Sơ cứu, xử trí khi trẻ bị trẻ bị chấn thương vùng đầu

26/08/2015 - 15:10

PNO - Trẻ em bị chấn thương vùng đầu, cần sơ cứu như thế nào trước khi tới bệnh viện? Sau điều trị sẽ để lại di chứng gì?

BS Trần Đắc Nguyên Anh, Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 2 cho biết, tỷ lệ tử vong do chấn thương sọ não (CTSN) sẽ giảm nhiều nếu sơ cứu đúng cách, xử trí kịp thời. Sơ cứu không đúng sẽ làm tình trạng chấn thương thêm nặng, nguy cơ để lại di chứng rất lớn.

So cuu, xu tri khi tre bi tre bi chan thuong vung dau 
Ảnh minh họa - Ảnh shutterstock

Chú trọng thông đường hô hấp, không để rung lắc đầu

Khi bị té, trẻ có thể có vết thương kín hoặc hở. Vết thương kín có vết bầm tím, máu tụ dưới da hoặc không có dấu tích gì. Khi bị vết thương hở, máu chảy ra ngoài cơ thể từ chỗ tét da, nơi bị vật nhọn đâm xuyên.

Triệu chứng sau khi té nghi ngờ CTSN gồm đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, khó tập trung, ghi nhớ. Nặng hơn là nôn ói, lú lẫn, liệt, hôn mê, mất ý thức, dãn đồng tử…

Nếu trẻ bị rách da đầu, chảy máu nhiều, cần ép chặt hai mép vết thương với nhau để cầm máu. Cắt tóc xung quanh vết thương. Một số người có thói quen bôi cồn 900 , iod (Betadine, Povidine) để cầm máu. Việc bôi cồn trực tiếp vào vết thương sẽ làm tổn thương mô.

Chỉ nên đặt gạc vô khuẩn lên vết thương rồi băng lại. Trong quá trình xử lý, nếu phát hiện dị vật còn nằm sâu trong vết thương, không được cố lấy ra vì sẽ làm vết thương chảy máu nhiều hơn.

Khi chảy nhiều máu, nên dùng tay ép chặt vào vết thương liên tục trong ba phút, nếu còn chảy, dùng một miếng vải sạch băng chặt vết thương và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Trường hợp bị vỡ xương sọ có não phòi ra ngoài, không được bôi lên vết thương bất cứ thứ gì. Phủ lên phần não bị phòi ra bằng miếng băng vô khuẩn rồi băng lại nhẹ nhàng, không nên băng quá chặt, tránh gây chèn ép não.

Trong suốt quá trình sơ cứu, phải giữ thông đường thở, nếu thấy trẻ xuất tiết đờm dãi cần hút sạch đờm, hà hơi thổi ngạt; xoa bóp tim ngoài lồng ngực nếu trẻ ngưng tim

Tình trạng tri giác của trẻ rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị, do đó phụ huynh cần chú ý diễn biến tri giác của trẻ xem trẻ tỉnh, lơ mơ, mê man… để thông báo cho nhân viên y tế.

Phương tiện phổ biến ở nước ta là xe máy nên khi trẻ bị nạn, gia đình hay dùng phương tiện này để vận chuyển. Cần lưu ý, việc vận chuyển rất quan trọng đối với các trường hợp chấn thương, đặc biệt là CTSN.

Ngồi xe máy, lưng trẻ khòm xuống, cột sống bị gập lại có thể biến chứng tổn thương tủy sống nếu trẻ có tổn thương cột sống kèm theo, nhất là cột sống cổ. Tình trạng này có thể làm trẻ ngưng thở đột ngột. Đầu bệnh nhi lắc lư theo chuyển động của xe sẽ làm tình trạng chấn thương nặng thêm.

Nên gọi cấp cứu để trẻ được vận chuyển bằng băng ca hoặc nếu tự vận chuyển thì để trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Chỗ nằm của trẻ nên chèn khăn, vải, gối hai bên đầu để tránh cử động vùng đầu.

Hiệu quả điều trị phụ thuộc thời gian cấp cứu

Một số trường hợp trẻ bị chấn thương nhưng rất tỉnh táo, không có biểu hiện rõ nên phụ huynh xem nhẹ, không đưa trẻ đi khám. Khi đó, rất có thể não đang chảy máu. Do não chảy máu ít, không gây tụ máu nên trẻ không có biểu hiện nguy hiểm.

Triệu chứng chỉ xuất hiện khi máu chảy tăng lên và tụ nhiều, gây chèn ép não. Vì vậy, khi trẻ bị té, nên đưa đi khám ngay và phụ huynh phải theo dõi sát trẻ bốn-năm ngày tiếp theo.

Nếu trẻ có biểu hiện mệt mỏi, mặt xanh xao, bỏ bú, đau đầu, buồn nôn, nôn, thân nhiệt thấp, tay chân lạnh, lơ mơ, nói sảng, hỏi không trả lời, sau một thời gian chấn thương thóp bị căng phồng lên, co giật, yếu liệt chi, rỉ máu taimiệng-mũi… thì cần đưa ngay đến BV. Không được tự ý mua thuốc cho trẻ uống.

BS Trần Đắc Nguyên Anh cho biết, CTSN phải cấp cứu càng sớm càng tốt. Hiệu quả điều trị phụ thuộc vào thời gian cấp cứu sớm hay muộn. Khoảng thời gian từ 4-6g từ khi chấn thương đến khi cấp cứu, phẫu thuật được xem là “thời gian vàng” để cứu sống các tế bào thần kinh.

Nhìn chung, CTSN có thể gây sang chấn tâm lý cho trẻ. Trường hợp nặng (có máu tụ trong não, dập não), sẽ để lại di chứng như yếu liệt chi, chậm phát triển vận động, rối loạn ngôn ngữ, động kinh… Lúc này trẻ cần phải được tập vật lý trị liệu với liệu trình điều trị lâu dài.

Thanh Hoa (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI