Sô diễn thảm họa của các “trai đẹp”

15/09/2013 - 08:17

PNO - PNO - Nếu cần bình chọn một sô diễn thảm họa của năm 2013 thì đêm ca nhạc - thời trang - từ thiện Kết nối ước mơ của tạp chí Thế giới Gia đình có thể là ứng viên sáng giá.

edf40wrjww2tblPage:Content

So dien tham hoa cua cac “trai dep”
Phần biểu diễn của "trai đẹp" Omar là... ướm áo dài

Nhân vật chính - "trai đẹp" Omar Borkan Al Gala chỉ xuất hiện trong vòng 5 phút, nói vài câu vô thưởng vô phạt, ướm một chiếc áo dài nhăn nhúm chứ không mặc. Trời mưa lướt thướt, chương trình bắt đầu trễ, nội dung tẻ nhạt rời rạc, MC Thùy Minh gọi sai tên nhân vật là Obama, hoa hậu Thùy Dung và Ban tổ chức đấu tố lẫn nhau, không chuẩn bị mái che cho khách mời để khách VIP thì được che dù, khách phía sau thì khuất tầm nhìn, người mẫu ca sĩ thì dầm mưa để hoàn thành xong phần diễn của mình… Vé ế thê thảm, chỉ có khoảng hơn 3.000 khán giả lẫn người nhà Ban tổ chức có mặt trong khi hơn 10.000 vé mời đã được phát ra - ế đến mức vé chợ đen 10 ngàn, 20 ngàn đồng cũng không ai mua.

Thực ra, ai cũng hiểu câu chuyện PR đằng sau việc mời một nhân vật gây sốt trên mạng về Việt Nam, dù “định danh” của nhân vật ấy không gắn gì với tài hoa hay thành tích khoa học, nghệ thuật. Ngay cả việc đấu giá ăn tối cũng không có gì mới lạ, nó đã được tổ chức nhiều lần, trên nguyên tắc có cầu thì ắt có cung và đơn vị tổ chức có tiền, họ có thể làm những điều mà pháp luật không cấm. Và nếu nhìn trên góc độ tích cực, thì công tác từ thiện dù ít dù nhiều cũng rất có ý nghĩa với những hoàn cảnh khó khăn đang cần được giúp đỡ.

Trong bài toán kinh doanh này, mọi người cùng thắng khi nhà tổ chức, nhà tài trợ, các người đẹp “dây phần” thì được tiếng, các "trai đẹp" thì được cát-sê, được du lịch đi chơi bar Việt mở rộng tầm mắt, người khó khăn thì được tiền, truyền thông thì được view và khán giả thì cũng được thỏa trí tò mò. Thật là… mọi bên cùng thắng.

Nhưng làm như thế nào lại là chuyện đáng bàn.

So dien tham hoa cua cac “trai dep”
Nghệ sĩ che dù cố gắng hoàn tất phần biểu diễn của mình

Sự thiếu chuyên nghiệp của ban tổ chức thể hiện từ khâu tổ chức đón tiếp với tấm bandroll sai chính tả ở sân bay đến những chệch choạc về thời gian xuất hiện của nhân vật. Sau đó là buổi tổ chức đấu giá cập rập và hơi mang màu sắc hội chợ với số tiền thu được không đáng kể và buổi từ thiện mà ở đó người ta chỉ thấy vị “hoa hậu” xinh đẹp lộng lẫy tạo dáng hơn là hiệu quả thiết thực của số tiền chưa đến trăm triệu mang đến cho các bệnh nhi.

Và đỉnh điểm là đêm diễn với những bất cập của BTC dẫn đến phản ứng gay gắt của Hoa hậu Thùy Dung. Báo chí và các khách mời thì được phát cho một chiếc áo mưa giấy để dầm mưa hai tiếng đồng hồ và ngắm các “trai đẹp” trong 5 phút - ở khoảng cách xa tít tắp của sân vận động QK.7.

Phóng viên có thể nhận ra nhiều đồng nghiệp của họ, những phóng viên biên tập của tạp chí đang làm nhiệm vụ… che ô cho các khách mời. Sự nỗ lực quá sức trong khâu tổ chức mà không có một agency chuyên nghiệp đã biến đêm diễn thành trò hề, và những đôi co sau đó đã đẩy sự kiện này thành trò lố quá sức tưởng tượng, nhất là ở câu “Chúng tôi không chuyên nghiệp ở chỗ nào?” mà BTC gửi sau chương trình để “tố ngược” Hoa hậu Thùy Dung bỏ sô.

Nhưng dù sao, trò vui cũng đã kết thúc. Omar và ba anh em nhà họ Lưu sau “Saigon-Bar Tour” (vì họ xuất hiện ở các quán bar là chính) cũng sẽ nhanh chóng rời Việt Nam, khán giả đã kịp bị cuốn vào những cuộc tranh cãi khác. Còn đơn vị tổ chức, họ đã thành công trong việc được rất nhiều người biết đến (dù là với ác cảm hay thiện cảm), đã có được những tấm ảnh bìa tràn ngập trai đẹp cho số báo tới với số tiền cát-sê không quá cao cho những nhân vật “ất ơ” nhưng lại có sức gây ồn ào.

HIỀN MINH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI