Sở GD-ĐT TPHCM chỉ những lỗi học sinh hay mắc khi làm bài thi tuyển sinh lớp 10

27/05/2023 - 07:08

PNO - Chuyên viên văn, toán và tiếng Anh của Sở GD-ĐT TPHCM chỉ ra những lỗi sai, những quan điểm sai lầm nhưng vẫn được học sinh “truyền tai” dẫn đến mất điểm oan trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Môn Toán: Chủ quan ở các câu dễ

Ông Dương Bửu Lộc - chuyên viên môn Toán, Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, những lỗi sai học sinh hay mắc phải khi làm bài thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán dẫn đến mất điểm thường đến từ sự chủ quan. 

Cụ thể, học sinh thường tính toán sai ở những câu đơn giản; hiểu sai về sai số; hạn chế đọc hiểu các bài toán thực tế chỉ tập trung vào con số mà quên đi các từ khoá nên khó hình dung yêu cầu; chủ quan khi vẽ hình… Ngay cả học sinh giỏi vẫn mắc lỗi sai là chủ quan, làm tắt bước.

Để tránh những sai lầm này, ông Lộc khuyên học sinh cần nắm thật vững các kiến thức cơ bản, bám sát đề cương khi ôn tập, tự học để hình thành kỹ năng cho các dạng toán. 

Chuyên viên Sở GD-ĐT TPHCM chỉ ra những lỗi sai học sinh thường mắc khi làm bài thi tuyển sinh 10
Chuyên viên Sở GD-ĐT TPHCM chỉ ra những lỗi sai học sinh thường mắc khi làm bài thi tuyển sinh lớp 10

Đặc biệt, theo ông Lộc, học sinh thường gặp khó với dạng bài toán thực tế trong thi tuyển sinh do khó khăn khi đọc hiểu, thiếu kiến thức thực tế về đời sống nên khó hình dung các vấn đề như lãi suất tiền gửi, thể tích, chu vi…

“Nhiều học sinh khi ôn tập luôn miệt mài giải đề mà không chú trọng nắm vững kiến thức cơ bản. Học sinh nên ôn tập theo hệ thống kiến thức để hình thành kỹ năng, căn cứ theo năng lực bản thân. Đặc biệt, nếu đã nắm vững các phần kiến thức cơ bản thì không nên dành quá nhiều thời gian cho phần đó. Với những học sinh khá, giỏi, các em nên dành một phần thời gian thích hợp để rèn luyện thêm các dạng đề nâng cao với các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao. Điều quan trọng nhất khi làm toán là sự cẩn thận, tỷ mỉ, làm đến đâu cần chắc đến đó kể cả về phương pháp lẫn kết quả bài làm”- ông Lộc khuyên.

Môn tiếng Anh: Sai khi viết câu

Ông Trần Đình Nguyễn Lữ - chuyên viên môn Tiếng Anh, Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, kiến thức đề thi tiếng Anh không thoát ly ra ngoài sách giáo khoa, các chủ đề, chủ điểm đều là những nội dung học sinh đã được làm quen khi học.

Tuy nhiên, nhiều học sinh quan điểm rằng, đề thi tuyển sinh lớp 10 thì phải “thật khó”. Thay vì nắm vững từ vựng trong sách giáo khoa, các em tìm đến làm các phần bài cấu trúc ngữ pháp phức tạp song đề thi sẽ không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng nhiều về kỹ năng, từ vựng.

Ngoài ra, khi làm đề thi với các phần câu hỏi tự luận, học sinh thường viết sai nhiều, bao gồm các phần: Word Forms/Sentence transformation. Theo quy định, khi học sinh làm sai, dù chỉ là một lỗi nhỏ chính tả cũng sẽ mất điểm hoàn toàn câu đó.

“Khi học, học sinh không nên ôm đồm quá nhiều ngữ pháp, không nên chuyên trú làm các bài tập khó về ngữ pháp. Ngược lại nên rèn làm các dạng bài để hình thành kỹ năng, đọc nhiều bài đọc để ghi nhớ từ vựng. Khi học từ vựng, học sinh nên học theo chủ đề, có sự ứng dụng thực tế để dễ ghi nhớ, có sự hiểu để áp dụng trong những trường hợp cụ thể”- ông Lữ khuyên.

Quan điểm làm càng dài càng được điểm cao khiến nhiều học sinh làm bài văn lan man, không có điểm
Quan điểm làm càng dài càng được điểm cao khiến nhiều học sinh làm bài văn lan man, không có điểm

Quan điểm: Chấm chuyên khó hơn chấm thường

Chấm chuyên khó hơn chấm thường; Thi chuyên được chấm ở hội đồng riêng - là quan điểm thường gặp nhất ở học sinh thi tuyển sinh lớp 10 được ông Trần Tiến Thành - chuyên viên môn Ngữ Văn, Sở GD-ĐT TPHCM - chia sẻ.

Theo ông Thành, đây là quan điểm sai, vì thi chuyên hay thi thường cũng đều chỉ được chấm ở một hội đồng chấm thi. Giám khảo chấm thi sẽ không biết bài thi đó của thí sinh thi chuyên hay thi thường, vì thế sẽ không có chuyện “chấm khó” hơn.

Cạnh đó, nhiều học sinh quan điểm đề số 2 câu Nghị luận văn học - là đề khó, khó lấy điểm nên không khuyến khích làm. Tuy nhiên, thực sự đây là đề mở, tạo điều kiện để thí sinh bộc lộ khả năng. Thậm chí, đề này lại rất dễ lấy điểm nếu thí sinh có góc nhìn độc lập, nêu được quan điểm cá nhân trước một vấn đề nào đó, không học tủ, học vẹt. 

“Rõ ràng là các em phải đọc, phải hiểu và phải có kỹ năng làm bài. Tuy nhiên, đây là những cảm xúc rất thật. Các em có thể viết không hay nhưng chân thật, thể hiện đó là những suy nghĩ, tác động đến cá nhân các em… Như vậy là các em đã có điểm trong phần bài làm này” - ông Thành nói.

Cạnh đó, theo chuyên viên này một quan điểm sai lầm nữa khi làm văn đó là học sinh luôn cho rằng: viết càng dài thì càng được điểm cao. Điều này là hoàn toàn không đúng. Nhiều học sinh viết dài nhưng lan man, không đủ ý, viết như diễn giải văn xuôi thì không những không đạt điểm cao mà còn khiến giám khảo “rối” khi chấm bài.

Đặc biệt, tình trạng “bói đề, đoán đề” cũng là một quan điểm rất tai hại trong quá trình học sinh ôn tập môn văn. Nhiều em cho rằng, năm trước đề đã ra tác phẩm này, vấn đề này thì năm nay không ra nữa. 

“Nội dung đề thi tuyển sinh lớp 10 nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9, vì thế đề có thể ra vào bất cứ tác phẩm nào, ở một khía cạnh nào đó. Nếu bản thân học sinh học tủ, học vẹt thì chỉ cần thay đổi cách hỏi các em đã không thể làm được bài…” - ông Trần Tiến Thành lưu ý.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI