“Số đỏ”, “Truyện Kiều”, “Lão Hạc” lên phim: Văn học Việt là “mỏ vàng”?

06/04/2020 - 07:24

PNO - Nhiều dự án điện ảnh đang lấy cảm hứng, chuyển thể từ một số tác phẩm văn học Việt. Xu hướng này không mới nhưng cuộc chơi hiện tại đã khác trước.

Chưa bao giờ lỗi thời

Số đỏ là dự án phim màn ảnh rộng mới nhất được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng. "Cái bắt tay" giữa đạo diễn Phan Gia Nhật Linh và Số đỏ được kỳ vọng nhiều vì năm 2017, anh đã thành công với Cô gái đến từ hôm qua – phim chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh .

Chọn Số đỏ để làm phim là bước đi mạo hiểm của đạo diễn Nhật Linh bởi tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng từng được đưa lên màn ảnh rộng hồi năm 1990. Năm 2013, một lần nữa Số đỏ lại kết hợp với Kỹ nghệ lấy Tây  Cơm thầy, cơm cô để cho ra mắt phim truyền hình Trò đời.

Hình ảnh truyền thông cho dự án Số đỏ của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.
Hình ảnh truyền thông cho dự án Số đỏ của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh

Bộ phim Kiều được đạo diễn Phi Tiến Sơn chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, do Mai Thu Huyền chịu trách nhiệm sản xuất và đạo diễn cũng được đầu tư khá mạnh tay. Phim dự kiến ra mắt vào tháng 11/2020, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du. 

Trong chuỗi phim Việt mượn kịch bản từ văn học, Cậu Vàng, phim chuyển thể từ truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao là dự án điện ảnh được đặc biệt chú ý. Lần đầu tiên, một chú chó sẽ đảm nhận vai chính trong phim Việt. Quá trình tuyển chọn “diễn viên” này vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi ngay thời điểm công bố dự án, vì ê-kíp có ý định chọn giống chó Nhật thay vì giống chó thuần Việt.

Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học là chuyện không còn mới, thậm chí từ vài chục năm trước, nhiều tác phẩm đã ra đời: Vợ chồng A Phủ (1960) dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài; Chị Dậu (1980) chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố; Làng Vũ Đại ngày ấy (1982) được viết kịch bản từ Sống mòn, Chí PhèoLão Hạc của Nam Cao...

Sau này có Đất phương Nam (1997) chuyển thể từ Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi; Tôi vào đời (2000) dựa theo truyện ngắn Vào đời của nhà văn Tiến Đạt; Trăng nơi đáy giếng dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Thuỳ Mai... Gần hơn, điện ảnh Việt có Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; hay Tấm Cám: Chuyện chưa kể từ truyện cổ tích Tấm Cám do Ngô Thanh Vân sản xuất...

Đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền và hình ảnh quảng bá phim Kiều.
Đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền và hình ảnh quảng bá phim Kiều. Phim dự kiến quay vào ngày 2/4 nhưng vì dịch bệnh, ê-kíp hoãn thời gian bấm máy.

“Phim chuyển thể từ văn học Việt là cách làm không mới và từng có nhiều phim làm tốt. Các tác phẩm văn học được chọn dù phản ánh xã hội cũ, câu chuyện cũ nhưng không vì vậy mà chúng không phù hợp với khán giả hiện tại. Người xem vẫn muốn được nhìn ngắm khung cảnh ngày trước, xem lối sống và ứng xử giữa người với người thời xưa. Chọn văn học Việt tưởng lỗi thời nhưng lại là một hướng đi khôn ngoan dù không ít thử thách", PGS.TS Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - chia sẻ. 

“Mỏ vàng” không dễ khai thác

So với những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học trong thời gian gần đây, Số đỏ, Truyện Kiều, Lão Hạc là những tác phẩm đã quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả do được giảng dạy trong nhà trường. Đây là thách thức không nhỏ với ê-kíp thực hiện cả về mặt bối cảnh lịch sử lẫn phục trang, diễn xuất...

Truyện Kiều lấy bối cảnh vào đầu thế kỷ 19. Số đỏ tái hiện xã hội Việt Nam thời kỳ 1930-1945. Còn Lão Hạc kể về cuộc sống người nông dân trong giai đoạn thực dân nửa phong kiến trước năm 1945. Nếu có sai sót về không gian, thời gian, dự án coi như đổ sông đổ bể.

“Khi thực hiện Kiều, chúng tôi xác định sẽ đối mặt với nhiều thử thách về việc tìm bối cảnh. Sau nhiều tháng liền, đoàn phim đã tìm được bối cảnh ở 5 tỉnh, thành khác nhau, nhiều nhất là ở thành phố Huế. Làm phim cổ trang, phần trang phục cũng tốn rất nhiều kinh phí và yêu cầu phải thật chuẩn xác” - đạo diễn Mai Thu Huyền chia sẻ.

Hiện ê-kíp thực hiện Kiều đang chuẩn bị những khâu cuối cùng để bắt đầu quay khi dịch COVID-19 kết thúc. Trong giai đoạn này, Mai Thu Huyền cho biết các diễn viên đang tập phong thái diễn xuất, lời thoại để phù hợp với dòng phim cổ trang.

Ê-kíp phim Cậu Vàng trong buổi casting diễn viên vào vai chính trong phim.
Ê-kíp phim Cậu Vàng trong buổi casting "diễn viên" vào vai chính trong phim

Làm phim cổ trang gặp không ít khó khăn, như thời gian chuẩn bị cho phim có yếu tố lịch sử phải gấp 3 lần phim hiện đại. Trong đó, 2 khâu tạo hình nhân vật và bối cảnh tốn nhiều thời gian nhất. Ngoài ra, để chắc chắn các chi tiết xuất hiện trên phim thuần Việt không bị nhầm lẫn với văn hoá nước láng giềng, ê-kíp phải tìm hiểu thêm về lịch sử. Khoảng thời gian để hoàn thành khâu hậu kỳ cũng kéo dài hơn một phim thông thường.

Theo đạo diễn Bửu Lộc, có 2 lý do để các nhà sản xuất, đạo diễn chọn kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học. Thứ nhất, Việt Nam “đang rất thiếu kịch bản hay và đội ngũ biên kịch giỏi”. Thứ hai, về mặt truyền thông, các tác phẩm văn học đã được khán giả biết đến sẽ dễ dàng trong việc quảng bá, thu hút khán giả đến rạp. 

Tuy nhiên, các nhà làm phim cổ trang vẫn khẳng định, dù có lợi thế về truyền thông nhưng phim từ tác phẩm văn học phải có kịch bản chuyển thể tốt, nếu không, cú dội ngược từ khán giả sẽ rất dữ dội.

Về yếu tố sáng tạo trong những phim mượn chất liệu văn học, nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho biết không thể bê nguyên xi nguyên tác lên màn ảnh rộng, nhưng cũng không được phép lồng ghép vào đó những chi tiết quá xa lạ. Tuy nhiên, điện ảnh cũng có ngôn ngữ riêng, cũng như phải đảm bảo yếu tố bất ngờ, sáng tạo, tránh nhàm chán vì người xem biết trước diễn biến câu chuyện. 

Thêm nữa, xác định đối tượng người xem chính tại rạp là giới trẻ, muốn thu hút họ thì phim dẫu làm về thời xưa vẫn phải mang màu sắc, hơi thở hiện đại để hợp thời. "Những yêu cầu này đòi hỏi sự linh động trong sáng tác để vừa tôn trọng nguyên tác vừa đáp ứng thị hiếu khán giả" - Mai Thu Huyền nói thêm.

Với phim chuyển thể từ văn học Việt, thuận lợi trong việc truyền thông là thấy rõ. Tuy nhiên, những áp lực đặt ra với ê-kíp là không nhỏ. Điện ảnh Việt từng có nhiều dự án mượn chất liệu từ văn học, văn hoá Việt kém chất lượng vì kịch bản rời rạc, trang phục thiếu đầu tư, sai sót về bối cảnh, sử liệu...

Phim Việt ngược dòng về văn học Việt đòi hỏi ê-kíp thực hiện phải có vốn mạnh nhưng ngoài vốn, phải có sự hiểu biết nhất định vì với những tác phẩm có độ lùi lịch sử, nếu không cẩn trọng, là làm hỏng tác phẩm.

Tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du từng được chuyển thể thành phim vào năm 1923, mang tên Kim Vân Kiều. Phim do ê-kíp người Pháp thực hiện, ra mắt ngày 14/3/1924 tại Hà Nội. Kim Vân Kiều gần như giữ nguyên cốt truyện, không có sự thay đổi nhiều với nội dung tác phẩm. Phim được quay tại nhiều điểm lân cận và Hà Nội.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI