Sơ cứu thế nào khi trẻ sặc sữa?

13/06/2023 - 05:47

PNO - Một tai nạn đau lòng vừa xảy ra khi một bé trai hơn 2 tháng tuổi tử vong do sặc sữa. Các bác sĩ cảnh báo phụ huynh cần được trang bị những kỹ năng cần thiết trong quá trình chăm sóc trẻ, để kịp thời xử lý khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh - vừa cho biết về 1 trường hợp đau lòng được đưa tới BV cấp cứu ngày 2/6. Bệnh nhi tên N.D.M.B., sinh tháng 3/2023, ngụ TP Thủ Đức. Khi gia đình đưa bé tới BV thì đã trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

Theo người nhà, bé B. đang bú thì bị sặc sữa. Mẹ đã vỗ lưng cho bé, nhưng sau một thời gian thì bé tím lịm đi. Từ nhà đưa bé vào BV cũng mất hơn 30 phút. Tại BV, bé được làm hồi sức, đặt nội khí quản… nhưng vẫn không có nhịp tim trở lại. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết mỗi năm đơn vị mình tiếp nhận điều trị 4-5 trường hợp trẻ sơ sinh sặc sữa - ẢNH: N.T.A.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết mỗi năm đơn vị mình tiếp nhận điều trị 4-5 trường hợp trẻ sơ sinh sặc sữa - Ảnh: N.T.A.

Cách đây không lâu, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm cũng ghi nhận một trường hợp trẻ sơ sinh sặc sữa đưa tới đơn vị mình. Sau khi đặt nội khí quản trợ thở, làm hồi sức tim thì em bé có chuyển biến tốt. Bệnh nhi lập tức được chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 2 để theo dõi chuyên sâu. Tại Khoa Nhi BV Lê Văn Thịnh mỗi năm tiếp nhận điều trị từ Khoa Cấp cứu của bệnh viện 4-5 trường hợp bị sặc sữa. Theo bác sĩ Diêu Hà Lam - Trưởng khoa Cấp cứu - nguyên nhân chính dẫn tới tử vong do sặc sữa ở trẻ sơ sinh và nhóm trẻ nhỏ dưới 2 tuổi là phụ huynh không biết cách sơ cứu. 

Bác sĩ Diêu Hà Lam chia sẻ cách sơ cứu trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ sặc sữa, sặc cháo được đúc rút không chỉ từ chuyên môn của một bác sĩ cấp cứu mà còn từ kinh nghiệm của một người cha từng cứu sống 2 đứa con bị sặc sữa.

Bước 1: Ngay khi thấy con bị ho, sặc, người lớn phải ghé miệng ngậm hết cả mũi và miệng của em bé vào và hút thật mạnh ra. Khi cha mẹ ngậm miệng vào mũi và mồm con hút nghe tiếng rẹt là thành công, lúc nhổ ra ngoài thấy có sữa hoặc cháo. Phụ huynh nên nhớ ghé miệng hút ra chứ không phải thổi vào. Lúc này mà thổi vào là khiến thức ăn sặc sâu hơn. Sau khi hút thức ăn ra, trẻ đã thở lại được thì vẫn chưa được chủ quan, bởi không rõ có một phần thức ăn đã đi vào phổi hay chưa. Cần đưa bé tới BV kiểm tra để tránh bị viêm phổi hít.

Bước 2: Khi ghé miệng hút mà vẫn không hiệu quả, phụ huynh tiến hành vỗ lưng cho con. Tư thế đặt bé và cách vỗ phải đúng. Nhiều người đặt bé ngồi, úp mặt vào mình rồi vỗ lưng hoặc ôm bé trên vai và vỗ lưng là sai, như vậy sặc còn nặng hơn. Tư thế đúng là đặt bé nằm sấp trên cánh tay nhưng đầu phải chúi xuống. Vỗ mạnh giữa 2 xương bả vai của bé 5-6 cái. Bé khóc là thành công.

Bước 3: Bé vẫn chưa khóc sau tất cả các bước trên thì ta lại tiếp tục ấn ngực. Đặt bé trên mặt phẳng (cổ phải ngửa ra thì đường thở mới thẳng), ta ấn 2 ngón tay vào phần dưới xương ức 5-6 lần. Nếu trẻ ngưng thở, thì phụ huynh phải ngậm mũi bé thổi (lặp đi lặp lại) cho tới lúc thấy lồng ngực hơi nhô lên rồi khẩn trương đưa đi BV. 

Cách phòng tránh sặc sữa ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ - cho biết, sặc sữa thường xảy ra sau khi bú, do trào ngược sữa từ dạ dày lên ngã 3 hầu họng (đường thở - đường ăn). Để phòng ngừa sặc sữa, sau khi bú cần vác đứng trẻ, vỗ ợ hơi và vác bé thêm tầm 15 phút hoặc lâu hơn (nếu bé bị trào ngược dạ dày thực quản). Nên cho trẻ bú mẹ là tốt nhất vì bé ít nuốt hơi. Nếu bú bình thì phải để sữa ngập núm vú, tránh bé nuốt phải hơi. 

Tuần đầu tiên sau sinh, trẻ còn tập thích nghi với việc phối hợp động tác bú, nuốt và thở nên rất dễ sặc khi bú bình. Dạ dày bé còn nhỏ, bú bình với lượng sữa nhiều hơn thể tích dạ dày cũng khiến trẻ có nguy cơ bị trào ngược. Ngoài ra, khi bú mẹ, bé dễ bị sặc giai đoạn sữa ra nhanh và nhiều. Nếu thấy trẻ nuốt nhanh và ực lớn là sữa đang xuống nhiều. Lúc này, mẹ hãy dùng 2 ngón tay kẹp đầu vú lại hoặc rút vú ra đợi qua “đỉnh sóng” rồi cho trẻ bú tiếp.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI