Số căn cước công dân sẽ thay thế mã số thuế

16/06/2023 - 18:32

PNO - Thông tin được ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế chia sẻ tại hội thảo "Kết nối dữ liệu xanh - Thanh toán thông minh, thúc đẩy phát triển xã hội".

Sự kiện do Vụ thanh toán, Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với báo Tuổi trẻ, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức ngày 16/6.

Theo ông Phạm Quang Toàn, việc này nhằm thuận tiện cho người nộp thuế là cá nhân chỉ sử dụng một mã duy nhất; tạo thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan phục vụ người dân, doanh nghiệp; ngân hàng cũng dễ dàng quản lý thông tin đăng ký tài khoản, liên kết tài khoản với cơ quan thuế và hỗ trợ nộp thuế.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội thảo.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng ông thật sự ấn tượng về những chỉ tiêu kết quả thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được.

Ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện nay các hành vi gian lận, lừa đảo, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng diễn ra ngày càng phức tạp. Nếu ngân hàng khai thác được cơ sở dữ liệu dân cư sẽ hạn chế thực trạng này. Mặt khác, dữ liệu dân cư sẽ giúp ngân hàng xác minh nhân thân khách hàng và tra cứu các thông tin để đánh giá khả năng trả nợ (như thông tin về đóng thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội...), từ đó có thể đẩy nhanh thủ tục cho vay, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Song thực tế vẫn còn những khó khăn trong việc chia sẻ thông tin 2 chiều. Chẳng hạn như xu hướng tội phạm công nghệ cao đang gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi phức tạp; các ngân hàng còn thiếu kinh phí và cần thời gian nâng cấp hệ thống ATM/POS để khách sử dụng căn cước công dân gắn chíp khi giao dịch...  

Ông Phạm Anh Tuấn đề nghị Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ ngành ngân hàng triển khai các giải pháp xác thực khách hàng qua căn cước công dân gắn chíp trên thiết bị di động hoặc giữa ứng dụng VNeID và ứng dụng Mobile Banking. Đồng thời, Bộ Công an cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để các các ngân hàng có thể kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Cần có kế hoạch cho phép các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thử nghiệm kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.

Phó Thủ thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, qua bốn năm triển khai, Ngày Thanh toán không dùng tiền mặt 16/6 đã góp phần vào việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Sau 2 năm phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 75%. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Một khách hàng đang thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng hoá tại chợ Bến Thành.
Một khách hàng đang thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng hoá tại chợ Bến Thành.

Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, có ngay kết quả. Đồng thời, nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận, sử dụng,…

Đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt tỉ lệ hơn 83%). “Cần tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp để có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và tin tưởng trải nghiệm sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TPHCM cho biết TPHCM hướng đến dẫn đầu thanh toán không tiền mặt cả nước
Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TPHCM - cho biết TPHCM hướng đến dẫn đầu thanh toán không tiền mặt cả nước.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, đến nay các cơ quan nhà nước tại TPHCM như y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông đã tiến hành thanh toán không tiền mặt. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại TPHCM đã đạt 30%. Trong thời gian tới, TPHCM sẽ thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng như tuyên truyền rộng rãi hơn nữa.

Hiện TPHCM đã ban hành chiến lược dữ liệu và thời gian tới sẽ triển khai để làm nền tảng cho thanh toán không tiền mặt, kể cả chính sách khuyến khích không tiền mặt.

TPHCM cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này. Trong giai đoạn ban đầu hiện nay nên có các quy định bắt buộc để đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt, chẳng hạn giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Như vậy sẽ đẩy nhanh được thanh toán không tiền mặt. Lãnh đạo UBND TPHCM luôn hoan nghênh các sáng kiến nhằm thúc đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt. Mục tiêu của TPHCM là hướng đến dẫn đầu thanh toán không tiền mặt cả nước.

Thanh Hoa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI