Một người quen báo tin: “Vụ ly hôn của vợ chồng ông M. - chị H. đã bị cấp phúc thẩm hủy án, giao cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu”. Tôi liên hệ thẩm phán - người xét xử sơ thẩm lần hai vụ ly hôn của ông M. - chị H., chị xác nhận: “Án sơ thẩm đã bị hủy”. Trong tôi hiện lên hình ảnh người vợ xinh đẹp, lộng lẫy tươi cười hớn hở. Người đã luôn tìm cách thoái thác yêu cầu của tòa án và bất hợp tác với tòa, khiến cả hai phiên xử sơ thẩm đều phải xử vắng mặt chị. Trong tôi cũng hiện lên hình ảnh người chồng tuổi gần 60, ròng rã tới lui tòa án suốt gần 5 năm trời.
Nhu nhược hay nhường nhịn vợ trẻ?
Ông M. đứng nguyên đơn, xin ly hôn với cô vợ trẻ hơn ông 18 tuổi. Cuộc hôn nhân của hai người đổ vỡ sau hơn 10 năm chung sống. Trong đơn, ông M. chỉ nêu lý do “không phù hợp” và ông yêu cầu: chia đôi tài sản là hai căn nhà. Bởi hai căn nhà đó chủ yếu do ông - giám đốc vùng một tập đoàn quốc tế (ông cưới vợ khi chị mới tốt nghiệp đại học, đưa vợ từ Bắc vào Nam và xin cho vợ vào làm việc tại một trường cao đẳng).
Về con cái, hai vợ chồng đã đồng thuận để chị H. nuôi dưỡng, và mỗi tháng ông M. cấp dưỡng, lo học phí ở trường quốc tế cho hai con.
Nhưng chuyện nhà cửa lại làm vụ án kéo dài. Tòa tuyên chia đôi hai căn nhà, chị H. kháng cáo. Cũng như bao phiên tòa ly hôn dính đến tài sản, ít khi người trong cuộc chấp nhận vui vẻ. Đồng tiền đi liền khúc ruột, nên họ tranh chấp quyết liệt với nhau cũng chẳng là chuyện khó hiểu.
Ông M. lại miệt mài lui tới tòa án, trong khi chị H. chỉ đến tòa một lần duy nhất, chỉ chấp nhận chia căn nhà ở Q.1 bằng cách đưa lại cho ông M. 6 tỷ đồng (dù đến năm 2020 căn nhà được định giá 30 tỷ đồng). Ông M. lùi bước, đồng ý để lại ngôi nhà ở Q.Phú Nhuận cho vợ con ở, sẽ giải quyết sau, nhưng với căn nhà ở Q.1, ông mong muốn được chia đôi.
Cuối năm 2020, cuộc ly hôn của vợ chồng ông M. - chị H. được xử sơ thẩm lần hai trong sự vắng mặt của chị H. Hội đồng xét xử tuyên: chia đôi căn nhà ở Q.1. Chị H. kháng cáo, cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng vì không lấy lời khai của hai đứa trẻ. Trong khi cấp sơ thẩm đã ghi nhận sự thỏa thuận về quyền nuôi con giữa hai bên. Hơn nữa, ông M. không có tranh chấp về quyền nuôi con và chị H. cũng không tạo điều kiện để tòa lấy lời khai của hai bé.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
5 năm, vụ ly hôn vẫn chưa xong. Từ lần xử sơ thẩm hai, tôi đã thấy ánh mắt ông M. đầy mệt mỏi. Đã từng một lần đò, điều ông lo sợ nhất là hôn nhân đổ vỡ tiếp, vậy mà không tránh khỏi. Ông không muốn tranh chấp, chỉ muốn vụ việc nhanh chóng kết thúc nên chọn cách chỉ chia một căn nhà. Vậy mà cũng không được như ý.
Những người quen trách ông nhu nhược, từ trong đời sống hôn nhân, đến lúc ly hôn, nên mới xảy ra cớ sự này. Nhưng, trong một lần lấy lời khai ở tòa, ông nói với thẩm phán: “Vì tôi muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho vợ con, nên tôi nhường nhịn và cho qua, chứ không phải là tôi nhu nhược. Đã tập hai rồi, tôi không muốn ở tuổi này gia đình lại đổ vỡ”.
Tôi tin, đây mới thật sự là lý do. Điều này đã lý giải phần nào vì sao ông nhẫn nhịn khi bị vợ đánh, cào mặt đến chảy máu (trong hồ sơ vụ ly hôn có những bức ảnh này). Ông cũng không nhớ hết những nguyên nhân gây ra chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”. Vợ trẻ tuổi, tính bồng bột, nên giận hờn là chuyện không lạ. Có khi ông lý giải đó là cái căng thẳng của đàn bà “trầm cảm sau sinh”, là cái vất vả của người mẹ có con nhỏ.
Thấy chồng nhịn, cô vợ trẻ cứ thế leo thang. Một lần, ông về nhà, thấy quần áo của mình bị ném ra khỏi căn nhà mà ông đã đổi bằng mồ hôi nước mắt. Ông cứ tưởng, sau trận cãi vã, vợ chỉ nóng giận nhất thời đuổi chồng đi, rồi vài hôm ông lại quay về. Thế nhưng, ông không ngờ rằng đó là lần cuối cùng ông được ở trong căn nhà của mình. Vợ thay ổ khóa và mỗi khi thấy ông xuất hiện trước cửa là chửi tưng bừng và tuyên bố cấm cửa, “cút khỏi mắt bà”. Ông không muốn hàng xóm nghe ngóng xầm xì, con cái chứng kiến cảnh này nên lẳng lặng rời đi. Ông nhận ra, cô gái trẻ chưa hề yêu chồng, có lẽ tiền mới là lý do để cô ấy chịu làm vợ ông. Trái tim không có tình yêu khiến cuộc hôn nhân ngạt thở.
Ông trình bày với thẩm phán: “Mỗi tháng tôi thường chuyển cho vợ hơn 100 triệu đồng để lo cho con, mà hầu hết là từ 90 triệu đồng trở lên, vợ nói để đóng học phí cho con”. Trong khi mỗi tháng tiền bà vợ cho thuê nhà hơn 50 triệu đồng ông không bao giờ biết tới. Sáu năm qua, tiền cho thuê nhà đã là vài tỷ đồng.
Rào cản “tập hai”?
Sau khi chung sống 5 năm, lần đầu phát hiện người bạn đời quay lại với người tình cũ, ông rất giận, nhưng vì những lời van xin, những giọt nước mắt của vợ, cùng lời thề thốt “không bao giờ tái phạm”, ông đã cho qua. Những lần sau, ông lại bắt gặp vợ “ngựa quen đường cũ”, cũng lại là những lời năn nỉ, thề thốt. Ông lại bỏ qua. Đôi khi cơn ghen của người đàn ông lại thể hiện bằng sự im lặng, lạnh lùng… và điều đó là cái cớ để cô vợ… nóng lên. Rồi ông lại làm lành.
Những điều này khác hẳn với nguyên tắc sống của ông. Trong kinh doanh, ông luôn rõ ràng và dứt khoát, không nhún nhường, thỏa hiệp.
Trong cuộc hôn nhân đầu, ông cũng không bao giờ để vợ vượt quyền, hay qua mặt. Tất cả như ông nói: “Kết hôn tập hai và tôi không muốn gia đình tan vỡ”. Ông mang nỗi sợ này và mẹ ông cũng vậy. Bà đã viết lá thư dài gửi đến tòa, không một lời trách cứ con dâu, mà chỉ bày tỏ nỗi lòng và nỗi buồn của người mẹ khi ở tuổi gần đất xa trời mà con trai chưa ổn định về gia đình, lại phải chứng kiến con ly hôn. Chỉ đến khi mọi nỗ lực hàn gắn đều vô nghĩa, ông mới chọn con đường chia tay.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Trong thực tế, có không ít người khi bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, đều tự giới hạn, đặt rào cản cho mình với hàng loạt điều răn: không nên, không được. Đó là không nên tranh cãi, mà phải nhường nhịn; không được làm lớn chuyện khi xảy ra mâu thuẫn, mà phải chuyện to thì biến thành nhỏ, chuyện nhỏ thì cho qua luôn…
Tôi đã từng ngồi dự một phiên xử phúc thẩm ly hôn, người vợ sau gần chục năm bị chồng bạo hành tơi bời mới nộp đơn ly hôn. Đây cũng là lý do mà nhiều cặp đôi gắng gượng sống với nhau, dù chẳng còn tình yêu. Tòa hỏi vì sao chị chịu đựng suốt thời gian dài vậy, chị khóc: “Vì tôi sợ ly hôn lần nữa, nên ráng nhịn”.
Với bất kỳ cuộc hôn nhân nào, dù là lần đầu hay lần n, và ở bất kỳ tuổi nào, trẻ hay già, mỗi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và bảo vệ hạnh phúc như lần đầu. Chỉ vì rào cản “tập hai”, mà nhiều người khi yêu thì ngại ngùng giấu giếm; khi cưới không dám tổ chức như lần một vì sợ dư luận đánh giá “tập hai rồi”; khi sống chung cũng tự đặt nhiều giới hạn và khi mâu thuẫn không hóa giải được thì cố gắng chịu đựng, chần chừ không dám ly hôn, chỉ vì nỗi sợ “đã tập hai”.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống và chúng ta không thể sống thay cho ai, cũng như không ai có thể sống thay cho ta. Vậy nên, hãy sống thật với bản thân mình và chấp nhận dù hạnh phúc hay đau khổ - đó là trải nghiệm đáng giá của hành trình mang tên cuộc đời.
Thùy Dương