Sô diễn cuộc đời: Những ước mơ không còn dở dang

19/02/2021 - 06:50

PNO - Với những đêm diễn ấm cúng, chương trình giới thiệu được những tài năng đặc biệt và lan tỏa giá trị sống tích cực.

Khi câu hát cuối cùng của trích đoạn Tâm sự Mai Đình kết thúc, người đứng trên sân khấu nở nụ cười mãn nguyện, hạnh phúc, còn khán giả sau những tràng pháo tay giòn giã là vội lau dòng nước mắt.

Trúc Phương, ông Thanh Điền - nhân vật chính của đêm diễn - ai nấy đều vui vì được sống với đam mê ca hát giữa đất trời Cần Thơ thanh bình. Tâm hồn người xem không chỉ rung động bởi những lời ca tiếng hát ngọt ngào mà còn bởi nguồn năng lượng sống tích cực hiện diện trên sân khấu, qua những câu chuyện kể lắng đọng.

Trúc Phương và ông Điền trong chương trình Sô diễn cuộc đời
Trúc Phương và ông Thanh Điền trong chương trình Sô diễn cuộc đời

Trích đoạn Tâm sự Mai Đình - Trúc Phương, Thanh Điền:

 

Ông Điền sống tại quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ. Ông bị khiếm thị bẩm sinh. Thế giới bên ngoài có thể xa lạ với ông Điền nhưng cây đàn, âm nhạc là người bạn thân thiết của ông. Ông bắt đầu chơi đàn từ năm 6 tuổi. Theo năm tháng, tình yêu đó lớn dần lên.

Từ nhạc acoustic trẻ trung, những giai điệu trữ tình của bolero cho đến những âm bậc ngũ cung quyến rũ của đờn ca tài tử, hầu như không thể làm khó được người đàn ông này. Âm nhạc và niềm đam mê chơi đàn giúp ông quên đi nỗi đau của thực tại, quên đi những điều không may mắn.

Niềm đam mê, nghị lực sống ấy đã được Sô diễn cuộc đời mang lên sân khấu trọn vẹn. Với tâm hồn đam mê nghệ thuật như ông, có lẽ đây cũng là đêm diễn mơ ước. Không nói ra, nhưng nụ cười hạnh phúc cuối đêm diễn như nói hộ điều đó.

Ông Điền biểu diễn cùng ca sĩ Phương Anh
Ông Điền biểu diễn cùng ca sĩ Phương Anh

Hành trình của Sô diễn cuộc đời cũng mang khán giả đến với tài năng đặc biệt khác. Đó là ông Trương Thanh Liêm (quê gốc ở Năm Căn, Cà Mau), bị mù từ năm 3 tuổi do mắc bệnh nhưng không có điều kiện chữa trị. Với ông Liêm, âm nhạc chính là liều thuốc chữa lành vết thương của ông và cho ông nghị lực để bước tiếp trong cuộc sống.

Hằng ngày, những người qua lại trên bến phà cồn Khương không hề xa lạ với những thanh âm lúc vui tươi, rộn rã, khi réo rắt, sầu não. Cũng không ai xa lạ với hình ảnh người đàn ông nước da ngăm đen, khắc khổ với cây đàn độc nhất vô nhị, thân đàn được làm từ tấm ván, thùng đàn được làm từ thau nhôm còn dây đàn làm từ dây thắng xe. Cách gảy đàn của ông Liêm cũng vô cùng kỳ lạ, ông dùng chai dầu nóng gảy đàn.

Khi nói về người bạn đồng hành của mình, ông Liêm cười hiền: “Chế cây đàn thau này để cỡ nào cũng không ai lấy. Nếu có thì chỉ lấy được thau bán ve chai thôi”. Tiếng đàn cùng tình thương của người dân nơi đây cũng như khách tứ xứ đã nuôi sống gia đình ông Hai Liêm trong nhiều năm qua.

Tiếng đàn độc đáo của ông Liêm kết hợp hài hòa với tiếng hát của bé Nghi Đình, Ngọc Quyền, Hoàng Thắng... mang đến một đêm diễn ấm cúng.

Ông Hai Liêm tự chế cây đàn đôc đáo
Ông Hai Liêm tự chế cây đàn độc đáo bằng ván, thau nhôm và thắng xe đạp

Sau hai đêm diễn, với số tiền quyên góp được từ khán giả có mặt trực tiếp cũng như thông qua mạng xã hội, sự vận động của Color Man (người dẫn chương trình), ông Hai Liêm nhận được 140 triệu đồng để trang trải cuộc sống, trả nợ. Ông Thanh Điền cũng nhận được 120 triệu đồng.

Nhưng điều đọng lại với người xem không chỉ là những con số trên mà hơn hết, đó là tình cảm, là sự san sẻ của con người dành cho nhau và giá trị sống quý báu. Ông Hai Liêm, ông Thanh Điền chính là minh chứng dù số phận lấy đi đôi mắt nhưng không lấy được niềm vui, nghị lực sống của con người. Câu chuyện của họ gieo vào lòng người xem sự thương cảm và thán phục.

Chương trình không dừng lại ở những buồn khổ, bi lụy hay sự thay đời đổi phận của một ai đó mà còn là hành trình chắp cánh cho những giấc mơ đẹp được thăng hoa.

Nhạc công Hùng Hero mang đến đêm diễn ấm cúng giữa lòng Sài Gòn hoa lệ với tiếng hát ấm áp của Lưu Ly, Kim Ngân, Trúc Anh, Lân Nhã. Phần lớn người nghe chỉ biết đến ca sĩ, chứ ít ai quan tâm đến những người đứng phía sau, vì thế, nhạc công vô tình trở thành người vô danh nhưng có phận.

Anh Hùng say mê chơi đàn từ nhỏ. Nhưng một thời gian dài đam mê ấy tạm gác lại bởi những bộn bề, lo toan của cuộc sống. Đến khi được quay trở lại, anh phải mất một năm ròng mới chơi đàn lại được.

Từng mang nỗi buồn của một người vì nặng gánh mưu sinh nên không thể theo đuổi đam mê, giờ đây anh Hùng sẵn sàng truyền lửa lại cho người trẻ. Như thế, những niềm đam mê cứ tiếp diễn. Ở tuổi này, với anh Hùng, tiền bạc không còn quan trọng nữa mà “Được làm điều mình thích là hạnh phúc nhất”. Đêm diễn khép lại, ngoài âm nhạc, có lẽ câu chuyện sống với đam mê của anh đã được nhiều người gói gọn trong lòng.

Ca sĩ Lân Nhã hát trong tiếng đàn của nhạc công Hùng Hero
Ca sĩ Lân Nhã hát trong tiếng đàn của nhạc công Hùng Hero

Thầy Nguyễn Trường (64 tuổi, quê ở Huế, đang sống và làm việc tại Đắk Lắk) kết hợp thanh âm của núi rừng với âm nhạc hiện đại thông qua nhiều nhạc cụ tre nứa truyền thống và cả tự chế như: đàn violin ống tre, đàn từ mõ bò... Giữa mùa đông lạnh giá của cao nguyên, khán giả vẫn chăm chú ngồi nghe, thưởng thức trọn vẹn từng tiết mục của thầy Nguyễn Trường kết hợp cùng nhiều gương mặt trẻ. Đêm diễn đã phần nào khẳng định rằng, trong thời đại 4.0, giá trị truyền thống vẫn có chỗ đứng và sức hút riêng, miễn tư duy đủ mới, đủ sự tìm tòi hy sinh.

Thầy Nguyễn Trường và cây đàn violon bằng tre độc đáo
Thầy Nguyễn Trường và cây đàn violon bằng tre độc đáo

Cuộc đời là bức tranh được ghép từ những mảng màu khác biệt. Không có ước mơ nào đắt giá, cũng chẳng có ước mơ nào bình dân. Miễn rằng đó là những ước mơ chân chính, được hiện thực hóa bằng sức lao động, tình yêu thương, sự sẻ chia. Khi đứng trước nghịch cảnh, nỗi buồn, niềm đau ắt luôn tồn tại, nhưng khi con người không chịu đầu hàng, không gì là không thể. Ít nhất, khi một cuộc đời được tốt hơn cũng là một tín hiệu đẹp. Chỉ mới 4 tập, Sô diễn cuộc đời đã cho người xem thấy được những điều thú vị đó.

Chương trình lên sóng lúc 20g30 mỗi thứ Tư hàng tuần trên HTV7.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI