Sở Giao thông Vận tải TPHCM "than" lương không đủ sống

30/07/2020 - 19:25

PNO - Ngày 30/7, HĐND TPHCM tổ chức giám sát Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trong thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính và Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Tại cuộc giám sát, Sở GTVT cho biết, định mức khoán kinh phí quản lý là 125 triệu đồng/công chức áp dụng từ năm 2017 đến nay đã không còn phù hợp, ảnh hưởng lớn đến đời sống và tinh thần làm việc của “anh em”.

Hơn nữa, định mức này được xây dựng tại thời điểm các sở, ban, ngành còn được để lại một phần số thu phí, lệ phí để trang trải chi phí cho công tác thu phí, lệ phí. Sau khi Luật Phí và lệ phí năm 2015 có hiệu lực, Sở Tài chính vẫn áp dụng định mức này là không phù hợp.

Sở GTVT kiến nghị Sở Tài chính kiểm tra việc xây dựng định mức khoán này và nghiên cứu tăng định mức khoán đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ thu phí hoặc cho phép để lại một phần tiền phí thu được.

Đại diện Sở GTVT TPHCM than thở những khó khăn liên quan đến tài chính
Đại diện Sở GTVT TPHCM trình bày những khó khăn liên quan đến tài chính

Đáp lại, Sở Tài chính cho rằng, không có chuyện giữ nguyên con số 125 triệu đồng/công chức từ năm 2017 đến nay. Thực chất, định mức này đã được điều chỉnh qua các năm, cụ thể năm 2018 là 131 triệu đồng/công chức; 2019 và 2020 là 138 triệu đồng/công chức.

“Thực tế qua các năm, Sở Tài chính nhận thấy Sở GTVT tiếp nhận được kinh phí định mức trên và vẫn đảm bảo chi tiêu hoạt đông của cơ quan mình” - Sở Tài chính cho biết.

Riêng việc Sở GTVT kiến nghị được giữ lại một phần phí thu được để trang trải, Sở Tài chính cho rằng khi Sở GTVT nộp 100% phí thu được vào ngân sách nhà nước thì ngân sách nhà nước cũng đã cắt đảm bảo lại cho các hoạt động phục vụ thu phí. Con số này qua các năm thể hiện là 80-90 tỷ đồng.

“Sở GTVT báo cáo từ năm 2015 đến nay, việc trích nguồn cải cách tiền lương không đảm bảo cho việc chi trả nên Sở Tài chính đã rà soát lại và khẳng định nguồn cải cách tiền lương của Sở GTVT vẫn đảm bảo được nhu cầu chênh lệch lương qua các năm” - Sở Tài chính quả quyết.

Ông Cao Thanh Bình - đại biểu HĐND TPHCM - cho rằng, Luật Ngân sách quy định rõ, Sở GTVT trước đây trích lại cho nguồn cải cách tiền lương của đơn vị không đủ; con số dư ra đã chia trước, hưởng trước nên bây giờ theo nguyên tắc sẽ phải thối lại. “Trong quá trình làm đã làm sai thì bây giờ, trước mắt Sở GTVT cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo thực hiện đúng quy định, tỷ lệ trích lại nguồn cải cách tiền lương phải đảm bảo đủ. Phải thực hiện theo đúng Luật Ngân sách, không khéo sau này xảy ra việc nghị quyết đã ban hành mà tổ chức không tuân theo” - ông Bình nói.

Phó chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết đối với những kiến nghị của Sở GTVT, bà chỉ lưu ý một điểm: “Khi “anh” kiến nghị điều gì thì phải đảm bảo những điều anh đã làm đúng, chứ “anh” kiến nghị mà lại mở ra “một trang” cho người ta thấy trước đây “anh” làm sai thì phải cân nhắc. Nói thế để biết mà kiến nghị”.

Tuyết Dân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Linh Ngô 30-07-2020 21:39:41

    Lương bao nhiêu cần công khai minh bạch để dân nhận xét đủ sống hay không? Dân lao đông cực khổ vẫn phải vun vén để sống. Còn các vị làm mà muốn ăn ngon và đi du lịch, nuôi cả gia đình... thì biết bao nhiêu cho đủ. Nếu khẳng định thế thì xin nghĩ việc, kiếm việc có thu nhập cao mà làm. Ngoài xã hội còn biết bao người không có việc làm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI