Sở Công thương TP.HCM khẳng định soi được thịt heo sạch qua smartphone: Người nội trợ đặt câu hỏi

02/08/2016 - 06:11

PNO - Hiện nay, một miếng thịt heo bán ra ngoài sạp đã có rất nhiều loại tem kiểm định chất lượng, nguồn gốc nhưng thịt đưa về luộc vẫn có cặn váng và mùi hôi...

Sáng ngày 1/8, trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM khẳng định: Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người mua có thể kiểm tra được thịt heo bày bán trên thị trường là sạch hay không sạch, do ai cung cấp, ai bán và bán ở đâu. Bằng phương pháp này, giả sử có thương lái mua heo về rồi nhốt lại, sau đó bơm nước, giết mổ bán ra thị trường… thì cũng sẽ dễ bị phát hiện. Từ đó sẽ đưa những đối tượng này vào “danh sách đen” và có giải pháp xử lý phù hợp.

Ông Hòa cho biết thêm: "Hội Công nghệ cao TP.HCM đã thiết kế một ứng dụng miễn phí có thể cài đặt trên điện thoại để soi vào thịt heo. Đơn cử khi thịt đến chợ, ban quản lý, nhân viên thú y dùng máy chuyên dụng để kiểm tra xuất xứ. Heo có mã xác nhận nhập hàng, số thịt đúng mã sẽ được niêm phong… rồi giao tiểu thương bán. Tiếp đó, tiểu thương dùng điện thoại kích hoạt tem lên tờ in mã vạch, rồi dán tem có mã vạch lên miếng thịt bán cho khách. Khi khách hàng scan tem miếng thịt sẽ biết được thịt được chứng nhận an toàn hay chưa, ai bán, bán ở chợ nào".

So Cong thuong TP.HCM khang dinh soi duoc thit heo sach qua smartphone: Nguoi noi tro dat cau hoi
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM.

Như thế nào là sạch?

Trước ý kiến của ông Hòa, ngày 1/8, PV đã có cuộc khảo sát ý kiến của một số người nội trợ ở TP. HCM về dự án mà Sở Công thương TP. HCM đang triển khai. Hầu hết các ý kiến đều tán thành việc áp dụng công nghệ để kiểm soát thực phẩm bẩn không bày bán tràn lan ngoài thị trường. Tuy nhiên, dự án soi tem bằng smartphone đang triển khai thì còn nhiều điểm chưa hợp lý.

Bà Phạm Thị Phụng (42 tuổi, ngụ Q. Thủ Đức, TP. HCM) từng có 8 năm kinh nghiệm làm việc trong một công ty với quy mô 30 nhân viên, hàng ngày phải đi chợ chuẩn bị đồ nấu nướng, trong đó thực phẩm thị heo không bao giờ thiếu trong quyển sổ tay "những thứ cần mua" của người nội trợ này. Bà Phụng cho biết: "Hiện nay, mỗi miếng thịt heo sạch khi tới tay người tiêu dùng đã có ít nhất 3 con tem kiểm định chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nếu một con tem khác được dán lên miếng thịt để soi bằng smartphone mà không ra thêm thông tin mới tới tay người tiêu dùng thì có phải là điều thừa không?".

Bà Phụng cho rằng, dự án của Sở Công thương TP. HCM đòi hỏi phải cung cấp được cái mới cho người tiêu dùng. Cụ thể, miếng thịt heo được dán tem đó có hàm lượng vi chất bao nhiêu, giết mổ vào thời gian nào, đã được những cơ quan nào kiểm định....

"Tuy vậy, đó chỉ là những thông tin ban đầu chứ vẫn chưa thể khẳng định được miếng thịt có sạch hay không. Hiện nay, để biết được miếng thịt nào ngon - sạch, người nội trợ chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm của mỗi cá nhân" - bà Phụng cho hay.

Trong khi đó, chị Hoàng Thanh Giang (34 tuổi, nhân viên ngân hàng trên địa bàn Q.3, TP. HCM) đặt ra câu hỏi với cơ quan chức năng: "Tiêu chí nào để cơ quan chức năng coi miếng thịt được dán tem là sạch? Nhiều miếng thịt heo nhìn rất tươi, phần mỡ trắng, phần nạc hồng đỏ nhưng khi đem về luộc lên thì nổi đầy cặn váng, nước luộc có màu đục và hôi... như thế thì không thể gọi là thịt heo sạch được".

Theo chị Giang, nếu đánh giá bằng mùi vị, thị giác thì mỗi người có kinh nghiệm khác nhau. Còn cơ quan chức năng kết luận là thịt sạch thì chắc chắn phải có tiêu chuẩn đầy đủ cho mỗi miếng thịt được bán ra. "Liệu rằng, chiếc tem được smartphone soi có thể hiện được hàm lượng chất trong mỗi miếng thịt để người tiêu dùng biết được hay không?" - chị Giang tiếp tục thắc mắc.

So Cong thuong TP.HCM khang dinh soi duoc thit heo sach qua smartphone: Nguoi noi tro dat cau hoi
Thế nào là thịt heo sạch?

Giải quyết vấn đề heo sạch tỉnh khác ở TP. HCM như thế nào?

Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường TP. HCM, hàng ngày có tới 80 - 90% thịt heo bày bán tại TP.HCM được lấy từ các tỉnh phụ cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bạc Liêu... những nơi này lại có số trang trại nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP tương đối lớn. Trong khi đó, dự án chỉ được thực hiện trên địa bàn TP. HCM, vậy sẽ theo dõi nguồn thịt heo nhập từ ngoại tỉnh như thế nào?

Chị Trần Thị Tuyết Mai (ngụ Q.3, TP. HCM) thắc mắc: "Soi tem bằng smartphone sẽ ra thịt sạch, vậy còn thịt không có tem soi được bằng smartphone sẽ là thịt không sạch, trôi nổi, không rõ chất lượng? Điều này nghe rất vô lý... sẽ gây tâm lý xáo trộn, lo lắng cho người dân nếu thường ngày phải ăn thịt heo không được dán loại tem này".

Chị Mai cho rằng, cách làm của TP. HCM là bước đi táo bạo, đầy cố gắng nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải được bổ sung để hoàn thiện. "Có thể việc gắn tem sẽ rút gọn được các giải đoạn kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng nhưng chưa thể khẳng định nó chắc chắn sẽ đem lại miếng thịt sạch cho người dân. Bước làm này đã được thế giới thực hiện từ rất nhiều năm về trước, nhưng nó chỉ thực sự hiệu quả khi những người áp dụng luôn có cái tâm hết lòng vì công việc, vì sức khỏe của nhân dân mà bỏ qua lợi ích cá nhân" - chị Mai nói.

Được biết, với dự án mới mà Sở Công thương TP. HCM đang thực hiện thì mỗi người nội trợ cần phải trang bị cho mình một chiếc smartphone để thực hiện thao tác"soi tem". Giá của mỗi chiếc điện thoại có thể thực hiện được việc này trên thị trường hiện nay thấp nhất vào khoảng 1,5 triệu đồng. Số tiền này không quá lớn đối với người có việc làm ổn định nhưng với công nhân, người có thu nhập thấp là một vấn đề lớn. Không những thế, những người ở độ tuổi cao không sử dụng thành thạo được phương tiện công nghệ thông minh cũng là một cản trở lớn.

Đoàn Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI