Sợ con dậy thì sớm, mẹ chăm con kiểu... vừa đạp thắng, vừa đạp ga

11/04/2023 - 12:11

PNO - Nhiều bậc cha mẹ không dám cho con ăn nhiều vì sợ con dậy thì sớm nhưng cũng lo lắng nếu không ăn đủ lại không thể phát triển, tận dụng được giai đoạn vàng phát triển chiều cao...

Lo con dậy thì sớm nên hạn chế sữa, protein

Luôn ám ảnh trẻ dậy thì sớm, nên khi con gái lên 3 tuổi, chị P.T. (TP Hà Nội) đã hạn chế cho con uống sữa cũng như giảm thịt, cá trong khẩu phần ăn hằng ngày. Chị cho con mang cơm đi học, gần như cắt bỏ thịt đỏ khỏi bữa ăn... Tuy nhiên, lên 8 tuổi, con gái chị trông chỉ như em bé chuẩn bị bước vào lớp Một. Kết quả thăm khám cho thấy, trẻ bị suy dinh dưỡng với cân nặng và chiều cao đều dưới chuẩn.

Bác sĩ Trương Hồng Sơn thăm khám dinh dưỡng cho trẻ
Bác sĩ Trương Hồng Sơn thăm khám dinh dưỡng cho trẻ

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn - chuyên gia dinh dưỡng, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết, không ít bà mẹ đang rơi vào tình trạng như chị P.T., đó là lo lắng con dậy thì sớm nên hạn chế cung cấp dinh dưỡng, protein... khiến trẻ rơi vào tình trạng thấp còi, nhẹ cân. Nếu dậy thì sớm, giai đoạn phát triển chiều cao của trẻ sẽ bị thu ngắn lại.

“Nhiều bà mẹ nghĩ rằng nếu con ăn nhiều sẽ dậy thì sớm. Tuy nhiên, nếu cho ăn ít lại không cung cấp đủ dinh dưỡng. Giai đoạn dậy thì kéo dài nhưng không đủ vi khoáng để tăng chiều cao. Vì vậy, chúng ta rơi vào tình trạng như “vừa đạp phanh, vừa đạp ga”, vị chuyên gia dinh dưỡng nêu thực trạng.

Hiện nay, thông tin về dậy thì sớm rất nhiều, thậm chí đối lập nhau khiến các ông bố, bà mẹ rơi vào “ma trận”, không biết làm thế nào để vừa tránh con dậy thì sớm lại tận dụng được giai đoạn dậy thì để phát triển chiều cao. Một trong những thực phẩm gây tranh cãi hàng đầu vẫn là... sữa. Nhiều phụ huynh hiểu sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng, bổ sung canxi, kẽm, vitamin...

nhưng luôn lo sợ, nếu con uống sữa đều đặn hằng ngày, có thể sẽ bị dậy thì sớm bởi tác động của những hoóc-môn tăng trưởng sử dụng cho bò tăng tiết sữa. Bác sĩ Trương Hồng Sơn thông tin, đã có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này trên thế giới, tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào kết luận sữa là “thủ phạm” gây dậy thì sớm. 

Các nghiên cứu cũng chỉ ra, hoóc-môn bình thường sẽ có tác dụng qua đường tiêm, nhưng khi qua tiêu hóa thì sẽ bị bất hoạt do các men tiết ra ở dạ dày. Tương tự, trong sữa đậu nành có chất giống với estrogen nhưng hàm lượng không cao, khi ăn vào cơ thể sẽ bị phân hủy ở dạ dày. Chính vì những lý do này, bác sĩ Trương Hồng Sơn khuyến khích sử dụng sữa trong bối cảnh lượng sữa tiêu thụ ở Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với thế giới. Mỗi trẻ, với tình trạng sức khỏe riêng như suy dinh dưỡng, béo phì có thể được điều chỉnh, lựa chọn loại sữa, lượng đường... cho phù hợp. 

Nguy cơ từ chế độ ăn uống bất hợp lý

Một “mâu thuẫn” trong dinh dưỡng khác được các chuyên gia chỉ ra, đó là sử dụng chất béo (lipid) trong các bữa ăn. Quá nhiều lipid trong khẩu phần ăn hằng ngày là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cân béo phì. Song nếu không bổ sung chất béo thì lại làm giảm hấp thu vitamin D, trong khi vitamin này có vai trò quan trọng trong chuyển hóa, hấp thu canxi, phốt-pho để cấu tạo khung xương, thúc đẩy chiều cao ở trẻ. 

“Các vấn đề dinh dưỡng cho trẻ để tránh dậy thì sớm rất phức tạp. Ở mỗi đối tượng trẻ như suy dinh dưỡng, bình thường hay thừa cân béo phì... đều có một cách tính riêng. Làm thế nào cho đủ mà không dư thừa. Mỗi trẻ có 1 phương pháp điều trị để giai đoạn dậy thì đến muộn, kéo dài nhằm lợi dụng phát triển chiều cao tối đa”, vị chuyên gia nói và cảnh báo, trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi khi còn nhỏ, được cha mẹ “thúc ăn” và sau đó tăng cân mạnh, thậm chí thừa cân, béo phì là nhóm dễ bị dậy thì sớm nhất. Chế độ ăn uống bất hợp lý, không được tham vấn bởi các chuyên gia y tế, chính là nguyên nhân của tình trạng này. Do đó, thay vì lo lắng, cha mẹ nên duy trì khám dinh dưỡng đều đặn cho trẻ để được các chuyên gia tư vấn kịp thời, hợp lý.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ tăng cường cho trẻ vận động thể dục, thể thao để tránh thừa cân béo phì - một tác nhân gây dậy thì sớm. Theo đó, phụ huynh khuyến khích con làm việc nhà và tập thể dục 30 phút/ngày. 2 ngày trong tuần hoặc cuối tuần, trẻ nên được chơi các môn thể thao ngoài trời để tiếp xúc với ánh sáng, tiếp xúc với vitamin D để hấp thụ canxi... Trẻ nên đi ngủ sớm. Các trường hợp ngủ muộn, đặc biệt có bật đèn sẽ tăng nguy cơ dậy thì sớm. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI