Sơ cấp cứu tại nhà

07/09/2015 - 07:05

PNO - Joe Mulligan, người đứng đầu về giảng dạy cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ ở Anh, sẽ hướng dẫn bạn đối phó với các tình huống khẩn cấp phổ biến nhất.

Trẻ nuốt phải vật lạ hoặc các chất có hại

Các chất có hại bao gồm rượu, thuốc, sản phẩm làm sạch và một số loại cây cỏ.

So cap cuu tai nha
Vỗ mạnh vào lưng giúp tạo lực đẩy trong khoang ngực làm bật ngoại vật gây tắc đường thở ở trẻ

Đầu tiên, nhận biết loại chất mà trẻ đã nuốt phải, thời gian và liều lượng. Các bác sĩ cấp cứu sẽ rất cần thông tin này. Sau đó gọi cấp cứu hoặc đi thẳng đến bệnh viện, cầm theo chai hóa chất mà trẻ đã uống. Nếu hóa chất có khả năng bay hơi như axít, xăng dầu, chất tẩy rửa… tuyệt đối không gây nôn cho trẻ để tránh bỏng khí quản và đường hô hấp.

Có thể cho trẻ uống một ít nước trên đường di chuyển đến bệnh viện nếu hóa chất gây bỏng rát cổ họng. Với thuốc diệt cỏ hoặc dùng thuốc quá liều, cho trẻ uống nước ấm và móc họng gây nôn bớt chất độc.

Khi bị hóc dị vật, đứa trẻ đang bị tắc nghẽn đường thở thường ôm lấy ngực hoặc cổ, không có khả năng nói, hít thở hoặc ho. Khi đó, phụ huynh cần thực hiện ngay cách sơ cứu sau:

Bước một: Vỗ mạnh năm cái vào lưng, khoảng giữa hai bả vai bằng cạnh ngoài bàn tay. Điều này tạo ra một xung động mạnh và tăng áp suất trong đường thở, đánh bật vật gây nghẽn, giúp trẻ thở lại. Nếu vật không văng ra, chuyển sang bước hai.

Bước hai: Nắm hai tay, ôm giữ xung quanh vùng bụng ở thắt lưng trẻ. Ép mạnh vào trong theo hướng lên trên rốn của bé. Điều này ép không khí ra khỏi phổi và đánh bật các dị vật.

Nếu tình hình không cải thiện, lặp lại các bước một và hai. Gọi hoặc đưa trẻ đi cấp cứu ngay khi dị vật không văng ra sau ba lần thực hiện các bước.

Trẻ bị bỏng

Làm mát vết bỏng dưới vòi nước lạnh, cành nhanh càng tốt, liên tục trong ít nhất 10 phút. Sự đau đớn sẽ bớt đi, những tổn thương thần kinh hay nguy cơ để lại sẹo cũng giảm theo.

Dùng màng dính hoặc một túi nhựa sạch bọc bên ngoài, giúp giữ cho vùng da tổn thương sạch sẽ và ẩm. Bạn cũng có thể giúp giảm đau bằng cách tạo một lớp đệm không khí ở bên trong màng bọc. Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế trong trường hợp nghiêm trọng để có cách điều trị thích hợp.

So cap cuu tai nha
Trẻ nhỏ hiếu động rất dễ bị bỏng bởi những vật dụng gia đình nếu cha mẹ không cẩn thận chú ý

Khi bé va đầu vào vật cứng

Một cú va chạm vào đầu do sơ ý hay té ngã có thể làm bé bị đau, nhức. Vết sưng thường xuất hiện ngay sau đó và làn da trẻ trông nhợt nhạt hơn bình thường. Để trẻ nghỉ ngơi, chườm một vật lạnh, chẳng hạn như một gói đậu Hà Lan đông đá bọc trong khăn bông lên chỗ bị va chạm, giúp giảm sưng và đau bên ngoài.

Nếu trẻ có dấu hiệu mất ý thức hoặc trở nên buồn ngủ hay ói mửa, hãy đưa trẻ đi cấp cứu ngay lập tức, vì có thể là dấu hiệu của chấn động thần kinh và chấn thương đầu nghiêm trọng.

Trẻ bị gãy xương

Nếu trẻ có biể u hiện đau đớn hoặc nằm ở một vị trí không tự nhiên sau khi té ngã hay bị vật cứng va phải, rất có thể trẻ đã bị gãy xương.

Đừng di chuyển trẻ ngay lập tức, lót gối, quần áo bên dưới chỗ bị thương để ngăn chặn những cử động không cần thiết. Điều này có thể làm giảm đau và ngăn ngừa các rủi ro về xương khớp trong tương lai. Nếu có thể, lót đệm cố định cả ở trên và bên dưới chỗ bị thương. Sau đó gọi cấp cứu.

Trẻ bất tỉnh và ngừng thở

Thường xảy ra sau một vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng. Đầu tiên, hãy kiểm tra nhịp thở. Nghiêng đầu của trẻ về phía sau, đặt gò má sát mặt trẻ để cảm nhận nhịp thở đồng thời quan sát chuyển động ở ngực.

So cap cuu tai nha
Khi trẻ ngạt thở và bất tỉnh, cần sơ cứu ngay lập tức trước khi chuyển đến bệnh viện để tăng khả năng sống sót

Nếu chắc chắn bé ngừng thở, nhờ người gọi cấp cứu ngay lập tức. Lúc này bạn cần thực hiện hà hơi thổi ngạt và ép ngực trong một phút để cứu trẻ.

Hà hơi 5 lần: Giữ đầu của trẻ thẳng, ngửa ra sau để phần cằm hướng lên trời. Làm sạch miệng và cổ họng, móc hết ngoại vật và đờm dãi ra, kéo lưỡi trẻ để không bít cuống họng. Dùng tay bịt mũi của trẻ, sau đó thổi ngạt năm lần vào miệng. Nếu lồng ngực của trẻ nâng lên khi thổi là bạn đã thực hiện đúng động tác.

Ép ngực 30 lần: Ép mạnh ở giữa ngực của trẻ bằng một tay để lồng ngực hạ xuống, sau đó thả tay ra. Khi đó, bạn đang thay thế trái tim thực hiện nhiệm vụ bơm máu. Nếu tay bạn nhỏ hoặc con bạn có lồng ngực lớn thì nên sử dụng hai tay.

Hà hơi hai lần, sau đó tiếp tục với chu kỳ 30 cú ép ngực và hai lần hà hơi cho đến khi bé bắt đầu thở hoặc nhân viên y tế đến nơi.

Tấn Vi (Theo Mirror)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI