Sợ con… giống tính chồng

05/10/2024 - 21:24

PNO - Khi có sự đồng cảm giữa 2 mẹ con, con em sẽ dễ chia sẻ hơn, có thể thừa nhận sai bởi con biết dù mình sai, mẹ vẫn sẽ giúp mình sửa cái sai đó bằng tình yêu thương của mẹ.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em và chồng chia tay cách đây 4 năm. Hiện nay, con gái em được 13 tuổi, đang sống với em. Lý do chia tay là do chồng em cờ bạc, bạo hành. Lúc quen nhau, em không biết anh có tính cộc cằn. Cưới nhau về, sau khi sinh con được 2 năm, công việc làm ăn khó khăn, anh còn chơi cá độ nên kinh tế gia đình càng thêm bấp bênh.

Lúc đó, em mới nhận ra tính xấu của chồng. Mỗi lần anh cần tiền, hỏi tiền, thì bất kể má anh, chị gái hay em có đồng nào đều phải đưa, không thì anh chửi mắng, đánh đập.

Em không ân hận về quyết định chia tay, đến bây giờ, dù bị vợ bỏ, nghe nói anh vẫn chứng nào tật đó, làm được bao nhiêu đem nướng vô cờ bạc bấy nhiêu.

Điều em lo lắng bây giờ là tính nết con gái em. Khi con vào tuổi dậy thì, em bắt đầu thấy bóng dáng của chồng em. Em phát hiện con xin tiền đóng quỹ lớp, đóng học phí… nhưng không đóng.

Hỏi tiền đó con làm gì, xài ở đâu thì con không nói, hay nói dối loanh quanh. Hỏi riết tới là con bắt đầu la hét, lớn tiếng, quăng đồ đạc, thậm chí có bữa ngồi ăn cơm quăng bể chén cơm. Mỗi lần em rầy la con là một lần em hồi hộp.

Lần mới đây nhất, con xin tiền đóng bảo hiểm y tế, em đã cho nhưng con giấu em tiêu xài hết, đến khi trường nhắc hạn chót, con lại nhắn tin xin tiền ba nó, nói là mẹ không có, không cho tiền. Chồng em gọi điện la lối khinh khi: nuôi con không nên thân, đưa con về nhà nội nuôi.

Em giận quá, mắng con mấy câu, nó đùng đùng bỏ đi còn nói hỗn: “Tưởng mấy đồng bạc của bà quý lắm hả?”. Em nghẹn lòng, không biết nói sao. Phải làm sao để con em đừng trở thành người như ba nó? Xin chị cho em lời khuyên.

Mười Thu (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Em Mười Thu thân mến,

Nuôi con một mình, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, là con đường không mấy dễ dàng. Đầu tiên, em phải luôn tự dặn mình: trong con gái em có một phần của cha bé. Phần này được di truyền, sinh ra cùng với hình hài của con, không thể tách rời. Tuy nhiên, trong con gái em còn có một nửa được thừa hưởng từ mẹ. Em có thể chọn lựa cách thức hành xử để không khơi dậy những tính cách, biểu hiện xấu; thay vào đó, phát triển phần tích cực, tốt đẹp trong con.

Đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì chưa kiểm soát được cảm xúc nên thường có phản ứng mạnh, cực đoan. Là mẹ và là một phụ nữ trưởng thành, em có thể làm chủ được cảm xúc. Vì thế, em hãy cố gắng giữ một khoảng đệm giữa 2 mẹ con, đừng đẩy con đến chỗ phải nói dối, phải cãi lại, phải lớn tiếng.

Tuổi này con có mắc sai lầm cũng là điều bình thường, đôi khi thái độ không chấp nhận của em khiến con em bị áp lực, phải đối phó, phải nói dối. Những lúc giận quá, căng thẳng quá, em nên tìm cách trì hoãn, không mắng con trong cơn nóng giận. Thay vì trách mắng gay gắt, căng thẳng, em hãy tìm cách nói chuyện với con, lắng nghe con.

Lúc nào đó, hãy kể cho con nghe em cũng từng có những sai lầm. Khi có sự đồng cảm giữa 2 mẹ con, con em sẽ dễ chia sẻ hơn, có thể thừa nhận sai bởi con biết dù mình sai, mẹ vẫn sẽ giúp mình sửa cái sai đó bằng tình yêu thương của mẹ.

Với những việc lớn như nộp tiền học, tiền bảo hiểm, em có thể tự mình đi đóng tiền cho con, vừa đỡ bớt một việc mà con chưa thực sự làm chủ được, vừa có cơ hội để gần con, hiểu môi trường con đang sống, đang lớn. Đứa trẻ nào cũng qua giai đoạn ẩm ương này, con em sẽ dần lớn lên, trưởng thành và biết đúng biết sai rõ ràng hơn.

Khi đã quyết định bước ra khỏi cuộc hôn nhân cũ, em cố gắng đừng để cái bóng của nó phủ lên cuộc sống mới của mình. Đừng phân định cái gì tốt là giống mẹ, cái gì xấu là do… giống ba. Định kiến này chỉ làm em mệt mỏi, nặng nề thêm.

Con em cần hướng dẫn, dạy dỗ chứ không cần sự so sánh xem giống ai hay khác ai điều gì. Dù chồng cũ của em có nói gì, hãy coi như đó là một lần bạo hành mà em đã tránh được. Con em đang rất cần em trong giai đoạn này. Em cố gắng kiên nhẫn nhé! Chúc em thành công.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Văn Hùng (TP Hà Nội): Giúp con hiểu về giá trị đồng tiền

Con bạn hay xin tiền mẹ tiêu xài không có lý do, mục đích là do bé chưa được giáo dục, chưa thực sự hiểu về giá trị đồng tiền. Bạn có thể giúp con thông qua việc đưa con tham quan các mái ấm, tham gia các hoạt động trao tặng quà của các tổ chức tại địa phương, các workshop làm đồ handmade để bán gây quỹ…
Khi được tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, con sẽ hiểu không phải đứa trẻ nào cũng được may mắn, xinh đẹp, khỏe mạnh, no đủ như mình, từ đó giúp con biết ơn những gì đang có, biết quan tâm người khác nhiều hơn, giảm bớt sự nóng tính, nổi loạn. Việc con bạn được tiếp xúc với nhiều người trong những dịp như thế cũng giúp con cải thiện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết tình huống khi gặp vấn đề…

Sau những chuyến đi, bạn hãy dành thời gian trò chuyện để con nói ra những cảm xúc, suy nghĩ. Điều đó vừa giúp tăng sự gắn kết giữa mẹ - con, vừa giúp con ghi nhớ những kỷ niệm đẹp.

Ngọc Nhiên (Quận 3, TPHCM): Hãy là người mẹ biết lắng nghe con

Thông qua câu chuyện bạn kể, tôi nghĩ suốt thời gian qua có thể bạn đã ít dành thời gian cho con. Để kết nối lại với con, bạn phải biết lắng nghe con, không được thể hiện thái độ khi con đang chia sẻ để con cảm thấy được thấu hiểu. Phải dành thời gian mỗi ngày trò chuyện cùng con về những điều vụn vặt trong cuộc sống, như hôm nay con đi học có gì vui, tại trường có những vấn đề nào con đang quan tâm...

Bạn cũng nên tìm hiểu xem con có gặp vấn đề nào ở trường không, chẳng hạn con có bị bắt nạt hay chơi với những bạn như thế nào… Khi con làm một việc gì đó dù là nhỏ nhặt, bạn cũng nên dành lời khen.

Hãy động viên hoặc tìm hiểu xem con có thích bộ môn thể thao, năng khiếu nào không. Nếu có, bạn nên khuyến khích con tham gia hoặc tham gia cùng con để tạo sự gắn kết. Việc luyện tập thể thao sẽ giúp con bạn giải phóng năng lượng tiêu cực, có thêm nhiều hoóc môn hạnh phúc, không sa đà vào các hoạt động không lành mạnh.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(9)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI