So điểm thi tốt nghiệp và học bạ: Có cải thiện chất lượng dạy học?

30/07/2021 - 06:42

PNO - Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đưa ra kết quả so sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập một lần nữa gây tranh cãi. Nhiều giáo viên phổ thông cho rằng không cần thiết.

Điểm thi thấp hơn điểm học bạ

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố so sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập. Theo đó, trừ môn giáo dục công dân, hầu hết các môn còn lại đều có điểm thi thấp hơn điểm học bạ. Môn văn và toán là hai môn có độ vênh vừa phải, chỉ trên dưới 1 điểm.

Môn lịch sử có điểm thi trung bình 4,917 - thấp nhất trong tất cả môn thi nhưng lại có điểm trung bình học bạ là 7,625. Các tỉnh, thành có điều kiện thuận lợi và thế mạnh giáo dục như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng đều vênh trên 3 điểm. Nhóm các tỉnh miền Tây Nam bộ, miền núi phía Bắc được đánh giá là điều kiện giáo dục khó khăn hơn cũng chênh lệch trên dưới 3 điểm.

Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hà Nội, Hải Phòng… là những địa phương có điểm thi môn tiếng Anh thấp hơn nhiều so với điểm học bạ. 

Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học bằng  học bạ năm 2021 - ẢNH: PHÚC TRẦN
Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học bằng học bạ năm 2021 - Ảnh: Phúc Trần

Nhìn vào kết quả đối sánh này chỉ thấy được rằng điểm học thường ngày không vừa khít với điểm thi, dù cùng một đối tượng đánh giá. Nhưng, nhận ra kết quả như thế cũng chẳng cải thiện được chất lượng giáo dục, bởi bao năm thực hiện đối sánh rồi vẫn vậy, chưa có một động thái nào để thay đổi thực tế này. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cho rằng, việc so sánh này là thừa và không khoa học. Bởi, một bên là kết quả của cả quá trình học và một bên là kết quả của một bài thi, không thể so sánh cùng nhau, chênh hay không chênh không có ý nghĩa gì. 

Thầy Lâm Vũ Công Chính, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho rằng: “Điểm học bạ đã chốt, kết quả thi đã xong. Giờ Bộ GD-ĐT lại thực hiện đối sánh kết quả giữa điểm thi và điểm học bạ, liệu còn ý nghĩa gì? Điểm học bạ là do thầy cô đánh giá, hầu như ổn định theo góc nhìn của thầy cô; là quá trình thể hiện năng lực của học sinh qua từng bài kiểm tra, biểu hiện trên lớp... Còn đề thi mức độ khó dễ tùy năm, kết quả thi tùy thuộc vào bản lĩnh và tâm lý của thí sinh. Chính vì gộp hai kỳ thi thành một, tính điểm xét tốt nghiệp theo tỷ lệ 70% điểm thi và 30% điểm trung bình lớp 12, dẫn đến hệ quả các trường đua nhau cho học sinh có điểm số đẹp trong học bạ”. 

Kết quả học tập đủ đánh giá năng lực người học

Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, cố vấn tuyển sinh Trường đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đánh giá: Phân tích dữ liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, tương tự như năm ngoái, năm nay điểm học bạ cao hơn điểm thi THPT không nhiều. Bình quân, nhiều môn chênh dưới 1 điểm, trừ môn sinh, sử chênh hơn 2 điểm. 

Sự chênh lệch từ 1,5 trở lên được cho là chênh lệch lớn. Năm nay, độ vênh giữa học bạ và điểm thi THPT cũng chỉ xảy ra nhiều môn ở một số tỉnh phía Bắc (Hải Phòng, Thanh Hóa, một số tỉnh miền núi), miền Trung (Phú Yên) và một số tỉnh miền Tây Nam bộ (Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng…). Ngược lại, TP.HCM và Bình Dương là những địa phương có điểm thi tiếng Anh cao hơn điểm học bạ. Như vậy, sự chênh lệch điểm không nhiều, nên việc xét học bạ đủ để đảm bảo chất lượng đầu vào cho các trường. Nhất là điểm học bạ còn thể hiện được quá trình học tập của thí sinh. 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong suốt bốn năm thực hiện xét tuyển bằng học bạ với chỉ tiêu ít hơn nhiều so với xét điểm thi THPT, đẩy điểm chuẩn xét học bạ của những ngành “hot” lên trên 27 - 30 nên ít có chuyện thí sinh đậu mà học không nổi. Mấy năm qua, trường luôn làm khảo sát so sánh kết quả học tập bốn học kỳ đầu giữa sinh viên trúng tuyển bằng hai phương thức để đánh giá. Kết quả cho thấy, số sinh viên trúng tuyển bằng học bạ học tốt hơn do được học đúng ngành yêu thích. Vì vậy, các trường có thể tin tưởng vào việc xét học bạ cho thí sinh với chỉ tiêu thích hợp.

Tương tự, tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phương thức xét tuyển bằng học bạ cho ra kết quả cao ngất ngưởng. Trong số 32 ngành xét tuyển, ba ngành có điểm chuẩn trên 29. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là sư phạm hóa 29,75 điểm; kế đến là sư phạm toán 29,52 điểm; sư phạm lý 29,07 điểm. Điểm chuẩn nhóm ngành đào tạo giáo viên thấp nhất cũng lên đến 25,48 cho ngành giáo dục quốc phòng - an ninh.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc đánh giá được sự chênh lệch này có ý nghĩa đối với các trường ĐH hơn là cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông. Điều này sẽ dễ cho các trường ĐH khi xét tuyển bằng học bạ. Điểm chênh lệch này giống như một hệ số điều chỉnh giúp các trường dựa vào đó làm cơ sở để điều chỉnh chỉ tiêu - điểm chuẩn tuyển sinh cho phù hợp.

Thanh Thanh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI