạy, doanh nghiệp phải tự mày mò đến Sở GTVT, bến xe tìm hiểu còn (lốt xe) hay không. Nhiều khi, ý định kinh doanh phải thay đổi hoàn toàn vì hết chỗ.

“Quy trình này thông thường mất 5 ngày nhưng nhiều khâu phải lâu hơn, như cán bộ lãnh đạo đi vắng” - vị giám đốc này nói. Còn về tiêu cực, giám đốc này cho hay: “Cũng có như các ngành khác nhưng không nói được. Ví dụ, mình đưa tiền cho người ta ký vào giấy tờ thì mới nói được”.

Ngoài ra, vị giám đốc này cũng thừa nhận chuyện doanh nghiệp sang nhượng lốt xe với nhau, giá có thể lên tới cả tỷ đồng. Điều này phụ thuộc vào giờ đẹp - xấu, đông hay vắng khách và chất lượng xe. 

Do nhóm người muốn điều chỉnh chính sách kiếm lợi?

Ngày 21/10, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng về thông tin “bán lốt xe giá 600 triệu đồng”, khiến dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày vừa qua.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, không có chuyện xin một “lốt” xe ở bến xe Mỹ Đình có giá 500 – 600 triệu như Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nêu trong "Cuộc họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam" ngày 15/10.

So GTVT Ha Noi chi ro thu pham “lot xe 600 trieu”
Từ năm 2013, Sở GTVT Hà Nội không cấp lốt mới cho doanh nghiệp kinh doanh ở bến xe Mỹ Đình.

Mặc dù vậy, ông Linh thừa nhận có xảy ra quá trình “chuyển nhượng” lốt xe giữa các doanh nghiệp với nhau. Cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp vào giao dịch này.

Ông Linh cũng thông tin, cho đến hiện tại, không có một doanh nghiệp vận tải nào phản ánh về tình trạng tiêu cực trong quá trình làm thủ tục lốt xe. Việc các doanh nghiệp vận tải cạnh tranh lẫn nhau, tung ra các tin đồn tiêu cực khiến cho công tác quản lý của cơ quan ban ngành nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Thực tế, từ năm 2013 đến nay, bến xe Mỹ Đình không cấp phép lốt mới cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Cho nên việc thanh - kiểm tra thông tin ông Thăng đưa ra gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, ông Linh đề cập đến câu chuyện lợi ích nhóm đang xảy ra hiện nay giữa các bến xe ở Hà Nội. Chính vì lợi ích nhóm, nên mới xảy ra những thông tin gây nhiễu như vậy.

“Có người lợi dụng mối quan hệ và những yếu tố khác để điều chỉnh cơ chế chính sách nhằm phục vụ cho một nhóm lợi ích nhỏ. Nhóm lợi ích nhỏ ở đây chính là các bến xe”, ông Linh nói.

  • Chi Nam
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI