Sở GD-ĐT TPHCM nói gì về "lớp phương pháp mới”?

23/08/2023 - 08:21

PNO - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc nhận định: "Khi thực hiện Nghị quyết 04 và đổi mới giáo dục thì "lớp phương pháp mới" không thể tồn tại được”.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 bậc trung học TPHCM chiều 22/8, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - đánh giá, từ năm học 2023-2024, với Nghị quyết 04 của HĐND TPHCM quy định về các mức thu, khoản thu dịch vụ phục vụ giáo dục sẽ có nhiều tác động đến các hoạt động giáo dục nhà trường. Các trường cần tổ chức đa dạng hoạt động, loại hình song phải căn cứ vào nghị quyết, khung thu, đảm bảo đúng quy định về tài chính. 

“Tránh trường hợp xây dựng các lớp không đâu như “lớp phương pháp mới”. Kiểu lớp này không thể tồn tại được, không nằm trong quy định. Khi đề xuất tổ chức lớp phương pháp mới thì chẳng lẽ các lớp kia là phương pháp cũ, sự đổi mới nằm ở đâu. Như vậy, thấy rõ rằng nhà trường chưa chủ động trong thực hiện đổi mới” - ông lưu ý. 

Năm học 2022-2023 là năm đầu triển khai Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT
Năm học 2022-2023 là năm đầu triển khai Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT

Năm học 2022-2023 là năm đầu triển khai Chương trình GDPT 2018 bậc THPT với khối lớp 10. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, kết quả đánh giá khối 10 cuối năm học: 34,81% học sinh giỏi, 45,40% học sinh khá, số học sinh đạt là 18,13%, chưa đạt là 1,66%. 

Ông Nguyễn Bảo Quốc đánh giá, sau 1 năm thực hiện, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá ở bậc THPT dù đã quyết liệt song vẫn còn đang “rất chặt”, “rất cũ”.

Ông yêu cầu cán bộ quản lý cần nhìn nhận lại công tác giảng dạy khối 10 trong năm học vừa qua, bao nhiêu thầy cô đã đổi mới phương pháp giảng dạy trong mỗi tiết dạy, bao nhiêu trường đổi mới ra đề kiểm tra, bao nhiêu đơn vị có hệ thống bài học hỗ trợ thêm ngoài chương trình sách giáo khoa.

Các trường THPT cần suy nghĩ về việc tổ chức lớp học động với môn lựa chọn khối 10, không thể cứng nhắc như bây giờ. Trước nhu cầu học môn lựa chọn của học sinh ngày càng đa dạng thì nhóm bộ môn sẽ không thể giải quyết được. 

Riêng bậc THCS, theo ông vẫn có nơi triển khai chưa đồng bộ đổi mới giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Đến lớp 9 trường mới triển khai dạy học theo hướng giải quyết các vấn đề thực tiễn thì sẽ không kịp để điều chỉnh hỗ trợ giúp học sinh giải quyết các vấn đề một cách tốt nhất.

Giáo dục học sinh trước hết phải hướng đến dạy các em trở thành người con hiếu thảo
Giáo dục học sinh trước hết phải hướng đến dạy các em trở thành người con hiếu thảo

“Vai trò thủ lĩnh của hiệu trưởng cực kỳ quan trọng, quyết định thành công của đổi mới. Hiệu trưởng phải là thủ lĩnh, là người chủ động thay đổi, tác động đến đội ngũ cùng thay đổi. Chương trình mới không thể dạy theo lối cũ mà phải đổi mới quyết liệt thì mới đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu chương trình đề ra. Mục tiêu chương trình hướng đến là hình thành kiến thức cho học sinh qua từng hoạt động, qua sự thay đổi về phương pháp, hoạt động trên lớp, từ đó hình thành phẩm chất năng lực học sinh” - ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.

Lãnh đạo sở cho biết, năm học tới, sở sẽ trực tiếp xuống cùng đồng hành với trường về thay đổi phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, đảm bảo không thụt lùi so với chương trình.

Giáo dục trước hết phải hướng học sinh trở thành người con hiếu thảo

Ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM - nhấn mạnh, giáo dục trước hết phải hướng học sinh trở thành người con hiếu thảo, biết ơn, hành động biết ơn; học để đóng góp cho thành phố, đất nước.

Kế hoạch bài dạy không thể đối phó, mà phải mang tính cá thể, để học sinh tiếp cận tự tin. Chuyển đổi số không hình thức, mà cần có mục đích, giúp học sinh vượt qua chính mình, tự học, tiến bộ. Việc dạy học ứng dụng CNTT, Elearning hướng đến mục tiêu phát huy tính tự học, giúp học sinh hạnh phúc. 

“Giáo dục phải biến thành tự giáo dục ở người học qua hệ thống học tập, giúp học sinh tập dượt hàng ngày với công nghệ, nâng cao năng lực đọc hiểu, tự học” - ông Tân nêu.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI