Sơ cứu các chấn thương thường gặp khi chơi thể thao

10/11/2024 - 11:39

PNO - Sáng 10/11, tại tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM đã diễn ra workshop Sơ cấp cứu các vấn đề trong thể thao, đặc biệt là với những môn dùng vợt. Buổi workshop có sự tham dự của các vận động viên pickleball và những người yêu thích thể thao.

Ông Tony Coffey - chuyên gia cấp cứu ngoại viện Úc, người đồng sáng lập SSVN ( Survival Skills Vietnam) - đã hướng dẫn mọi người về sơ cấp cứu chấn thương có thể vận dụng trong nhiều môn thể thao chứ không chỉ với riêng pickleball.

Theo ông, rất nhiều người bị chấn thương khi chơi pickleball vì nghĩ rằng đây là môn nhẹ nhàng. Tuy nhiên, tất cả các môn mang tính cạnh tranh, đòi hỏi di chuyển liên tục, nhanh, dừng lại đột ngột, nhất là khi người chơi lớn tuổi, đều có thể dễ dàng gây chấn thương.

Một số chấn thương có thể gặp phải khi chơi các môn thể thao dùng vợt

Chuyên gia cấp cứu ngoại viện người Úc - Tony tại buổi Workshop tại Báo Phụ Nữ TPHCM sáng 10/11.
Chuyên gia cấp cứu ngoại viện người Úc Tony Coffey

Bong gân và tổn thương mô mềm

Đầu tiên phải kể tới là bong gân khi các dây chằng bị tổn thương, xoắn vặn quá mức. Bong gân, căng cơ có triệu chứng khá giống nhau, đôi khi ta khó phân biệt nếu không chụp X-quang. Nhiều người chưa có thói quen mang đồ bó gối khi chơi thể thao, mang giày, vớ phù hợp. Khi chơi thể thao cần có dụng cụ hỗ trợ để giảm thiểu các chấn thương. Đặc biệt, các vận động viên càng lớn tuổi (trên 18 tuổi) thì các khớp không linh hoạt như khi còn trẻ.

Tiếp đó, khi chơi các môn dùng vợt, rất dễ bị tổn thương mô mềm. Trước khi vào trận, nhất định cần khởi động, làm ấm người. Khi xảy ra sự cố trượt ngã, cổ tay và cổ chân sưng lên, buộc phải nghỉ ngơi, chườm lạnh, quấn nhẹ băng thun rồi nâng chân hoặc tay cao lên để giảm sưng. Vận động viên nghỉ ngơi khoảng 20 phút sau khi sơ cứu bằng phương pháp này sẽ thấy đỡ. Chỉ quấn băng thun từ 20 - 30 phút rồi tháo ra để máu tuần hoàn dễ dàng hơn.

Mọi người tham gia rất sôi nổi và tích cực hưởng ứng, tương tác khi được chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết dấu hiệu bất thường để kịp thời sơ cứu cho nạn nhân trong thể thao.
Người tham gia tích cực hưởng ứng, tương tác khi được hướng dẫn cách nhận biết dấu hiệu bất thường để kịp thời sơ cứu cho nạn nhân trong thể thao

Tổn thương dây chằng, khớp đầu gối

Khi chơi các môn thể thao dùng vợt rất dễ xảy ra tổn thương đầu gối. Nạn nhân có thể gặp các tình huống nghiêm trọng như rách dây chăng, phải nghỉ chơi thể thao vài tháng, thậm chí cần phẫu thuật nối dây chằng. Khi xoay lắc mạnh còn có thể gây tràn dịch ở khớp.

Để phòng tránh, cần khởi động, làm ấm trước khi vào trận đấu, mang dụng cụ hỗ trợ khớp gối hoặc dùng băng thun quấn quanh nhằm hỗ trợ khớp gối khi có những cú xoay đột ngột. Lúc bị tràn dịch khớp gối, chỉ chườm đá xung quanh, tuyệt đối không chà xát vì rất có thể đang chảy máu dưới da. Chườm đá 14 - 20 phút rồi lấy băng thun quấn quanh khớp. Không xức dầu nóng ít nhất 3 ngày tiếp theo (khác với trường hợp căng cơ, xoa dầu nóng cho giãn cơ). Nếu quá đau, có thể cân nhắc dùng thuốc giảm đau hoặc kháng viêm.

Buổi workshop chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực về sơ cứu chấn thương trong thể thao.
Nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực về sơ cứu chấn thương trong thể thao được chia sẻ tại buổi workshop

Rạn xương cổ tay, tổn thương dây chằng khuỷu tay

Một tổn thương khác là tổn thương dây chằng gây viêm sưng khuỷu tay (xảy ra khi chúng ta dùng tay lặp đi lặp lại động tác vẩy tay để đánh vợt). Nếu thấy đau bên trong thì có thể do đứt dây chằng. Lúc này, cần sơ cứu bằng cách làm dây đeo để cố định cánh tay. Đau là dấu hiệu phải ngừng hoạt động để can thiệp, chăm sóc cơ thể kịp thời.

Đứt dây chằng vùng bắp chân

Người có tuổi hay bị đau đột ngột dữ dội ở vùng bắp chân khi đang chơi thể thao. Đó có thể là dấu hiệu đứt dây chằng. Lúc này chân không co giữ lên được. Những trường hợp này cần nhập viện để được can thiệp phẫu thuật nối dây chằng. Nguyên nhân đột ngột đứt dây chằng lúc chơi thể thao thường do không làm ấm, khởi động kỹ từng phần của cơ thể.

Tổn thương cơ vai và lưng

Một sang chấn khác là tổn thương ở khớp vai. Người chơi thể thao thậm chí có thể bị đứt cơ vai, cảm thấy đau và không đưa tay lên được. Cách thức sơ cứu vẫn là chườm đá, nhờ người xung quanh làm dây đeo chéo nâng tay lên. Tổn thương vai phải nghỉ chơi thể thao khá lâu.

Tổn thương phần cơ phía sau lưng cũng thường xảy ra khi chơi thể thao. Nhiều người đau nên thường nằm lâu. Chuyên gia Tony khuyến cáo người chơi thể thao cần vận động, có thể tập yoga nhẹ nhàng, bơi lội để nhanh phục hồi.

Sơ cứu vùng mặt khi bị bóng đập trúng

Vùng mặt dễ bị bóng đập trúng khi chơi các môn thể thao dùng vợt, dẫn đến gãy răng, tổn thương mắt, sưng miệng, sưng môi. Với tổn thương ở mắt, có thể dùng đá lạnh chườm nhưng không được đè mạnh. Nếu răng bị gãy nguyên chiếc mà còn gốc, có thể nhặt răng lên đặt lại vào chân nướu. Lúc này, cơ nướu chưa kịp co lại, để răng vào kịp cơ lợi sẽ co lại (trong vòng 60 giây đầu) sau đó đi khám nha khoa để được hỗ trợ.

Chuyên gia cấp cứu ngoại viện Tony Coffey đang thị phạm các động tác sơ cấp cứu tại buổi Workshop.
Chuyên gia Tony Coffey thị phạm các động tác sơ cấp cứu

Chuyên gia Tony nhắn nhủ mọi người, khi chơi thể thao tuyệt đối không khởi động qua loa vì hậu quả sẽ rất khôn lường. Xử trí sơ cứu đúng cách sẽ giúp hạn chế được nhiều biến chứng nguy hiểm do chấn thương.

Tại buổi workshop, các vận động viên đã đặt rất nhiều câu hỏi cho chuyên gia Tony. Nhiều kiến thức sơ cấp cứu hữu ích, thiết thực đã được chia sẻ.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI