Số điện thoại của căn nhà liền kề

03/04/2019 - 11:07

PNO - Nhiều vụ hỏa hoạn, trộm cắp đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Những trường hợp cần giúp đỡ được phát hiện và giúp đỡ đúng lúc. Những chuyện bạo lực trong gia đình, mại dâm vừa le lói cũng bị chặn đứng và xóa sổ.

Đấy là những câu chuyện hoàn toàn có thật ở một nơi “mỗi nhà phải biết số điện thoại của ba nhà liền kề: hai bên và phía sau”.

Giúp được nhau nhờ biết số điện thoại 

“Quái lạ, sao hai ngày nay không thấy cụ Ánh mở cửa, gọi điện thì chuông reo nhưng không có người bốc máy” - quá sốt ruột nên chị Nguyễn Thị Hiệp phóng xe máy lên báo công an phường. Công an quyết định phá cửa vào nhà thì phát hiện cụ Ánh đã mất. Bác sĩ kết luận cụ qua đời từ hai ngày trước. Chuyện xảy ra cách nay hơn một năm nhưng chị Hiệp vẫn còn hối hận: “Phải chi gọi cụ không được mà mình báo ngay...”. Câu chuyện vừa nêu xảy ra tại khu phố 5, P.Bến Thành, Q.1.

So dien thoai cua can nha lien ke
Chị Nguyễn Thị Hiệp - tổ trưởng Tổ Phụ nữ 84 (bìa trái) - đang chia sẻ kinh nghiệm quản lý hội viên thông qua danh bạ số điện thoại liền kề

Chuyện khác mới xảy ra đầu tháng Ba vừa qua tại hẻm 121 Lê Thị Riêng thuộc tổ 21, khu phố 2, cùng phường: khi chị Lư Thị Kiều Vân đi làm về, mở cửa và chưa kịp bước vào nhà thì thấy khói và mùi khét. Sau 30 giây định hình, chị phát hiện khói và mùi bắt nguồn từ nhà hàng xóm kế bên. Chị lấy điện thoại cấp báo cho chủ nhà, nhưng chủ nhà đã đi khá xa. Chị liền gọi công an và ban điều hành tổ dân phố đến phá cửa... Cũng may là mọi chuyện vẫn chưa quá muộn. 

Chị Hồ Thị Tư - nguyên Trưởng ban điều hành khu phố 6, P.Bến Thành - khẳng định, nhờ có sự quan tâm và thông tin cho nhau kịp thời mà từ năm 2014 đến nay, khu phố ngày một bình yên hơn. Không ít vụ trộm, bạo lực gia đình... đã được phát hiện và can thiệp ngay lập tức. Ngay cả những “động” mại dâm khi chưa kịp hoạt động đã bị người dân phát giác và báo công an “xóa sổ”. Có cụ ông, 5 giờ sáng đi tập thể dục về đến cổng thì lên cơn đau tim. Hàng xóm phát hiện nên cấp báo cho người thân đưa ông vào bệnh viện trong “khung giờ vàng”. Có em sinh viên ngồi học bài khuya vô tình phát hiện trộm vào nhà bên cạnh liền gọi điện báo chủ nhà và công an phối hợp tóm gọn tên trộm... 

Có được những kết quả ấy là nhờ mô hình “mỗi nhà phải biết số điện thoại của ba nhà liền kề” bên cạnh số điện thoại công an phường. Yêu cầu này được chính quyền P.Bến Thành (Q.1, TP.HCM) áp dụng từ năm 2013.

Khởi đầu nan, nhưng bây giờ lan tỏa

Chị Nguyễn Thị Hiệp - Tổ trưởng tổ Phụ nữ 84, khu phố 5, P.Bến Thành - cho biết, năm 2013, khi được chính quyền triển khai yêu cầu “mỗi nhà phải biết số điện thoại của ba nhà liền kề”, tôi đã sang nhà cụ Ánh. Bà cụ lúc ấy đã gần 90 tuổi, sống một mình vì con gái lấy chồng xa. Sau nhiều lần bị kẻ xấu lừa gạt, cụ Ánh gần như không muốn tiếp xúc với ai. Vì vậy, khi tôi xin số điện thoại, cụ kiên quyết không cho. Tôi phải tỉ tê cho cụ thấy được lợi ích khi biết số điện thoại của nhau, đồng thời cam kết chỉ gọi khi thật sự cần thiết. Từ đó, cứ vài ngày tôi lại gọi hỏi thăm sức khỏe cụ. Ban đầu cụ nhận điện thoại và trả lời nhát gừng, nhưng sau đó thì cụ vui vẻ hơn. Có lần cụ thổ lộ là rất vui khi có người chia sẻ với mình chuyện ăn uống, thể dục, vệ sinh…”. 

Chị Hồ Thị Tư cũng cho rằng, nhờ có số điện thoại nhà liền kề mà cán bộ khu phố, cán bộ Hội dễ dàng tiếp cận và giúp đỡ những chị em bị nhiễm HIV đang sinh sống tại cộng đồng. Khu phố 6, P.Bến Thành có bốn chị em bị nhiễm HIV. Cán bộ Hội là người được phân công chăm lo cho chị em. Nhưng do người bệnh thường mặc cảm tự ti, sợ có thêm người biết về mình, sợ ảnh hưởng đến người thân, nhất là chuyện học hành của con em... nên việc tiếp cận họ không dễ dàng. Để tiếp cận, chị Tư và các chị phải lặng lẽ theo dõi. Đã có số điện thoại, cứ  thấy họ bị cảm ho, hoặc phải mặc thêm cái áo ấm, vẻ người co ro hơn bình thường, là các chị gọi điện, nhắn tin thăm hỏi. Nhờ vậy mà đôi bên dần thân nhau, dễ dàng thông cảm và chia sẻ với nhau. 

Cũng nhờ “mỗi nhà phải biết số điện thoại của ba nhà liền kề” mà ở một nơi các gia đình vốn luôn “cửa đóng then cài” như P.Bến Thành, Q.1 lại có sự quan tâm đến nhau nhiều hơn. 

Chị Đỗ Thị Trúc Ly - Phó chủ tịch Hội LHPN Q.1 nhìn nhận: “Hiệu quả của “mỗi nhà phải biết số điện thoại của ba nhà liền kề” thực sự tốt. Việc trao nhau số điện thoại còn thể hiện cái tình, sự quan tâm lẫn nhau giữa nơi đô thị, khi con người bị cuốn vào nhịp sống hối hả. Vì thế, hiện cả 10 phường của Q.1 đều triển khai yêu cầu này”. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI